Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Pháp Nguyễn Thúy Anh làm việc với Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt Nam của Quốc hội Pháp Anne Le Hénaff.
Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Pháp Nguyễn Thúy Anh làm việc với Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt Nam của Quốc hội Pháp Anne Le Hénaff.

Phát huy hợp tác nghị sĩ hữu nghị gắn bó Việt Nam-Pháp

Nhận lời mời của Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp-Việt Nam của Quốc hội Pháp, Đoàn Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Pháp, do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Pháp Nguyễn Thúy Anh dẫn đầu, đã thăm và làm việc tại Pháp từ ngày 6-8/7.

Đoàn đã có các cuộc làm việc chính thức với Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp-Việt Nam của Quốc hội Pháp, với Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp-Việt Nam của Thượng viện Pháp; chào xã giao Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp Nadege Abomangoli; gặp Chủ tịch Ủy ban Xã hội của Quốc hội Pháp Frédéric Valletoux; gặp Bộ trưởng đặc trách Pháp ngữ và quan hệ với các đối tác quốc tế thuộc Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp Thani Mohamed Soilihi.

nghi-si-huu-nghi-viet-phap-duy-13.jpg
Tại Quốc hội Pháp, Đoàn dự thính phiên họp toàn thể của Quốc hội Pháp chất vấn Chính phủ và được Chủ tịch Quốc hội Pháp giới thiệu tại phiên họp.

Tại các cuộc làm việc chính thức với Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp-Việt Nam của Quốc hội Pháp; với Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp-Việt Nam của Thượng viện Pháp; chào xã giao Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp Nadege Abomangoli, hai bên đánh giá cao quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp không ngừng được thúc đẩy sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là thông qua các hoạt động trao đổi Đoàn cấp cao thời gian qua.

Hai bên khẳng định quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước được quan tâm thúc đẩy, cùng với những đóng góp mà các Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị của hai bên nhằm tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Bà Anne Le Hénaff, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp-Việt Nam tại Quốc hội Pháp và ông Alain Cadec, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp-Việt Nam tại Thượng viện Pháp khẳng định luôn quan tâm thúc đẩy quan hệ hai nước, hai cơ quan lập pháp, dành tình cảm sâu sắc với Việt Nam và nỗ lực để tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa các nhóm hữu nghị hai nước, nhất là các biện pháp ủng hộ Việt Nam như việc xem xét thông qua Dự luật phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU, thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU cho Việt Nam; tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực hợp tác về y tế, môi trường, lao động việc làm.

nghi-si-huu-nghi-viet-phap-duy-7.jpg
Đoàn công tác làm việc cùng Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt Nam của Quốc hội Pháp. Cùng tham gia đoàn công tác của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Pháp có 3 đại biểu Quốc hội và thành viên nhóm.

Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị tại Thượng viện Pháp Alain Cadec cho biết, ông và các đồng nghiệp thành viên Nhóm mong muốn sớm quay lại Việt Nam, dự kiến tổ chức chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2025.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, bà Anne Le Hénaff, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt Nam tại Quốc hội Pháp, nhấn mạnh rằng, hai bên thường xuyên duy trì quan hệ hiệu quả, thực chất, phong phú và tin cậy. Bà bày tỏ tin tưởng rằng hai bên đang ở trong một kỷ nguyên mới của mối quan hệ tích cực với Việt Nam.

Bà bày tỏ sự vui mừng trước sự đón nhận của giới trẻ Việt Nam với việc học tập và thực hành tiếng Pháp, cũng như số lượng thanh niên Pháp tham gia đào tạo ngôn ngữ tiếng Việt ngày một nhiều hơn.

Trong thời gian tới, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt Nam tại Quốc hội Pháp sẽ thúc đẩy các biện pháp cụ thể để phát triển Pháp ngữ, bao gồm tăng số lượng học bổng cho sinh viên và các quan hệ đối tác theo ngành.

Trong lĩnh vực y tế, bà Anne Le Hénaff mong muốn, các bác sĩ Việt Nam có thể đến các bệnh viện Pháp vài tuần hoặc vài tháng để tăng cường trao đổi. Pháp cũng đồng thời cần đầu tư vào các trường học ở Việt Nam.

nghi-si-huu-nghi-viet-phap-duy-1.jpg
Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt Nam của Quốc hội Pháp mong muốn thúc đẩy các biện pháp tăng cường quan hệ song phương thông qua đào tạo ngôn ngữ và nhân lực y tế.

