Bên cạnh một số thuận lợi, các xã cũng gặp không ít khó khăn bước đầu; đặc biệt là việc vận hành trung tâm hành chính công trong điều kiện thiếu người, thiếu thiết bị và thiếu cả kỹ năng làm việc số.
Tại xã A Lưới 5, địa bàn rộng, vừa được hợp nhất từ hai xã cũ, anh Phan Trung Tín, cán bộ trẻ từ huyện cũ điều về đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công, đang trở thành “người thầy” bất đắc dĩ. Ngoài giờ làm việc chính thức, anh ở lại cơ quan để hướng dẫn đồng nghiệp làm quen với máy tính, giao diện hệ thống và thao tác xử lý hồ sơ số. Phần lớn cán bộ đều là người từ các xã cũ chuyển về, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.
“Cũng vất vả nhưng vui, sau mấy ngày thì giờ ai cũng làm được rồi”, anh Tín chia sẻ. Trên bàn làm việc của họ là những chiếc máy tính cũ dòng core i3, bàn phím đặt trên tấm lót in rõ các lệnh, bài học của chương trình tin học văn phòng; bên cạnh là bảng hướng dẫn thao tác, in đậm trên giấy A4 từng bước thao tác: Đăng nhập, mở hệ thống, chọn danh mục...
Anh Nguyễn Hoài Dương, cán bộ trung tâm nói: Trước đây công tác ở xã cũ tính chất công việc giản đơn hơn; giờ công việc mới đòi hỏi phải biết nhiều kiến thức mới nên tôi nhờ bạn bè, đồng nghiệp dạy thêm. Tuy tôi đã lớn tuổi, việc tiếp thu cái mới có hạn chế nhất định, nhưng cố gắng thì cũng bắt đầu làm được.
Ở xã A Lưới 4 tình hình còn khó khăn hơn. Không có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, người được cử đi tập huấn lại bị điều sang công việc khác. Cơn mưa dông đầu tháng khiến hệ thống internet bị sét đánh hỏng hoàn toàn. Trước tình hình này, lãnh đạo thành phố đã điều một cán bộ công nghệ thông tin hướng dẫn riêng cho xã. Các nhóm zalo hỗ trợ cũng được thành lập để tháo gỡ, hướng dẫn chung cho toàn hệ thống. Từng thao tác, từng bước thực hiện công việc được hướng dẫn lại từ đầu. Sự lúng túng của những ngày đầu dần được thay thế bằng sự tự tin khi những hồ sơ số đầu tiên được hoàn thành.
Khó khăn của các xã miền núi, vùng xa không chỉ nằm ở con người mà còn ở trang thiết bị. Máy tính cũ, không có máy scan A3, máy photocopy. Có nơi 2-3 người phải dùng chung một máy tính.
Tuy vậy, những cán bộ “một cửa” ở miền núi cũng đang được san sẻ bớt khó khăn. Nhân viên bưu chính công ích, dù không phải cán bộ xã, cũng đang góp phần quan trọng trong việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân. Trong hơn 300 hồ sơ của năm xã miền núi, có 222 hồ sơ đi qua lực lượng bưu chính. Với địa bàn rộng, mỗi lượt đi về để trả hồ sơ chứng thực có khi đến hơn 20 km. Một nhân viên chia sẻ: “Mỗi hồ sơ là một vòng xe, tuy mệt nhưng vui vì thấy mình có ích”.
Chuyển đổi chính quyền hai cấp là bước đi cần thiết, nhưng để các xã vùng cao không bị bỏ lại phía sau cần có sự hỗ trợ sát hơn từ thành phố. Cán bộ cần được tập huấn thêm, cung cấp thêm trang thiết bị, cần thêm người có kỹ năng để “cầm tay chỉ việc” trong giai đoạn đầu. Trong hành trình này, phải đặc biệt ghi nhận nỗ lực vượt qua khó khăn của các nhân viên, cán bộ thạo việc ở xã.
Các xã mới vẫn còn nhiều vướng mắc trong xử lý thủ tục hành chính do khối lượng công việc lớn được phân cấp về xã. Đội ngũ cán bộ còn thiếu, nhất là ở các vị trí tài chính và địa chính; kỹ năng sử dụng hệ thống số chưa đồng đều; cơ sở vật chất phần lớn đã cũ, còn thiếu. Lãnh đạo các xã mong muốn sớm được cấp ngân sách, có hướng dẫn mua sắm trang thiết bị để ổn định hoạt động.
Trong chuyến kiểm tra, làm việc với các xã vùng sâu, vùng xa và miền núi ngày 10/7, Bí thư Thành ủy Huế Lê Trường Lưu đã chỉ đạo việc tạm cấp ngân sách cho xã hoạt động. Các ngành phải sớm hướng dẫn xây dựng dự toán, rà soát, bố trí cán bộ đúng chuyên môn, tổ chức tập huấn chuyên sâu và cập nhật văn bản pháp lý sau sáp nhập cho xã.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố Huế yêu cầu các xã chủ động, tập trung hỗ trợ sinh kế để tránh tái nghèo; sớm rà soát trụ sở, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới, thông thạo chương trình số hóa để phục vụ người dân hiệu quả hơn.