(Minh họa VĂN HỌC)
(Minh họa VĂN HỌC)

Thằn lằn đêm

Những con thằn lằn ăn nỗi buồn mà sống.

“Anh Sa, hôm nay có con thằn lằn đứt đuôi rơi xuống sàn nhà”.

Tin nhắn của Hoài nhấp nháy khi Sa chuẩn bị khép mắt. Đồng hồ đã điểm không giờ. Ngoài khung cửa sổ, ánh sáng mờ ảo của những ngôi sao xa như ru ngủ. Thỉnh thoảng có tiếng xe lao vút đi dưới mặt đường. Thành phố này luôn ngủ muộn. Sa cũng thỉnh thoảng thức xuyên đêm, không vì lý do gì, chỉ là chờ hoài mà cơn buồn ngủ không tới.

“Thế à! Em nhớ canh chừng con mèo!”.

Sa chỉ nhắn được chừng đó, sau khi yêu cầu Hoài đi ngủ, khuya lắm rồi, mặc cho cô nói muốn trò chuyện cùng anh thêm chút nữa. Những đầu ngón tay anh rã rời. Ngón tay Sa gầy trơ đêm nào cũng nhún nhảy trên bàn phím đến tận giữa khuya. Bản phác thảo dự án anh vẽ, tính toán tất cả phương án xây dựng, khấu hao. Những ngôi trường chống ngập cho trẻ em vùng lũ. Ai sẽ chắp cánh cho dự án của anh thành hiện thực? Tại sao anh cứ mãi sa lầy vào những giấc mơ điên rồ này trong khi hiện thực cuộc sống ngày một khốc liệt hơn? Đồng nghiệp của Sa cười rũ, sặc trong khói thuốc. “Anh định đem cái dự án dở hơi này đi tìm việc à? Mơ mộng quá rồi!”.

Cái dự án mơ hồ như cuộc đời anh lúc này, khi anh đã bị bứt khỏi công ty cũ, ngày ngày rong ruổi ngang dọc những tuyến đường đầy xe, bụi, ngộp trong mớ mồ hôi của cuộc mưu sinh mặn đắng. Đồng nghiệp thương tình chỉ vẽ: “Thôi, đăng ký chạy xe ôm, giao hàng đi, gì cũng được nhưng phải sống được trước đã, mọi thứ tính sau”.

Những cuốc xe đêm đầy vất vả cũng không làm anh vơi nỗi nhớ văn phòng, nhớ những đêm quay cuồng, thậm chí không ngủ để chạy dự án. Tiếng sếp tổng quát tháo trong phòng họp kín. Tiếng chiếc ghế va đập vào góc tường trong cơn đổ gục rũ rượi của trưởng phòng. Không có thành công nào không phải trả giá. Dự án đấu thầu khu trung tâm thương mại lớn lần đó, công ty anh không thắng nổi. Sếp tổng đã dồn tất cả hy vọng vào cuộc đấu thầu này. Nếu thắng, công ty sẽ trụ được ít nhất là hết năm, số nợ sẽ được giải quyết. Nhưng mọi thứ không hề đơn giản. Đối thủ đã “đi đêm” mạnh tay để thắng thầu. Lần đầu tiên Sa thấy sếp tổng đổ gục, nhão nhoẹt như cọng bún. Cơn tai biến quật ngã người đàn ông kiên cường nhất công ty. Ngày công ty nhận quyết định giải thể, anh đến bệnh viện thăm sếp tổng, nói lời từ biệt. Sếp không nói được, hay là không còn muốn nói điều gì nữa, chỉ nhìn anh, ứa lệ. Cơ miệng người đàn ông dần xếch lên, những nếp da díu vào nhau, bất lực. Cái bất lực của người từng gánh trên vai bao nhiêu cuộc đời rồi cũng lan vào giấc ngủ của Sa. Anh đã có những đêm thức trắng, những ngày dài băng mình dưới cơn mưa nặng hạt đi rải hồ sơ tìm việc khắp các công ty lớn nhỏ. Nhiều cái lắc đầu, nhiều email cảm ơn lịch sự… Ngày cứ trôi, đêm cứ dài ra, những hy vọng như ngọn nến tàn dần. Khi làn sóng suy thoái kinh tế quét qua thành phố như cơn bão, hàng quán trả mặt bằng, công ty lớn nhỏ lần lượt đóng cửa, con người ta tìm được một công việc để bám trụ là một điều không đơn giản. Hóa đơn thuốc men điều trị căn bệnh ung thư phổi của mẹ đều đặn gửi đến. Những con số trong tài khoản Sa ngày càng teo tóp. Thành phố này thỉnh thoảng có những hôm trời trong vắt đến mức anh có thể nhìn rõ chiếc lá tận trên ngọn cây cao. Nhưng cũng có những hôm mưa trút nước, giông gió quật tơi bời như muốn bức anh đến hơi thở cuối cùng. Nhưng so ra điều đó vẫn dễ chịu hơn những tin nhắn của Hoài.

