Ít người hình dung tác giả của hàng chục sáng kiến liên quan đến sửa chữa các loại máy phục vụ sản xuất ngành in từ năm 2015 đến nay là một công nhân cơ điện của Xí nghiệp Bao bì Liksin (Tổng công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin).
Sinh năm 1988, Nguyễn Thành Long rời quê hương Ðồng Tháp lên TP Hồ Chí Minh học trung cấp nghề tại một trường đào tạo nghề ở quận 10. Năm 2009, Long tốt nghiệp và vào làm công nhân cơ điện của Xưởng cơ điện Xí nghiệp Bao bì Liksin. Long kể: "Cứ mỗi lần máy hỏng hóc em lại mất ăn mất ngủ. Hỏng ít thì bắt tay sửa chữa, học hỏi kinh nghiệm các đàn anh. Hỏng nặng thì lên mạng tìm kiếm thông tin. Miễn làm sao sửa xong để máy chạy trở lại…".
Từ "trị bệnh" cho các máy bị hỏng hóc, dần dà Long có thêm kinh nghiệm và mạnh dạn đưa ra nhiều sáng kiến trình Ban giám đốc công ty, từ đó đưa ra phương án sửa chữa, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như tiết kiệm chi phí. Ðầu năm 2017, sáng kiến "chế tạo bộ điều khiển máy quấn biên đồng bộ với máy tiết kiệm năng lượng" do Long "chắp bút" được Ban Giám đốc Liksin chấp thuận và sau đó Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc. Với sáng kiến này, Long giúp đơn vị tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng một trăm triệu đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng, công suất tiêu thụ, tăng tuổi thọ cho mô-tơ. Long chia sẻ: Mỗi sáng kiến ra đời lại thúc giục tôi tư duy và sáng tạo nhiều hơn nữa".
Theo lãnh đạo Xí nghiệp Bao bì Liksin, từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm Long cho "ra lò" bảy đến tám sáng kiến. Năm 2016, Long vinh dự được kết nạp vào Ðảng, và vào tháng 4-2017, được đề bạt làm Phó quản đốc Xưởng cơ điện. Từ những đóng góp hiệu quả và thiết thực cho đơn vị, Nguyễn Thành Long đã nhận được nhiều phần thưởng khích lệ như Danh hiệu Chiến sĩ thi đua từ năm 2012 đến 2016 cấp Tổng công ty; Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2015, 2016 do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh trao tặng…
Long cho biết thêm, anh đang "ấp ủ" một vài sáng kiến để khắc phục sự cố hỏng hóc của máy móc cũng như cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh của công ty theo hướng hiệu quả và tiết kiệm thời gian. "Hạn chế của bản thân tôi chính là trình độ còn thấp, cho nên tôi sẽ cố gắng học thêm các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ, nâng cao tay nghề để kịp thời đáp ứng những thay đổi của công nghệ", Long nói.
RONG số 11 đoàn viên thanh niên và là nữ đoàn viên duy nhất của TP Hồ Chí Minh được tuyên dương "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc lần này, Nguyễn Thị Lương (sinh năm 1983) có vẻ hiền lành và ít nói; nhưng những gì Lương chia sẻ lại thể hiện cô là một thanh niên đầy nghị lực.
Tốt nghiệp trung cấp hóa của Trường cao đẳng Công nghiệp thực phẩm, nhưng khi vào làm việc tại Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV), Lương lại được giao phụ trách thống kê, rồi làm thủ kho, sau đó là xuất, nhập khẩu. Với suy nghĩ "phải làm tốt công việc dù ở bất cứ vị trí nào", Lương đã không ngừng học hỏi và phấn đấu làm tốt các công việc được phân công. Khi về xưởng chế biến, Lương bắt đầu hiến kế nhiều sáng kiến, góp phần thay đổi quy trình sản xuất sản phẩm của công ty. Với sáng kiến "Cải tạo lại khuôn ép bánh Trà Phổ Nhĩ" áp dụng từ tháng 4-2012, Lương đã giúp công ty cải tiến quy trình, giúp công nhân ép bánh giảm bớt được thao tác. Năng suất ép bánh cũng tăng từ tám bánh/giờ lên mười ba bánh/giờ. Sáng kiến này đã giúp tiết kiệm chi phí cho công ty khoảng một trăm triệu đồng cho năm tháng. Ðặc biệt, với sáng kiến "Sử dụng máy cắt hạt lựu của xưởng thực phẩm chế biến", Lương đã giúp đơn vị cải tiến lại bộ dao cắt để cắt khổ qua (mướp đắng) ô vuông của khách hàng Hooking thay cho cắt bằng tay, tiết kiệm chi phí 142 triệu đồng/năm. "Sáng kiến cải tiến lại bộ dao cắt để cắt khổ qua ô vuông tôi đã nghiên cứu từ năm 2012. Có thời gian tôi bỏ cuộc vì gặp khó. Nhưng đến năm 2016, tôi bắt tay nghiên cứu trở lại. Nhờ sự động viên, khích lệ của lãnh đạo đơn vị nên sáng kiến cũng đã ra đời", Lương phấn khởi cho biết.
Là Bí thư Ðoàn Thanh niên của công ty, Phó Trưởng xưởng Cầu Tre - Gia Hân, Lương luôn tâm niệm và chia sẻ bài học với các bạn công nhân: "Hãy làm hết mình và cống hiến cho đơn vị trước khi đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình. Làm được như vậy, thành công sẽ đến".
Với ý chí không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, Lương đã tốt nghiệp Ðại học Ngoại ngữ, giúp cô dễ dàng giao tiếp với các đối tác của công ty. Lương đã có kế hoạch tiếp tục học lên đại học để bổ sung kiến thức phục vụ công việc tốt hơn.
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong khẳng định: Giải thưởng "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc là động lực để thanh niên, công nhân trẻ không ngừng học hỏi, phấn đấu trong công việc. Ðây cũng là cơ hội để người lao động trang bị kỹ năng nghề nghiệp, trau dồi kiến thức để làm chủ công nghệ mới trong thời kỳ toàn cầu hóa, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Việc tôn vinh những người thợ trẻ giỏi cũng giúp cho xã hội có cái nhìn tích cực và đúng đắn hơn với việc học nghề và lựa chọn nghề nghiệp chứ không nhất thiết là chỉ học đại học. |