Bộ Nội vụ sẽ vận dụng KPI để đánh giá, đo lường, phân loại công chức, viên chức và người lao động
Cổng thông tin Bộ Nội vụ cho biết, chiều ngày 8/7, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị giao ban đánh giá công tác tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội nghị.
Trong lời phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu thay đổi phương pháp giao ban theo hướng đánh giá khái quát, tổng hợp về các kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm của Bộ để cùng thảo luận, thông qua kết luận chung về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ và nhiệm vụ riêng của từng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.

Bên cạnh đó, căn cứ theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Chính phủ, chương trình công tác của Bộ Nội vụ và kế hoạch của các Ban chỉ đạo, Bộ trưởng sẽ giao nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ ràng sản phẩm, kết quả công việc của 6 tháng cuối năm tới các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và triển khai đồng thời, bổ sung cùng các nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền giao. Các đơn vị, khi tiếp nhận nhiệm vụ được Bộ trưởng giao cũng cần tiếp tục phân công cho từng công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đây sẽ là căn cứ đánh giá, xếp loại đơn vị cũng như người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị. Vận dụng KPI để đánh giá, đo lường, phân loại kết hợp sàng lọc đối với công chức, viên chức, người lao động của đơn vị theo tinh thần chung và sẽ thực hiện đánh giá KPI hằng tháng, hằng quý, 6 tháng cuối năm và cả năm 2025.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: “Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đang tham mưu triển khai một số vấn đề lớn của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, tập trung vào các vấn đề cơ bản và quan trọng là sử dụng, đánh giá theo nguyên tắc “có vào, có ra, có lên, có xuống” đối với cán bộ, công chức và viên chức”.
Dự kiến giảm hơn 44% cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Tại hội nghị, về kết quả công tác tháng 6 và 6 tháng đầu năm, Chánh Văn phòng Bộ Vũ Xuân Hân cho biết, trong công tác thể chế, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương 6 văn bản, đề án; tham mưu trình Quốc hội thông qua 5 luật, ban hành 6 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 39 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 20 nghị định, 14 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 61 quyết định; Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 20 thông tư.
Riêng trong tháng 6/2025, tháng có số lượng nhiệm vụ về thể chế, chính sách hoàn thành nhiều nhất kể từ đầu năm, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 15 nghị định; Bộ trưởng ban hành 6 thông tư.
Bộ Nội vụ cũng tập trung tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thành nhiều nhiệm vụ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương liên quan đến việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ làm cơ sở ban hành cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ và triển khai việc sắp xếp toàn diện đơn vị hành chính các cấp. Theo đó, đến nay công tác tham mưu của Bộ về sắp xếp tổ chức bộ máy các bộ, ngành và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp được đã được cấp có thẩm quyền ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đã tập trung đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ đã trình Chính phủ đã ban hành 28 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 57 thông tư về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương các cấp. Các bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành các quyết định công bố thủ tục hành chính bảo đảm rõ thành phần hồ sơ, các biểu mẫu để không làm ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng dịch vụ công và áp dụng thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp.
Bộ Nội vụ đã tiếp tục quan tâm, rà soát, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế, trong đó đã chủ động cập nhật thường xuyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp.
Bộ Nội vụ cũng phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện phân bổ ngân sách, cấp bổ sung kinh phí, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị kịp thời chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp theo Nghị định số 178, Nghị định 67. Cơ quan này cũng đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn bảo đảm vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đi vào ổn định, hiệu quả.
Kết quả là, về tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV được tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ, tương ứng giảm 22,7%); còn 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan thuộc Chính phủ, tương ứng giảm 37,5%).
Về tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, giảm 13/13 (tương ứng giảm 100%) tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 509 (tương ứng giảm 76,2%) cục và tổ chức tương đương; giảm 232 (tương ứng giảm 57,4%) vụ và tổ chức tương đương; giảm 3.377 (tương ứng giảm 93,8%) chi cục và tương đương chi cục; giảm 205 đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó, sắp xếp giảm 81/204 đơn vị sự nghiệp công lập trong cơ cấu tổ chức tại Nghị định của Chính phủ, tương ứng giảm 39,7%); giảm khoảng 22.300 biên chế tại các bộ, ngành.
Khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025, các địa phương dự kiến sẽ giảm 368 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tương ứng giảm 44,3%); giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và thành lập các phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định.
Đặc biệt, Bộ đã xây dựng Cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã để hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện ngay từ 1/7/2025. Đây là nguồn tài liệu quan trọng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã; thành lập đường dây nóng của Bộ để chủ động tiếp nhận các thông tin phản hồi và kịp thời giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn tạo điều kiện cho các địa phương triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Sẽ có Hội nghị chuyên đề về sắp xếp đơn vị hành chính, chính quyền địa phương 2 cấp
Để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành trong 6 tháng cuối năm 2025, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ cần tập trung, chuẩn bị để tổ chức Hội nghị chuyên đề về sắp xếp đơn vị hành chính, chính quyền địa phương 2 cấp và phân cấp, phân quyền của Bộ, ngành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới vận hành, thủ tục hành chính cho địa phương.
Dự kiến, thành phần tham dự Hội nghị sẽ gồm Giám đốc các Sở Nội vụ và được tổ chức trước ngày 17/7/2025.
Theo Bộ trưởng, đây là Hội nghị đầu tiên sau khi chính thức triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính, chính quyền địa phương 2 cấp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đồng thời quán triệt các nhiệm vụ, thực hiện tham mưu tốt cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong các mặt công tác 6 tháng cuối năm ngành nội vụ.
Về các vấn đề liên quan tới công tác vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đây là nhiệm vụ chính trị lớn của cả Bộ, cần bám sát, theo dõi để kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc khi vận hành. Bộ trưởng giao Vụ Chính quyền địa phương theo sát địa phương, kịp thời đánh giá, báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành để Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền bằng con số hằng tuần.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng lưu ý tới công tác tổng hợp, rà soát, điều chỉnh mức lương cơ sở, điều chỉnh phụ cấp chức vụ, chức danh cho cấp xã, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc thù khi thực hiện sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, đòi hỏi bảo đảm tính cân đối, hợp lý khi điều chỉnh.