“Chừng nào thì anh về? Đã hai năm…”.

Sa không trả lời. Tin nhắn của Hoài rơi vào thinh lặng, như tiếng con thằn lằn tặc tặc trên trần nhà đầy tuyệt vọng, không một hồi đáp. Khi mất việc, Sa thuê phòng trọ nhỏ xíu trong chung cư cũ bên cạnh một ngôi chợ cũ. Ngược với ngôi chợ ồn ào, dãy trọ trong chung cư như một cụ già biếng nói, chỉ thỉnh thoảng thở dài. Chung cư có ban-công dài nối dãy phòng, nhìn xuống chóp chợ. Lan-can ban-công bằng những thanh sắt đã gỉ sét. Ít có cuộc chạm mặt nào của hàng xóm nơi ban công, ngoài những bộ quần áo được phơi cẩu thả, vội vàng lúc sáng sớm và biến mất vào chiều tối. Thỉnh thoảng trời nổi gió, mớ quần áo sẽ bay đi đâu đó, hàng xóm mới dáo dác đi tìm. Khi đó, cuộc sống ở dãy trọ này mới rộn lên đôi chút. Âm thanh của dép guốc lẹt xẹt. Và tiếng người. Mọi thứ tao tác đôi chút ít ra cũng giúp Sa bớt nhớ nhà, nhớ Hoài, nhớ căn nhà nhỏ nơi phố cổ thâm trầm mà anh đã rời đi hai năm trước.

Anh nhớ có lần Hoài nằm dài trên xô-pha bị mèo cào rách loang lổ lớp da bọc. Căn nhà của anh nhỏ xíu ngột ngạt giữa phố cổ hiu hắt, ánh đèn vàng vọt không đủ rọi sáng góc nghiêng đẹp trên khuôn mặt cô. Khuôn mặt của cô rời rạc từng khối nhỏ. Sa tưởng mình có thể di dời từng khối ấy, sắp đặt theo cách mà anh muốn, ít ra, sao cho mắt Hoài phải sáng lên, tươi tắn, không phải cứ cụp xuống, trĩu nặng. Nhưng Hoài không phải vật thể trong bản vẽ dự án, muốn tẩy xóa, muốn di dời lúc nào cũng được. Ngay cả việc giữ Hoài bên mình, anh cũng đã không làm được, huống hồ gì…

Sa nhớ những con thằn lằn béo ú trong căn nhà cũ. Hoài không sợ loài sinh vật bốn chân này. Những buổi trưa khi chờ Sa đi đâu đó về, cô chăm chú quan sát chúng. Có khi là trận chiến ác liệt giữa hai chú thằn lằn háo thắng. Có khi là tư thế săn mồi như thiền: bất động, không một cái đảo mắt. Thỉnh thoảng Hoài thông báo cho Sa biết có xác thằn lằn quắt queo, khô cong rơi ra từ khe hở của máy lạnh, hoặc trong một hốc kẹt nào đó. Sa không biết chúng mắc kẹt vào những nơi đó bằng cách nào. Nhưng rõ ràng, có điều gì đã thu hút chúng: con mồi, thức ăn, hoặc một thứ bí ẩn nhưng hấp dẫn nào đó…

Có lần anh hỏi mẹ vì sao nhà mình có quá nhiều thằn lằn? Và chưa bao giờ anh thấy mẹ đuổi hay giết hại chúng. Mẹ cũng cấm anh làm điều đó.

“Con biết không, những con thằn lằn đã ăn nỗi buồn mà sống”. Hẳn là ngôi nhà ấy có quá nhiều nỗi buồn. Những con thằn lằn ngày càng béo ú, phúng phính.