Bộ trưởng đặc trách Pháp ngữ và quan hệ với các đối tác quốc tế thuộc Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp Thani Mohamed Soilihi đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp giữa Pháp-Việt Nam trong thời gian qua, với điểm nhấn là chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc và làm việc tại Pháp, nhấn mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục.

Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Pháp là đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt sau khi hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước không ngừng phát triển, hai bên phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế trong đó có Cộng đồng Pháp ngữ và Liên minh Nghị viện Pháp ngữ.

nghi-si-huu-nghi-viet-phap-duy-14.jpg
Ông Thani Mohamed Soilihi đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp giữa Pháp-Việt Nam trong thời gian qua.

Tại cuộc làm việc với Hiệp hội Bệnh viện Pháp tại Paris và Liên đoàn hợp tác Y tế Pháp-Việt Nam, Đoàn trao đổi và đánh giá về những thành tựu hợp tác Việt Nam-Pháp trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, từ năm 1993, với sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp, nhiều dự án đào tạo y khoa, trao đổi chuyên gia, cung cấp trang thiết bị y tế và thuốc đã được thực hiện, đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế Việt Nam được hỗ trợ đào tạo về y khoa và dược khoa tại Pháp, nhiều người sau đó đã trở thành các chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực của mình, đảm nhận các vị trí lãnh đạo các bệnh viện, trường y, khoa y và các trọng trách quan trọng trong các cơ quan quản lý nhà nước về y tế.

Đồng thời, đã có hàng trăm chuyên gia, bác sĩ Pháp đến Việt Nam để tham gia giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 1.500 cán bộ y tế Việt Nam.

Tại cuộc làm việc, hai bên cùng nhắc lại những kết quả tốt đẹp của Hội nghị Y học Pháp-Việt đã tổ chức rất thành công tại Việt Nam năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp, và cùng nhau hướng đến Hội nghị này dự kiến tổ chức vào những tháng cuối năm 2025.

Đoàn cảm ơn hỗ trợ của Chính phủ Pháp và trong thời gian tới, hy vọng Liên đoàn hợp tác Y tế Pháp-Việt Nam tiếp tục làm cầu nối để hợp tác y tế Việt Nam-Pháp được sâu rộng hơn nữa, mong muốn Chính phủ Pháp và các tổ chức tiếp tục hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế Việt Nam tại Pháp và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật y tế tiên tiến cho cán bộ, bệnh viện của Việt Nam.

nghi-si-huu-nghi-viet-phap-duy-16.jpg
Ông Alain Cadec cho biết Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị tại Thượng viện Pháp mong muốn sớm tới thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại cuộc làm việc với Tập đoàn Servier và Tập đoàn Sanofi, Đoàn đã ghi nhận những đóng góp của các công ty thuộc 2 tập đoàn này đã đến Việt Nam để đầu tư, chuyển giao công nghệ và cung ứng thuốc, thiết bị y tế cho Việt Nam cũng như thực hiện các hoạt động xã hội tại đây.

Các công ty mong muốn được tạo điều kiện trong việc cấp phép lưu hành vắc xin và các thuốc mới, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý về dược tại Việt Nam, mong muốn Việt Nam có quy trình rõ ràng và cơ chế khuyến khích phù hợp để hỗ trợ chuyển giao công nghệ nhằm sản xuất tại chỗ thuốc và vaccine mới ở Việt Nam.

Tại cuộc làm việc, Đoàn Việt Nam thông tin về việc Việt Nam luôn sẵn sàng và có nhiều chính sách tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực y tế.

Điểm nhấn là Nghị quyết 57-NQ/TW về ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành với mục tiêu xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tại cuộc làm việc với Chủ tịch Ủy ban Xã hội của Quốc hội Pháp Frédéric Valletoux, Đoàn đã trao đổi về những kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách xã hội, trong đó có chính sách về nguồn nhân lực y tế, về bảo hiểm y tế xã hội và bảo hiểm y tế bổ sung trong khám bệnh, chữa bệnh, về chính sách chăm sóc người cao tuổi.

