Có vẻ như giấc mơ định vị dòng phim dã sử Việt đã được các nhà làm phim tâm huyết nhen nhóm lại trong trái tim cộng đồng yêu nghệ thuật thứ bảy. Ðể những trang sử vàng dựng nước và giữ nước hào hùng có thể đĩnh đạc từ con chữ bước lên màn ảnh.
Tưng bừng khởi động đường đua
Là sản phẩm hợp tác giữa Công ty TNHH MAR6 Studios cùng hai nhà sản xuất dạn dày kinh nghiệm Galaxy Studio và HK Film, Hoàng hậu cuối cùng được bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Namcito chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt 5 năm trời, với phần kịch bản lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tình sử Nam Phương Hoàng hậu của nhà văn Trần Thị Hảo và tác phẩm Nam Phương Hoàng hậu của tác giả Lê Lan Khanh.
Hoàng hậu cuối cùng kể về quãng thời gian hơn 10 năm sống trong Cấm thành của Nam Phương Hoàng hậu cho đến ngày cả hoàng gia rời khỏi Đại Nội. Chắt lọc từ kho tài liệu và tư liệu lịch sử khổng lồ, bộ phim tham vọng lần đầu tiên đưa số phận thăng trầm của bà hoàng cuối cùng trong nền quân chủ Việt Nam này lên màn ảnh rộng.
Giữa tháng 4 vừa qua, Đài PT-TH Hà Nội công bố dự án phim chiếu rạp đầu tiên mang tựa đề Huyền tình Dạ Trạch. “Hơn cả sự bất tử của một chuyện tình” là slogan được đạo diễn Tôn Văn lựa chọn, khi bộ phim không chỉ đưa mối tình lãng mạn bậc nhất trong kho tàng văn hóa dân gian lên phim mà còn chuyển tải hành trình lập nghiệp của cộng đồng người Việt cổ từ thuở hồng hoang, về công cuộc tạo dựng, bảo vệ không gian sinh tồn và phát triển của người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ mà trong đó, Chử Đồng Tử là vị thánh tổ của doanh thương và là người có công lớn dẫn dắt.
Sự kết hợp hài hòa giữa các truyền thuyết dân gian về Chử Đồng Tử-Tiên Dung và những yếu tố lịch sử, văn hóa bản địa được hy vọng sẽ tạo nên một thiên sử thi hào hùng về bước chuyển mình của người Việt cổ, về chuyện đời của một trong những vị Thánh thuộc Tứ Bất tử trong văn hóa tín ngưỡng và tâm thức người Việt tại một vùng đất có thực (đầm Dạ Trạch, tức Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay).
Dự án mới nhất của BHD mang tên Hộ linh tráng sĩ: Bí ẩn mộ Vua Đinh xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông thời gian qua, với những thông tin nóng thu hút mối quan tâm đặc biệt của công chúng. Đây không chỉ là một bộ phim dã sử pha trộn hài hòa các yếu tố hành động-võ thuật-tâm lý mà còn là một bản anh hùng ca bi tráng, thấm đẫm tinh thần dân tộc, lấy cảm hứng từ một trong vô vàn truyền thuyết dân gian huyền bí về lăng mộ Vua Đinh - Vị Hoàng đế đầu tiên đặt nền móng cho nước Việt độc lập sau hơn nghìn năm Bắc thuộc.

Cái tên cuối cùng phải nhắc tới là dự án Dòng máu anh hùng 2: Nhạn trắng Cà Mau của hai anh em, đạo diễn Charlie Nguyễn và diễn viên Johnny Trí Nguyễn. Lấy cảm hứng từ cuộc đời của ông nội Nguyễn Chánh Minh - người sinh ra và lớn lên trong gia tộc giàu truyền thống võ thuật, người thành lập lực lượng kháng Pháp mang tên “Mặt trận Hà Tiên” với danh xưng “Nhạn trắng Cà Mau” lẫy lừng suốt các tỉnh dọc miền tây. Đây là bộ phim dã sử thêm nếm yếu tố võ thuật-hành động-sử thi được chờ đợi, sau thành công của phần 1 từ nhiều năm về trước.
Dã sử - sự lựa chọn khôn ngoan
Phim lịch sử thường dựa trên nguồn chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư - Đại Nam thực lục…, do vị quan chính thức của triều đình quân chủ biên soạn, thường thiên về ghi chép sự hưng vong-tan hợp của các triều đại chính thống. Còn phim dã sử được gợi cảm hứng từ nguồn sử sách dân gian ghi chép về các biến cố thời cuộc, nội dung thường liên quan đến các nhân vật và sự kiện lịch sử cụ thể nhưng ranh giới phân định thực-hư khá mờ nhạt. Hoàng hậu cuối cùng và Dòng máu anh hùng 2 - Nhạn trắng Cà Mau có thể xếp vào dòng phim này.

Từ dã sử còn có thêm nhánh huyền sử - những truyền thuyết có tính chất huyền hoặc, hoang đường thường được chép trong Việt Điện U Linh tập, Lĩnh Nam Chích Quái… Đa phần huyền sử được lưu truyền trong dân gian qua cách thức truyền miệng nên khó xác định được đâu là nguyên bản. Những Hộ linh tráng sĩ và Huyền tình Dạ Trạch kể trên có thể phân vào dạng này.
