Giới thiên văn học đang xôn xao trước sự xuất hiện của một vật thể liên sao kỳ lạ mang tên 3I/ATLAS, phát hiện hôm 1/7 qua kính viễn vọng tự động ATLAS do NASA tài trợ.
Theo giáo sư vật lý lý thuyết Avi Loeb của Đại học Harvard, những đặc điểm bất thường của vật thể này cho thấy khả năng nó không phải là thiên thể tự nhiên, mà có thể là sản phẩm công nghệ của một nền văn minh ngoài Trái đất.
Quỹ đạo lạ và kích thước bất thường
3I/ATLAS đang lao vào Hệ Mặt trời với tốc độ hơn 217.000km/h, xuất phát từ chòm sao Nhân Mã. Quỹ đạo dạng hyperbol cho thấy đây là một vật thể từ ngoài Hệ Mặt trời, tương tự hai vật thể liên sao từng được ghi nhận trước đây: Oumuamua (2017) và Borisov (2019).
Tuy nhiên, 3I/ATLAS có độ sáng bất thường dù đang ở cách Trái đất khoảng 490 triệu km. Dựa trên mức độ phản xạ ánh sáng, các nhà khoa học ước tính đường kính của nó lên tới 20km - lớn hơn 100-200 lần chiều dài ước tính của Oumuamua và gấp 50-100 lần lõi sao chổi Borisov.
Nếu đều là vật thể đá, khối lượng của 3I/ATLAS vượt xa hai “người tiền nhiệm”, thậm chí lớn gấp hơn 10 triệu lần Oumuamua.
Không giống thiên thạch hay sao chổi
Giáo sư Avi Loeb cho rằng xác suất phát hiện được một tiểu hành tinh lớn như vậy trong phạm vi quan sát hiện tại là cực thấp - chỉ khoảng 0,0001. Để so sánh, thiên thạch gây ra vụ tuyệt chủng khủng long cách đây 66 triệu năm cũng chỉ bằng một nửa kích thước này.
Cách giải thích đơn giản nhất là 3I/ATLAS là một sao chổi. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại cho thấy nó không có vệt khí hay bụi thường thấy bao quanh nhân sao chổi.
Có thể chúng ta đang bỏ lỡ những đặc điểm của đuôi khí do khoảng cách quá xa giữa vật thể và Trái đất. Nếu 3I/ATLAS là sao chổi, nó sẽ sáng hơn khi tiến gần Mặt trời và bề mặt của nó ấm lên.
Dữ liệu sắp tới từ các kính thiên văn tiên tiến, bao gồm Đài quan sát Vera C. Rubin và Kính viễn vọng Không gian James Webb, được kỳ vọng sẽ cung cấp các phép đo chính xác hơn về nhân vật thể trong những tháng tới.
Tuy nhiên, nếu dữ liệu tương lai cho thấy không có đuôi sao chổi, chúng ta sẽ phải đối mặt với khả năng hấp dẫn rằng đây là sản phẩm của thiết kế công nghệ và đã được gửi tới Hệ Mặt trời từ một nền văn minh chưa rõ danh tính.
Theo giáo sư Loeb, chúng ta cần kiên nhẫn và cởi mở, sẵn sàng chấp nhận bất kỳ điều bí ẩn nào mà 3I/ATLAS có thể hé lộ.
Không đe dọa Trái đất
Các nhà khoa học khẳng định 3I/ATLAS không gây nguy hiểm. Vật thể này sẽ bay qua điểm gần Mặt trời nhất vào ngày 30/10, cách Trái đất khoảng 240 triệu km tại thời điểm đó.
Hiện tượng này đang thu hút sự chú ý không chỉ của các nhà khoa học mà cả giới yêu thiên văn nghiệp dư trên toàn thế giới, trong đó có nhà quan sát Tony Dunn - người đầu tiên chia sẻ dữ liệu quỹ đạo của 3I/ATLAS lên mạng xã hội.
Đây là lần thứ ba nhân loại ghi nhận một vật thể liên sao đi qua Hệ Mặt trời, nhưng cũng là lần đầu tiên một giả thuyết về khả năng "tàu vũ trụ ngoài hành tinh" được nhắc đến một cách nghiêm túc trong cộng đồng khoa học.