Tuy nhiên, với diện tích rộng lớn, địa hình đa dạng, tỉnh đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái cấu trúc tư duy phát triển, quy hoạch tổng thể để huy động hiệu quả các nguồn lực.
TIỀM NĂNG LỚN VÀ TRÁCH NHIỆM LỚN
Gia Lai mới là tỉnh có diện tích lớn thứ hai cả nước, trải dài từ Tây Nguyên đến Duyên hải Nam Trung Bộ, với tổng diện tích hơn 21.500 km². Đây là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển toàn diện: có rừng, có biển, có đồng bằng, có cao nguyên; có hệ thống giao thông đa dạng gồm: đường bộ, đường sắt, hàng không và cảng biển.
Tỉnh hiện có hai sân bay (Pleiku và Phù Cát), trong đó sân bay Phù Cát đang chuẩn bị xây dựng đường cất hạ cánh số 2, nâng cấp thành sân bay quốc tế. Cùng với đó, cảng biển Quy Nhơn là một trong những cảng lớn của miền trung, với sản lượng hàng hóa xuất khẩu mỗi năm lên tới hàng chục triệu tấn, kết nối với hơn 80 quốc gia. Dự án cảng nước sâu Phù Mỹ đang được xúc tiến đầu tư, hứa hẹn trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế. Tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku và các tuyến đường sắt, quốc lộ đang được quy hoạch đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển logistics, du lịch và thương mại.
Năm 2025, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt tối thiểu 8%. Có thể nói, đây là con số đầy thách thức trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, nhưng đồng thời đây cũng là động lực để toàn hệ thống chính trị hành động quyết liệt. Do vậy, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể, sát với thực tế, bảo đảm có tính khả thi cao. Việc phân bổ chỉ tiêu phải dựa trên năng lực thực tế của từng địa phương, tránh dàn trải, hình thức.
Một trong những thách thức hiện nay là hạ tầng hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, đặc biệt ở khu vực Gia Lai (cũ). Trong khi nhiều vùng đồng bằng có thể chủ động nước tưới tới 95% diện tích canh tác thì Gia Lai (cũ) mới chỉ đạt khoảng 7.000 ha. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang thiếu vắng các doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt, tạo động lực phát triển. Việc thu hút đầu tư còn hạn chế, nguồn thu ngân sách chưa tương xứng với quy mô dân số và tiềm năng của tỉnh. Do vậy lãnh đạo tỉnh yêu cầu cần có chiến lược rõ ràng để mời gọi các tập đoàn lớn, phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics và du lịch. Đồng thời, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn cho biết, việc tổ chức bộ máy, đặc biệt là ở các xã, phường mới cần được rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả phục vụ người dân và phát triển kinh tế-xã hội. Các địa phương cần bố trí cán bộ có năng lực, có tinh thần trách nhiệm, không chỉ để “ngồi cho đủ người” mà phải thật sự làm được việc. Việc gì cũng phải rõ người, rõ việc, có kết quả cụ thể. Nếu đã phân công mà không đạt kết quả thì phải điều chỉnh, thậm chí thu hồi nhiệm vụ. Do vậy, chính quyền các cấp phải chuyển mạnh sang tư duy phục vụ. “Người dân và doanh nghiệp là khách hàng của chính quyền nên mọi hành động, chính sách đều phải hướng đến sự hài lòng của người dân. Đặc biệt, đến cuối năm mà không hoàn thành chỉ tiêu, không đạt yêu cầu thì theo quy định hiện hành, cán bộ có thể bị thay thế”, đồng chí Phạm Anh Tuấn nêu rõ.
Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tập trung vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư phải được ưu tiên xử lý nhanh chóng, hiệu quả. “Các dự án không thể chờ đợi. Nếu địa phương không chủ động, không phối hợp tốt thì không thể vận hành được. Đây là trách nhiệm cụ thể, không được đùn đẩy. Các địa phương cần bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc vận hành chính quyền hai cấp. Nếu cần gì, thiếu gì thì phải báo cáo ngay. Không được để tình trạng thiếu thốn kéo dài, gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết.
VƯỢT QUA ÁP LỰC, KHẲNG ĐỊNH QUYẾT TÂM
Sau khi hợp nhất, tỉnh đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy chính quyền hai cấp, tổ chức lại các sở, ban, ngành và hệ thống chính trị cơ sở. Dù khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, các địa phương đã vận hành tương đối ổn định. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận: vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, cần rút kinh nghiệm sâu sắc để điều chỉnh kịp thời. Hiện, một số xã, phường mới sáp nhập còn gặp khó khăn trong công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ, cơ sở vật chất và nhân lực chưa đồng đều. Việc thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp nhận phản ánh của người dân còn chậm ở một số nơi. Đây là những vấn đề cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh quan tâm là sự cần thiết phải xây dựng quy hoạch tổng thể mới, hoàn chỉnh và có tầm nhìn dài hạn. Việc hợp nhất hai tỉnh với hai hệ thống quy hoạch khác nhau đã đặt ra nhiều thách thức, cần phải điều chỉnh. Bởi Gia Lai (cũ) thuộc Tây Nguyên, còn Bình Định (cũ) thuộc Duyên hải Nam Trung Bộ, điều này đặt ra yêu cầu tích hợp, điều chỉnh và đồng bộ hóa toàn bộ chiến lược phát triển không gian, hạ tầng, dân cư và kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng lưu ý, yêu cầu cấp thiết phải đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, chuyển đổi từ mô hình hành chính truyền thống sang mô hình chính quyền kiến tạo, phục vụ. “Chúng ta có rất nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức. Chúng ta không thể phát triển nếu không có một quy hoạch tổng thể làm nền tảng. Quy hoạch không chỉ là bản đồ định hướng, mà còn là công cụ để phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư và tổ chức lại không gian phát triển một cách khoa học”, đồng chí Hồ Quốc Dũng cho biết.
Việc xây dựng chính quyền hai cấp sau sáp nhập đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo từ cơ sở. Các xã, phường, đặc biệt là ở khu vực Gia Lai cũ cần được giao nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn, tránh tình trạng áp đặt chỉ tiêu không khả thi. “Chúng ta phải thay đổi cách vận hành, cách tiếp cận, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển. Không thể bắt một địa phương không có tiềm năng, động lực phát triển phải gánh những nhiệm vụ vượt quá khả năng. Tôi yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần khẩn trương bắt tay ngay vào việc, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu được giao. Nếu ai không làm được, có thể chủ động xin nghỉ để người khác làm chứ không được bàn lùi, nói không làm được”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh. Với quyết tâm cao, khát vọng lớn và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, Gia Lai mới đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá, vươn lên trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực miền trung-Tây Nguyên, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.