Từ 1/7/2025, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, thay thế nghị định cũ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
Đáng chú ý, tại nghị định mới bỏ hai hình thức kỷ luật là giáng chức và hạ bậc lương, giữ lại 4 hình thức kỷ luật.
Cụ thể, có 4 hình thức kỷ luật áp dụng với cán bộ gồm khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh; và bãi nhiệm.
Đồng thời, 4 hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức gồm khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý; và buộc thôi việc.
Việc áp dụng các hình thức kỷ luật dựa trên mức độ của hành vi vi phạm (vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng; vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng).
Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; vi phạm đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp ở công sở, giao tiếp với Nhân dân; vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Vi phạm quy định về: quy chế tập trung dân chủ; tuyên truyền, phát ngôn; bảo vệ chính trị nội bộ.
Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái quy định.
Vi phạm quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.
Kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ, công chức tái phạm lỗi từng bị khiển trách; có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng.
Hình thức này cũng áp dụng đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp: cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.
Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ bị cách chức nếu tái phạm lỗi từng bị xử lý kỷ luật cảnh cáo trước đó; có hành vi vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm nhưng chưa đến mức buộc thôi việc, bãi nhiệm, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả…; sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được quy hoạch, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ.
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp:
Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm.
Có hành vi vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng người vi phạm không có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả... Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
Về hình thức kỷ luật bãi nhiệm, Nghị định nêu rõ, cán bộ có hành vi vi phạm theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan thì bị bãi nhiệm.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bãi nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh các hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, Nghị định 172 cũng quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật; các trường hợp loại trừ kỷ luật; miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật…