Đáng nói trong số đó là chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về làm Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới; giới thiệu cán bộ biên phòng để bầu vào hội đồng nhân dân cấp huyện, xã biên giới; phân công đảng viên biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, bờ biển…
BĐBP Quảng Trị đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế gắn với triển khai nhiệm vụ dân vận hiệu quả, như: “BĐBP tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”… Thời gian qua, BĐBP nhận đỡ đầu 14 thôn xây dựng nông thôn mới; làm, sửa 68 km đường giao thông, 15 km kênh mương thủy lợi; giúp xóa đói, giảm nghèo 466 hộ dân; xây dựng 120 nhà “Mái ấm cho người nghèo trên biên giới” và 24 công trình dân sinh với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng; phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021- 2025, huy động nguồn vốn, hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế chăn nuôi với hơn 700 triệu đồng... Các đồn biên phòng trên tuyến biên giới đất liền mở 9 lớp xóa mù chữ, vận động 663 học sinh bỏ học trở lại trường, 3.871 cháu trong độ tuổi đến trường, duy trì thường xuyên mô hình tiết học biên giới. Thực hiện có hiệu quả chương trình “Nâng bước em tới trường - con nuôi đồn biên phòng”, các đồn biên phòng trên hai tuyến biên giới đã nhận đỡ đầu 123 cháu, nhận nuôi 43 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó có 10 cháu người Lào), mỗi tháng hỗ trợ 500 nghìn đồng/cháu.
Bí thư Đảng ủy xã Hướng Lập Hồ Thị Ven cho biết: Là một xã vùng biên khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị, những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ của BĐBP Quảng Trị, trực tiếp là Đồn Biên phòng Hướng Lập. Các anh đã tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới, với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo như: Hướng dẫn bà con dân bản trồng lúa nước, làm trang trại chăn nuôi, xây dựng các công trình dân sinh, trường học, đường giao thông, làm nhà cho các hộ nghèo.
Các đơn vị trong BĐBP Quảng Trị trên hai tuyến biên giới luôn phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín các dòng họ trong công tác tuyên truyền pháp luật, dân vận. BĐBP Quảng Trị phối hợp với chính quyền địa phương phát động, củng cố 127 tổ tự quản an ninh trật tự (ANTT) với 1.223 thành viên, 1.010 hộ đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới, với chiều dài 177,929 km và 72 cột mốc, 15 cọc dấu phụ; tuyến biên giới biển thành lập 79 tổ tự quản ANTT thôn với 407 thành viên, 51 tổ tự quản tàu thuyền, bến bãi an toàn với 2.209 thuyền viên đăng ký tham gia.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Triệu Tân (huyện Triệu Phong) Nguyễn Văn Lâm cho biết: Xã Triệu Tân có cảng cá, nơi neo đậu tàu thuyền, cùng với các dịch vụ hậu cần nghề cá đi cùng, do vậy để bảo đảm ANTT, nhất là phòng chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo (IUU), những năm qua lực lượng BĐBP luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong các hoạt động, bảo đảm ANTT trên địa bàn, đấu tranh phòng chống có hiệu quả việc khai thác sai quy định IUU, tham gia phòng chống cứu hộ, cứu nạn, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, nhất là làm nhà mái ấm biên cương; nâng bước học sinh nghèo tới trường, chăm sóc người có công, để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Đại tá Đinh Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị đánh giá: Cán bộ, đảng viên trong toàn lực lượng BĐBP tỉnh đã duy trì thực hiện nghiêm các quy chế, quy định, đổi mới phương pháp tác phong công tác. Tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu luôn được phát huy, tính dân chủ được mở rộng.