Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Quyết tâm xây dựng ngành kiểm sát ngày càng vững mạnh, hiện đại

Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, đề ra phương
hướng, giải pháp thực hiện 6 nhóm mục tiêu cụ thể. Trong đó, công tác cán bộ được xác định là một
trong những đột phá trong giai đoạn phát triển mới.

Với phương châm đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đột phá, phát triển, chủ đề Đại hội là “Nâng cao năng lực lãnh đạo; đổi mới tổ chức, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số; hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng ngành kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh, hiện đại”.

Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát ngang tầm nhiệm vụ mới

Đánh giá về những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lần thứ I xác định một trong những bài học kinh nghiệm là phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, trách nhiệm nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Để làm được điều này, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ đã tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng và quản lý cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và đảng viên giữ chức danh tư pháp đủ năng lực, uy tín để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Trong các nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm của Viện, của toàn ngành và các nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ đều nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ.

Trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lấy trọng tâm là cán bộ quy hoạch, đào tạo nguồn lãnh đạo Viện, bí thư cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

Đổi mới nội dung, phương thức thi tuyển chọn chức danh tư pháp cùng với việc nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, có cơ chế bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh việc thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Thực hiện đúng quy định, công tâm, khách quan trong đánh giá, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng thời có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp.

Theo đồng chí Nguyễn Như Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp phải gắn với thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, học tập và thực hiện lời dạy của Bác đối với cán bộ kiểm sát “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Công tác cán bộ có chuyển biến rõ nét. Đội ngũ kiểm sát viên, điều tra viên được bổ sung, nâng cao chất lượng, thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách tư pháp. Công tác hướng dẫn thi hành pháp luật, giải đáp những vướng mắc về nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, nhất là xây dựng thể chế và xây dựng các đề án lớn. Trong đó, đề xuất những nhiệm vụ mới của ngành trong thời gian tới, như đề án rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình; đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Viện Kiểm sát nhân dân theo định hướng không tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự đạt kết quả cao, thụ lý 5.218 đơn/1.809 việc; 170 vụ/309 bị cáo xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm… Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và công tác tiếp công dân, kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đạt hiệu quả cao hơn, như Vụ 8 đã trực tiếp kiểm sát 330 cuộc, ban hành 330 kết luận kiểm sát với 1.066 nội dung kiến nghị, 37 kháng nghị riêng, 14 kiến nghị tổng hợp.

Đảng ủy coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa vi phạm thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hành động, nghị quyết, kế hoạch, quy chế nghiệp vụ phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy và Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong nhiệm kỳ, các cấp ủy, chi bộ kiểm tra việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng đối với 69 tổ chức đảng và 1.237 đảng viên; kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 19 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đối với 50 tổ chức đảng, có 73 cuộc kiểm tra việc thu, nộp đảng phí và quản lý, sử dụng tài chính đảng.

Các tổ chức đảng giám sát chuyên đề đối với 140 tổ chức đảng cấp dưới và 674 đảng viên; chủ động thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực`.

Công tác cán bộ là khâu đột phá then chốt

Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2025-2030 đề ra mục tiêu tập trung lãnh đạo toàn ngành rà soát, đánh giá, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và các kết luận của Trung ương, xây dựng mô hình Viện Kiểm sát các cấp trong giai đoạn phát triển mới bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tinh gọn bộ máy theo mô hình mới gồm 3 cấp kiểm sát, sắp xếp lại các Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, kết thúc hoạt động của các Viện Kiểm sát cấp cao, Viện Kiểm sát cấp huyện để thành lập mới 355 Viện Kiểm sát khu vực.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đại hội Đảng bộ đề ra bốn nhóm giải pháp, năm nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá. Trong đó, tiếp tục xác định công tác cán bộ là khâu đột phá then chốt, tập trung hoàn thiện thể chế về tổ chức, quản lý và sử dụng cán bộ.

Đảng bộ sẽ đẩy mạnh thực hiện đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ theo năng lực, sở trường và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng toàn diện về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phân tích-tổng hợp-dự báo và kỹ năng tham mưu, đề xuất. Ưu tiên bố trí cán bộ giỏi cho lĩnh vực trọng điểm, nhất là những nhiệm vụ mới, quan trọng, phức tạp, trong đó có thí điểm bảo vệ lợi ích công, lợi ích Nhà nước và xã hội.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm sát là kết thúc hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, thành lập Viện Phúc thẩm thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác.

Việc chuyển đổi mô hình tổ chức sẽ tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, công tác cán bộ càng có vai trò quan trọng, cấp ủy cần tập trung làm tốt công tác tư tưởng, ổn định tổ chức; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và đội ngũ cán bộ, công chức; bảo đảm sự ổn định về tư tưởng để cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, phát huy năng lực, sở trường.

Nhấn mạnh yêu cầu mới với đội ngũ cán bộ, đảng viên tại Đại hội Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lần thứ I, đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương đề nghị Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chú trọng và thường xuyên quan tâm thực hiện công tác xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và có khả năng phối hợp tốt trong thực hiện nhiệm vụ để tăng tính thuyết phục, hiệu quả; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật quốc tế để tham gia hiệu quả vào hội nhập toàn diện; góp phần xây dựng ngành kiểm sát ngày càng vững mạnh, hiện đại, thật sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Xem thêm