Việt Nam đã và đang phải đối mặt với áp lực thiếu nhà ở. Phân tích về hiện này, bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M của Savills Việt Nam (Tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản được thành lập ở Anh, chi nhánh Việt Nam) nhận định: “Yếu tố pháp lý lớn nhất đang cản trở việc phát triển nguồn cung nhà ở là các thủ tục phê duyệt dự án kéo dài và vướng mắc trong việc triển khai các dự án hiện hữu. Trong vòng 6-12 tháng tới, cần ưu tiên xử lý các vướng mắc trong việc xác định chi phí sử dụng đất và thủ tục phê duyệt quy hoạch, để các chủ đầu tư có thể nhanh chóng triển khai dự án và đưa sản phẩm ra thị trường”.
Nhu cầu nhà ở bền vững gia tăng nhanh chóng trước làn sóng đô thị hóa
Trước làn sóng đô thị hóa, nhu cầu về nhà ở bền vững sẽ gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi Chính phủ và nhà đầu tư phải chủ động tìm kiếm giải pháp quy mô lớn để bảo đảm nguồn cung dài hạn. Trong bối cảnh này, việc gia tăng dòng vốn đầu tư từ cả khu vực công và tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc tài trợ cho các dự án nhà ở mới, đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, dù phân khúc nhà ở vẫn thu hút nhiều sự quan tâm đầu tư, những rào cản cố hữu như quy hoạch thiếu nhất quán, chính sách chưa ổn định, hay sự biến động về môi trường pháp lý và chính trị vẫn đang làm chậm lại quá trình triển khai các dự án quy mô lớn.
Trên thực tế, phần lớn dự án nhà ở hiện nay có chu kỳ đầu tư tương đối ngắn, chỉ khoảng 5 năm, trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức lại ưu tiên rót vốn vào những lĩnh vực có dòng tiền ổn định trong suốt 20 năm hoặc lâu hơn. Đây chính là lý do khiến nhiều nguồn vốn dài hạn, nguồn vốn cần thiết để giải quyết bài toán thiếu hụt nhà ở giá phải chăng vẫn chưa thực sự được khai thác hiệu quả.
Tái định vị nhà ở như một loại hình hạ tầng quốc gia
Một hướng tiếp cận đầy tiềm năng chính là tái định vị nhà ở như một loại hình hạ tầng quốc gia. Khi được xem xét với tầm quan trọng tương đương giao thông hay năng lượng, phân khúc nhà ở sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư dài hạn. Đồng thời, cách nhìn này cũng có thể định hình lại tư duy của nhà hoạch định chính sách, từ đó tạo ra cơ chế pháp lý, ưu đãi tài chính và cam kết hỗ trợ ổn định, những yếu tố vốn rất cần thiết để thúc đẩy đầu tư bền vững.

Trong quá trình đó, có thể thấy, nhiều quốc gia đã và đang thành công với hướng đi này. Đơn cử như Singapore, quốc gia này đã thành công khi xem nhà ở như một phần cốt lõi của hạ tầng. Hơn 80% người dân Singapore sống trong các căn hộ chung cư do nhà nước phát triển, với quy hoạch tích hợp đầy đủ tiện ích công cộng và giao thông. New York hay London đặt mục tiêu xây hàng chục nghìn căn nhà mỗi năm. Paris thì đang thử nghiệm hướng đi mới: tái sử dụng công trình cũ và đánh thuế nhà bỏ trống để đưa nguồn cung không sử dụng quay lại thị trường.
Tại Việt Nam, thị trường cũng đang có những chuyển biến tích cực theo hướng này. Nổi bật là việc phê duyệt Quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức vào tháng 1/2025, với trọng tâm phát triển theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development), ưu tiên xây dựng các khu dân cư mật độ cao quanh hệ thống giao thông công cộng.
Bà Giang Huỳnh đánh giá: “Đây là một hướng đi phù hợp, tận dụng tối ưu quỹ đất chung quanh các tuyến Metro để phát triển các khu đô thị tích hợp. Tuy nhiên, để mô hình TOD (Transit-Oriented Development, một mô hình phát triển đô thị tập trung vào việc tối ưu hóa không gian chung quanh các phương tiện giao thông công cộng) triển khai thành công và nhanh chóng gia tăng nguồn cung nhà ở, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến Metro, đồng thời xây dựng khung pháp lý và chính sách đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư”.
Đồng thời, những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng, cấp phép xây dựng và ký hợp đồng mua bán trong thời gian gần đây đang tạo ra nền tảng vững chắc để thị trường nhà ở Việt Nam phục hồi ổn định từ nửa sau năm 2025 trở đi.
Liên quan tới vấn đề nhà ở, Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã nhắc tới việc Việt Nam cần lập "Quỹ nhà ở quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại đô thị lớn. Đây cũng là giải pháp để thúc đẩy đô thị trở thành động lực tăng trưởng quốc gia.
Tại họp báo Chính phủ ngày 5/3/2025, Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Tống Thị Hạnh cho biết, Bộ Xây dựng đã giao đơn vị chuyên môn khẩn trương nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, rà soát các quy định và đề xuất giải pháp về thành lập Quỹ nhà ở quốc gia. Theo đó, các đơn vị chuyên môn của Cục được giao nghiên cứu từ khâu quy hoạch, kế hoạch chương trình phát triển nhà ở đến việc triển khai thực hiện dự án.
Thực tế, nhiều cơ quan, tổ chức đề xuất lập một số quỹ nhằm giúp người dân có cơ hội sở hữu nhà ở. Chẳng hạn, Hội môi giới bất động sản từng đề xuất Chính phủ nghiên cứu thành lập quỹ nhằm hỗ trợ phát triển và duy trì nguồn cung căn hộ giá rẻ. Quỹ này có thể được bổ sung từ ngân sách nhà nước và từ các nhà đầu tư tư nhân.
Năm 2024, tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, Ban Bí thư chỉ thị nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững. Trước đó, lãnh đạo Chính phủ giao một số bộ ngành nghiên cứu phương án thành lập quỹ về nhà ở xã hội, cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng.
Ngoài lập quỹ nhà ở, Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào 2030. Bản thân chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được đưa vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, theo Chỉ thị 34 của Ban Bí thư.
Điều này cho thấy giải quyết bài toán nhà ở cần một sự chuyển dịch trong tư duy phát triển, từ cách tiếp cận ngắn hạn sang chiến lược dài hạn. Khi nhà ở được nhìn nhận như một thành tố cốt lõi trong hệ thống hạ tầng quốc gia, các giải pháp nền tảng mới có thể được triển khai một cách hiệu quả, góp phần định hình một tương lai đô thị phát triển đồng bộ và bền vững.