Từ một làng biển nghèo bên triền cát trắng, đến nay bán đảo Bảo Ninh là khu vực có dịch vụ du lịch đô thị nghỉ dưỡng sôi động bậc nhất trên địa bàn tỉnh và làn sóng thu hút đầu tư, phát triển du lịch vẫn chưa dừng lại.
Ký ức làng biển nghèo
Lão ngư dân Nguyễn Xô ở thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh (cũ) nhớ lại, trước năm 1995, xã Bảo Ninh chưa có điện, đường cũng chưa, người dân cứ vục chân vào cát trắng mà đi. Bà con có sáng kiến là dùng miếng gỗ nhỏ và mỏng, đẽo hình ô-van rồi đục 3 lỗ buộc dây, kiểu như dép tông mang vào chân cho bớt nóng và đỡ lún xuống cát. Lúc đó hầu như người trong xã cũng chưa biết đi xe đạp, cuộc sống của ngư dân cứ dập dềnh theo những chiếc thuyền nhỏ đánh cá gần bờ. Đàn ông ra khơi, phụ nữ ở nhà chờ thuyền về, gánh cá đi bán.
Cho đến khi tỉnh Quảng Bình quyết định đầu tư kéo lưới điện vượt sông Nhật Lệ - sự kiện làm nức lòng người dân lúc đó, thì bộ mặt làng biển mới dần sáng hơn. Ít lâu sau, con đường cấp phối chạy xuyên qua xã được mở, bà con kéo nhau ra đường tập đạp xe và xe đạp trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu thay cho những đôi chân ngày ngày phải vục vào cát. Thế nhưng phải đợi đến năm 2004 với việc xây xong cầu Nhật Lệ 1, cuộc sống của người dân Bảo Ninh mới chính thức được chuyển mình. Cùng với nghề đánh bắt xa bờ được hiện đại hóa với đội tàu to máy lớn, ngư dân Bảo Ninh bắt đầu làm giàu từ nghề khai thác hải sản.
Nói về nghề cá, người dân nơi đây thường nhắc đến thầy giáo Nguyễn Văn Ty, giáo viên dạy Vật lý, từng là cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình (cũ). Thầy Ty chia sẻ, vâng lời cha, 3 đứa con trai của thầy học xong lớp 12 mà không thi vào đại học, xuống thuyền đi biển để tích lũy kinh nghiệm. Năm 1990, thầy vay mượn tiền đóng 1 chiếc thuyền đi biển trị giá hơn 16 triệu đồng giao cho các con, sau khi trả hết nợ thầy tiếp tục đầu tư thêm 2 tàu nữa và đến nay đội tàu xa bờ của đại gia đình thầy là 3 chiếc, trị giá gần 10 tỷ đồng. Không chỉ thu về tiền tỷ mỗi tháng, đội tàu của các con thầy Nguyễn Văn Ty còn giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động địa phương, góp phần hình thành nên đội tàu xa bờ hùng hậu mang thương hiệu Bảo Ninh.
Điểm sáng thu hút đầu tư
Theo quy hoạch chung của Đồng Hới đến năm 2045, toàn bộ khu vực phía đông (chủ yếu là Bảo Ninh) phát triển theo hướng đô thị du lịch biển với hàng loạt dự án đô thị, dịch vụ, công trình công cộng được triển khai trên diện tích gần 1.000 ha. Xuyên qua bán đảo là con đường rộng 60m nối với huyện Quảng Ninh (cũ) tạo thành trục giao thông rộng mở ven biển.
Cùng với 2 cây cầu bắc qua sông Nhật Lệ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông ngư nghiệp sang du lịch-dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn thiện. Từ một làng biển nghèo, Bảo Ninh trở thành vùng dân cư trù phú, khang trang, đời sống người dân được nâng cao. Xã Bảo Ninh (cũ) có 2.754 hộ với 11.136 nhân khẩu, về cơ bản không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người hơn 90 triệu đồng/năm. Cũng như nhiều người khác, các con của lão ngư dân Nguyễn Xô không phải xuống tàu ra khơi mà chọn nghề dịch vụ ẩm thực với thu nhập khá cao. Nhiều bạn trẻ năng động ở Bảo Ninh lại chọn hướng mở các homestay để đón khách du lịch đến trải nghiệm. Các homestay này như những “ốc đảo xanh” thu nhỏ với đầy đủ dịch vụ ngay trong khu dân cư, tạo không gian riêng tư vừa ấm áp song cũng rất dân dã, thu hút rất đông du khách khi đến với đô thị biển Đồng Hới.
Chủ tịch UBND phường Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan cho biết, nhờ chính sách thu hút đầu tư của địa phương, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào Bảo Ninh với số vốn lớn, biến nơi đây thành đại công trường đô thị du lịch sôi động. Hiện trên bán đảo đang hình thành các khu đô thị du lịch quy mô lớn như Regal Legend Quảng Bình, La Celia City của Tập đoàn Nam Mê Kông, tổ hợp căn hộ-khách sạn 5 sao Dolce Penisola Quảng Bình của Onsen Fuji... Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng được đầu tư đồng bộ như hệ thống đường trục chính, đường nội khu các dự án đang gấp rút hoàn thiện. Trong năm nay, cầu Nhật Lệ 3 hoàn thành và tuyến đường ven biển mới (thuộc dự án cầu Nhật Lệ 3) với 4 làn xe chạy dọc Bảo Ninh chuẩn bị khởi công sẽ mở ra không gian phát triển mới cho khu vực.
Từ một làng biển nghèo, sau 2 thập kỷ, Bảo Ninh “lột xác” trở thành điểm đến sôi động xuyên không gian và thời gian. Đồng chí Hoàng Ngọc Đan cho rằng, không chỉ làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị biển mà sự có mặt của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước sẽ đưa “bán đảo ngọc” Bảo Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch và các nhà đầu tư, thành điểm sáng đưa du lịch tỉnh Quảng Trị mới vươn lên tầm cao.