Theo ông Frédéric Valletoux, Pháp dành khoảng 11% ngân sách nhà nước cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe bắt buộc, cao hơn nhiều so với các nước EU khác. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, chi cho chăm sóc sức khỏe còn có nguồn lực từ quỹ an sinh xã hội và xã hội hóa.

Pháp thực hiện chính sách bao phủ bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm y tế, toàn dân. Bất kỳ ai đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết. Bảo hiểm xã hội thường chi trả 70% chi phí bác sĩ đa khoa và 80% chi phí thăm khám tại bệnh viện, với những bệnh nặng như tiểu đường, ung thư… bảo hiểm y tế sẽ chi trả 100%.

Ngoài ra, bảo hiểm y tế bổ sung do các công ty tư nhân cung cấp, do các cá nhân tự mua, sẽ chi trả phần chi phí còn lại không được bảo hiểm y tế cơ bản hoàn trả.

Ông Frédéric Valletoux cũng chia sẻ về những khó khăn của Pháp trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà nổi bật là việc thiếu nguồn nhân lực, khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng trong bối cảnh già hóa dân số tại Pháp.

Pháp đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường nguồn nhân lực này thông qua việc đổi mới cách thức đào tạo, tăng chế độ tiền lương và thu nhập cho cán bộ y tế và tăng cường hợp tác với các nước nói tiếng Pháp để thu hút cán bộ y tế chất lượng cao đến làm việc.

nghi-si-huu-nghi-viet-phap-duy-15.jpg
Đoàn thăm và làm việc tại Trung tâm điều trị Ung thư Gustave Roussy.

Tại chuyến thăm và làm việc với Trung tâm điều trị Ung thư Gustave Roussy, trung tâm uy tín và lớn thứ 4 của thế giới trong lĩnh vực điều trị ung thư, Đoàn đã tham quan các phòng, ban, các khu điều trị và chăm sóc giảm nhẹ, khu pha chế thuốc, hóa chất của Trung tâm.

Trung tâm điều trị Ung thư Gustave Roussy đã có những hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, trong đó có việc hợp tác với Bệnh viện K của Việt Nam, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác vào cuối năm 2024. Trung tâm này khẳng định sẽ hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ với các bệnh viện của Việt Nam khi nhận được yêu cầu.

Khi cuộc làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đoàn đánh giá cao hoạt động của Đại sứ quán và mong rằng, Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và là cầu nối vững chắc cho quan hệ hai nước.

Trong hai ngày làm việc tại Pháp, các thành viên trong Đoàn cũng đã có những tiết mục văn nghệ giao lưu với các bạn Pháp, qua đó, tăng tình đoàn kết, hữu nghị giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Pháp, Thượng viện Pháp, giữa các Nhóm Hữu nghị nói riêng và giữa Việt Nam và Pháp nói chung.

nghi-si-huu-nghi-viet-phap-duy-8.jpg
Bà Nguyễn Thúy Anh tin tưởng, quan hệ Việt Nam-Pháp, trong đó có ngoại giao nghị viện, sẽ còn tiếp tục ngày càng phát triển sâu rộng, hướng tới những thành tựu mới trong tương lai.

Đánh giá kết quả của chuyến công tác, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Pháp Nguyễn Thúy Anh chia sẻ, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể công tác ngoại giao nghị viện.

Chuyến thăm và làm việc của Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Pháp lần này góp phần thúc đẩy quan hệ song phương. Thông qua các buổi làm việc, hai bên tập trung công tác trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và thảo luận các vấn đề chung.

Lĩnh vực an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và phát triển kinh tế tư nhân được nhấn mạnh là các trọng tâm hợp tác.

Hai bên cũng trao đổi về luật hiến pháp, cũng như các hoạt động văn hóa, thể hiện mong muốn phát triển quan hệ hợp tác ở nhiều cấp độ

Bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định, những nỗ lực hợp tác này cho thấy quan hệ Việt Nam-Pháp sẽ còn tiếp tục ngày càng phát triển sâu rộng, hướng tới những thành tựu mới trong tương lai.

Xem thêm