Không khí vui mừng sau khi Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới chính thức gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới.
Không khí vui mừng sau khi Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới chính thức gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới.

Việt Nam tự hào và cam kết bảo tồn và phát huy các Di sản thế giới

Ngày 12/7, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Niềm vui cùng sự tự hào của Đoàn Việt Nam đã lan tỏa tới bạn bè quốc tế cùng với cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm bảo tồn và phát huy các Di sản Thế giới.

Đây là Di sản Thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng với Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng).

Cùng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) diễn ra từ ngày 6-16/7 tại Paris (Cộng hòa Pháp), Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tiến sĩ-Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương khẳng định: Đây là niềm tự hào không chỉ của người dân tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng mà còn của toàn thể nhân dân cả nước.

duy-0863-1.jpg
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay chúc mừng Đoàn Việt Nam.

Sự công nhận này là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn và gìn giữ các di tích trong thời gian qua, đồng thời là thành công khích lệ ban đầu và thúc đẩy Việt Nam tiếp tục cam kết nhiều hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhắc lại vai trò chủ trì của Quảng Ninh trong việc xây dựng hồ sơ từ năm 2020 và cho biết tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chủ trì cùng với Hải Phòng và Bắc Ninh để xây dựng đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vô giá, nhằm xứng đáng với danh hiệu cao quý của UNESCO và giữ gìn di sản mãi cho các thế hệ sau.

Việc ghi danh di sản này là kết quả của việc bám sát, triển khai chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các Bộ: Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, nhất là nỗ lực không ngừng và quyết tâm cao của chính quyền, người dân các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Từ góc độ ngoại giao, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, đây là kết quả của hơn 13 năm công tác chuẩn bị, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan và nỗ lực từ chính các địa phương bao gồm Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng.

Đây cũng là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy. Niềm vinh dự, tự hào luôn đi cùng với trách nhiệm, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, triển khai đồng bộ các biện pháp thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới gắn với phát triển bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng nêu bật giá trị của Thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13, với những giá trị “hòa bình, hòa hợp, hòa giải và tư tưởng nhập thế”, vốn là những giá trị hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ, mục đích và hành động chung của UNESCO.

Xuất phát từ mong muốn bảo vệ và phát huy tốt hơn di sản văn hóa, lan tỏa các giá trị tốt đẹp về hòa bình, hòa hợp, hòa giải - tư tưởng chủ đạo của Phật Giáo Trúc Lâm, đặc biệt trong bối cảnh thế giới khủng hoảng như hiện nay, Đoàn Việt Nam tại kỳ họp đã tiến hành hàng chục cuộc làm việc, tiếp xúc với Trưởng đoàn, Đại sứ, chuyên gia của 20 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) để cập nhật, giải thích thông tin, làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu, cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các khuyến nghị của ICOMOS về bảo tồn di sản.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có thư gửi Tổng Giám đốc UNESCO và 20 thành viên Ủy ban Di sản Thế giới đề nghị ủng hộ hồ sơ đề cử Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác quản lý, bảo vệ di sản, được các thành viên rất đánh giá cao. Trên cơ sở đó, Kỳ họp đã đạt được sự nhất trí tuyệt đối, toàn bộ thành viên đều ủng hộ Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc xứng đáng để ghi danh là di sản văn hoá thế giới.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Yên Tử, bày tỏ quyết tâm cùng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương từng bước gìn giữ và phát huy Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc theo đúng nguyện vọng chung của toàn nhân dân Việt Nam và nhân loại, trong đó có cơ quan Liên hợp quốc UNESCO.

Không chỉ là niềm tự hào của Việt Nam, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc cũng được quốc tế đánh giá cao.

Giáo sư người Bulgaria Nikolay Nenov, Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) nhấn mạnh: Quần thể di tích và danh thắng này rất quan trọng với tất cả chúng ta và toàn thể nhân loại.

Gửi lời chúc mừng tới phái đoàn, ông Nikolay Nenov cũng nhấn mạnh Việt Nam cần tận dụng tất cả những điều kiện thuận lợi từ sự ghi danh này, để tiếp tục có những kế hoạch, hành động hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo tồn di sản cho nhân loại.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Ấn Độ bên cạnh UNESCO Vishal Sharma cho biết, Quần thể di tích và danh thắng vừa được ghi danh có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Đại sứ khẳng định: “Ấn Độ luôn ủng hộ Việt Nam và quyết định trình bản sửa đổi để Quần thể di tích được công nhận. Còn nhiều câu hỏi liên quan đến các báo cáo đánh giá tác động, nhưng công trình di tích lịch sử này hoàn toàn vẫn đáp ứng tất cả các điều kiện đề ra. Do đó, Ấn Độ cảm thấy rằng sự công nhận của Ủy ban Di sản Thế giới đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là rất đúng đắn”.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nêu rõ Việt Nam cùng các bộ ngành, địa phương sẽ cùng bảo tồn di sản và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết và cam kết đã đưa ra.

Mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn vật thể, mà còn là củng cố và truyền bá những giá trị cao đẹp của Thiền phái Trúc Lâm, tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông về hòa bình, hòa giải, tình yêu thương và nhập thế, đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng và sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới không chỉ là một danh hiệu, mà còn là lời khẳng định về giá trị độc đáo của văn hóa, lịch sử và tâm linh Việt Nam.

Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm thiêng liêng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị vô giá này cho các thế hệ mai sau và cho toàn nhân loại.

Các Di sản thế giới được UNESCO ghi danh tại Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, bền vững, đồng thời qua đó quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Đóng góp này cũng thể hiện cam kết, trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ các di sản thế giới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á, gìn giữ cho hiện tại và trao truyền cho các thế hệ mai sau. Việt Nam, với tư cách là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 cũng đang đóng góp tích cực hơn nữa cho việc thực thi Công ước Bảo vệ các Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Xem thêm