Ông Nguyễn Hồng Lam (áo vest), Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam đang hướng dẫn cho bà con nông dân tại mô hình 4F.
Ông Nguyễn Hồng Lam (áo vest), Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam đang hướng dẫn cho bà con nông dân tại mô hình 4F.

Tích cực hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ, sinh thái và tuần hoàn

Tại thành phố Huế, nông nghiệp hữu cơ đang được lựa chọn như một hướng đi chiến lược, không chỉ để phát triển kinh tế nông thôn bền vững mà còn bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và gìn giữ những giá trị truyền thống của vùng đất Cố đô.

Nông nghiệp hữu cơ

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế Hoàng Hải Minh, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, từng bước hình thành các mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng xanh, sạch và bền vững. Trong đó, ưu tiên các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết chuỗi giá trị, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và ứng dụng công nghệ cao trong canh tác.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế Nguyễn Đình Đức cho biết, từ năm 2016 đến nay, sở đã phối hợp Hội Nông nghiệp hữu cơ thành phố, dự án Luxembourg VIE/433 và nhiều doanh nghiệp tiên phong để lan tỏa phong trào sản xuất hữu cơ. Nhiều đơn vị như Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm; Công ty TNHH một thành viên Hữu cơ Huế Việt; các hợp tác xã Phú Mỹ 1, An Lỗ, Mỹ Hải, Vinh Mỹ... đã mở rộng diện tích canh tác hữu cơ, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học góp phần hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững và nâng cao chất lượng nông sản địa phương. Nhờ đó, diện tích canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn liên tục tăng, hiện đạt khoảng 2.908 ha. Đặc biệt, Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm là doanh nghiệp đầu tàu của cả nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, đầu tư và hình thành các chuỗi liên kết hữu cơ. Trong đó, có 60 mô hình chăn nuôi lợn, 6 mô hình chăn nuôi bò, 4 mô hình chăn nuôi gà và một trại chăn nuôi bò theo hướng hữu cơ tại huyện A Lưới.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Huế Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai hàng chục nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, xây dựng mô hình canh tác hữu cơ phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Nhiều mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh, công nghệ ủ phân hữu cơ, hệ thống tưới nhỏ giọt, nông nghiệp thông minh đã bước đầu mang lại kết quả tích cực”.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hữu cơ. “Việc nâng cao giá trị và tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng là chìa khóa để nông sản hữu cơ Huế vươn ra thị trường rộng lớn hơn”, bà Hương nhấn mạnh.

Nông nghiệp hữu cơ - câu chuyện bền vững

Tuy đạt những kết quả tích cực, nhưng thực tiễn phát triển nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Hoàng Hải Minh, chi phí chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2017 khá cao, khoảng 10 triệu đồng/ha, chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn có định hướng xuất khẩu. Trong khi đó, phương thức chứng nhận theo Hệ thống cùng tham gia (PGS) có chi phí thấp, phù hợp với nông hộ và tổ nhóm nhỏ, nhưng còn thiếu hướng dẫn cụ thể trong các văn bản pháp lý hiện hành.

Ông Minh cho biết, hiện việc triển khai chứng nhận PGS vẫn còn lúng túng do Nghị định 109/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan chưa hướng dẫn cụ thể cách thức tổ chức, dẫn đến thiếu niềm tin từ người tiêu dùng. Đồng thời, việc áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài bộ tiêu chuẩn chung TCVN 11041- 2017, một số doanh nghiệp lại xây dựng tiêu chuẩn riêng hoặc áp dụng tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường xuất khẩu khiến công tác quản lý, đánh giá thiếu thống nhất.

Bên cạnh đó, TCVN 11041- 2017 hiện chưa cập nhật đầy đủ các tiêu chí cho thủy sản và thức ăn chăn nuôi hữu cơ, gây khó khăn trong quá trình chứng nhận. Thị trường tiêu thụ còn hạn chế khi sản phẩm hữu cơ có giá cao, chủ yếu phục vụ nhóm tiêu dùng thu nhập cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ duy trì quy mô hiện có, chưa đủ động lực mở rộng. Sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ; hợp tác xã chưa phát huy vai trò dẫn dắt; nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng còn hạn chế.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo ra giá trị kinh tế bền vững mà còn tạo việc làm, sinh kế cho người dân; đồng thời bảo vệ sức khỏe cho cây trồng, vật nuôi, người tiêu dùng và cả môi trường sống. Điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức của người dân, nông dân và người tiêu dùng. Đó là nhiệm vụ mà chúng tôi luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương để thực hiện”.

Tại thành phố Huế, Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm đang triển khai hai mô hình điểm có quy mô lớn là Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp hữu cơ Thủy Bằng và Tổ hợp nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, sinh thái Phong Thu (4F). Với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, hai trung tâm này không chỉ là nơi nghiên cứu, thực nghiệm mà còn là không gian đào tạo, tham quan, trải nghiệm dành cho nông dân, học sinh, sinh viên và người tiêu dùng. Đây là mô hình “nông nghiệp làm thật”, vận hành thực tế và gắn với chuỗi giá trị.

Ông Lam cho biết thêm, ngày càng có nhiều tín hiệu tích cực từ chính sách, sự vào cuộc của các địa phương. Điều cần làm lúc này là truyền thông mạnh mẽ hơn về lợi ích của sản phẩm hữu cơ, hướng dẫn người nông dân quy trình chuẩn, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, thị trường và từng bước xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm.

Nông nghiệp không chỉ nuôi dưỡng nền kinh tế mà còn là nơi kết tinh văn hóa, đạo lý và khát vọng sống hòa hợp với thiên nhiên. Thành phố Huế, với bản sắc riêng biệt và tinh thần “sống xanh” đang từng ngày lan tỏa hình mẫu nông nghiệp hữu cơ, đóng góp thiết thực vào hành trình xanh hóa nông nghiệp quốc gia.

Xem thêm