Chuyến xe đưa Hoài rời cơ quan cũ trong một buổi chiều chập choạng. Sau khi sáp nhập tỉnh, cơ quan phải chuyển sang địa bàn mới, xa hơn trăm cây số. Hoài sẽ chỉ về thăm nhà mỗi tháng một lần. Cũng tốt. Cô không muốn trầm mình trong những lời hối thúc của ba về một lễ cưới, với một người không phải Sa. Cô biết ba thương con gái, tuổi xuân có đợi chờ ai. Cô đợi Sa từ hồi còn học đại học, đợi thêm hai năm anh đi thành phố làm việc để gửi tiền về cho mẹ anh trị bệnh. Gần đây những tin nhắn của Sa cứ thưa dần. Anh không hứa hẹn, cũng không kêu cô phải đợi. Những cuộc nói chuyện rời rạc. Nhiều đêm Hoài nằm nghe tiếng thở dài của mình, hồi đáp tiếng tặc tặc của bầy thằn lằn. Sóng điện thoại vẫn đầy nhưng Sa đã chìm trong bóng đêm tịch mịch.

Đám tang ở thành phố này thường trĩu buồn. Đám tang của một gia đình nghèo trong chung cư cũ càng buồn hơn nữa. Người vừa mất là một ông lão, sau thời gian dài chống chọi bệnh tật. Ông ở với vợ chồng đứa con trai duy nhất cùng hai đứa cháu nội. Tổ ấm nhỏ của họ cách phòng của Sa vài bước chân. Đám không kèn trống. Giữa nhà chỉ kê được một cỗ quan, hai bộ bàn đặt ngoài ban-công tiếp khách. Khách cũng đếm trên đầu ngón tay. Sa quen vợ chồng người con trai vì anh thường xuyên có đơn khách đặt giao hủ tíu rất ngon chỗ tiệm nhỏ của hai người, ngay dưới chân chung cư. Đêm cuối cũng chỉ có Sa và một vài người thân của họ từ quê lên, túm tụm chuyện trò, chờ trời sáng, đưa ông lão một đoạn đường cuối cùng. Anh con trai từng là kỹ sư xây dựng. Cơn bão thất nghiệp cuốn anh về bên xe hủ tíu tạm bợ của vợ mình. Giọng anh quyện trong khói nhang âm u:

- Chưa bao giờ tôi thấy mình bất tài như lúc này, anh Sa ạ!

Sa không biết nói gì. Cả anh, cả anh ta, cả biết bao con người ngoài kia cũng đang cảm thấy như thế, đâu có gì khác nhau đâu.

Bất chợt Sa nhớ đến ba Hoài. Ông không từ chối Sa, nhưng ông đã dựng lên một lớp rào vô hình giữa anh và con gái ông. Có lẽ, ông đã nhìn thấy sự bất tài của anh, từ lâu lắm? Sa mồ côi ba từ nhỏ. Anh không hiểu tình thương của một người cha dành cho con sâu sắc như thế nào. Nhưng chắc chắn người cha nào cũng mong điều tốt lành nhất cho con cái họ. Ba của Hoài cũng vậy thôi. Trong mắt ông, căn nhà cũ kỹ nghèo nát và một bà mẹ ốm đau hoàn toàn không phải nơi để Hoài thuộc về. Sa đau trước sự im lặng của ông, khi anh đề cập chuyện cưới xin.

Ngày Sa chuẩn bị về quê, anh có một cuộc hẹn với người đàn ông đã mua lại bản vẽ dự án trường chống ngập cho trẻ em vùng lũ của anh. Đó là người đã kéo anh ra khỏi nỗi ám ảnh “bất tài”. Sau ba năm mà nhìn anh ta phát tướng hẳn, nhưng khuôn mặt thật phúc hậu.

- Hôm nay tôi cũng về quê anh ạ! Ngày kia là đầy tháng thằng con, có anh đến vui cùng gia đình thì hay quá!

Sa mỉm cười. Chừng nào thì tới lượt mình háo hức như người đàn ông ấy?

Tối đó, Sa không ngủ. Anh sang chào tạm biệt gia đình hàng xóm, rồi dùng nguyên đêm để nói lời từ biệt với đám thằn lằn đang rộn lên trong căn phòng. Sa định nhắn tin chúc mừng đầy tháng con trai Hoài, chợt nhớ mình đã không trả lời bất cứ tin nhắn nào của cô nữa, từ ba năm qua.

Sa nhìn vào mắt con thằn lằn trước mặt.

Trong đôi mắt nó phản chiếu một con thằn lằn khác, béo ú.