Việc chọn lựa làm phim dã sử (bao gồm cả huyền sử) để mở rộng biên độ sáng tạo là một hướng đi khôn ngoan, đặc biệt là trong điều kiện ngành công nghiệp sản xuất phim Việt Nam còn non trẻ với nhiều hạn chế, bất cập chưa thể hóa giải “một sớm một chiều” cả về nguồn kinh phí, hệ thống phim trường, chất lượng nhân lực đến nguồn sử liệu chân xác ghi chép về phục trang-đạo cụ-văn hóa-đời sống của từng thời kỳ. Đó cũng là lý do khiến nhiều tác phẩm lấy chính sử làm điểm tựa nhận về cơn bão phản hồi trái chiều, với cùng một lập luận “thời ấy đâu có thế!”.
Ai đã từng ghé thăm Phủ Khống khiêm nhường nép mình trong Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đều được những chị lái đò kể cho nghe về 7 vị trung thần nghĩa khí đã tuẫn tiết để giữ bí mật phần mộ Vua Đinh. Ai từng yêu mến tài tử Nguyễn Chánh Tín cùng hai cháu trai của ông (Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn) cũng đều biết về gia tộc võ thuật nổi tiếng của thủ lĩnh kháng Pháp mang danh “Nhạn trắng Cà Mau”. Và hiếm người dân đất Việt nào không biết tới bà hoàng tuyệt sắc Nam Phương, không nghe câu chuyện chàng trai nghèo rớt không có nổi cái khố che thân đã lấy được công chúa Tiên Dung. Chọn những nhân vật sở hữu cá tính độc đáo, số phận khác biệt, đường đời trắc trở hoặc có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến vận mệnh cả một triều đại hay một dân tộc để khai thác cũng là một cách thức khả quan. Khi cảm giác “quen mà lạ” sẽ trở thành thỏi nam châm tỏa ra sức hút mạnh mẽ thúc đẩy khán giả ra rạp.
Không chỉ có vậy, cả bốn dự án kể trên đều đã dành nhiều thời gian, tâm sức cho khâu tiền kỳ. Ba cái tên đầu đều đã kỳ công triển khai khâu thử vai, tìm kiếm diễn viên (casting) tại các thành phố lớn, với hai vòng tuyển chọn khắt khe của đội ngũ giám khảo uy tín. Các sự kiện đều thu hút số lượng bạn trẻ khá lớn ghi danh kiếm tìm cơ hội hóa thân vào những nhân vật lịch sử nổi danh. Riêng với tác phẩm cuối cùng, Chánh Phương Films - đơn vị sản xuất có cách làm khá lạ, khi đăng thông tin tuyển biên kịch tham gia vào hai nhóm độc lập, phát triển song song cùng lúc hai kịch bản để cặp đôi nghệ sĩ Việt kiều lựa chọn phương án tối ưu.
Sự cẩn trọng và thái độ nghiêm túc trong quá trình sáng tạo phim lịch sử của nhà sản xuất BHD cũng là một điểm nhấn giúp niềm tin vào chất lượng phim vững chắc hơn. Chọn chính địa danh sinh ra, dưỡng nuôi vị quân vương “cờ lau tập trận” từ thuở ấu thơ làm bối cảnh chính, BHD đã phối hợp cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tổ chức cuộc hội thảo chuyên sâu về trang phục-cổ phục thời Đinh với sự tham góp ý kiến của các sử gia-học giả nghiên cứu lịch sử hàng đầu. Cũng trong khuôn khổ hội thảo, BHD còn kỳ công mời 5 nhóm tư vấn về cổ phục thời Đinh - trình bày tham luận và triển lãm các phần phục trang đã dày công nghiên cứu về thời kỳ này.
Những bài học kinh nghiệm đắt giá rút ra từ “cú ngã ngựa” đau đớn của Huyền sử Vua Đinh (rời rạp sau 10 ngày với doanh thu hơn 40 triệu cho một tác phẩm tiêu tốn vài chục tỷ đồng) hay những ý tưởng được truyền thông rầm rộ rồi đành ngậm ngùi “đắp chiếu” vì thị trường quá nhiều rủi ro (như Đại chiến Bạch Đằng Giang của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Quỳnh Hoa nhất dạ về Thái hậu Dương Vân Nga của đạo diễn Lý Minh Thắng, Trưng Vương của diễn viên Trương Ngọc Ánh…) cho thấy phim lịch sử nói chung không dành cho những nhân sự nghiệp dư, làm cho vui. Một tên tuổi nhà sản xuất giàu kinh nghiệm, một ê-kíp làm phim tài năng và say nghề, một cách tiếp cận lịch sử khôn ngoan, một ngôn ngữ kể chuyện hiện đại và hấp dẫn sẽ là những yếu tố tiên quyết để định vị thương hiệu một dòng phim đậm sắc màu Việt. Bốn dự án trên đều hội tụ những điểm mạnh này, và chúng sẽ giúp nhen nhóm lại giấc mơ phim dã sử Việt!
Năm 2025, điện ảnh Việt Nam đón tuổi 73. Nhưng chỉ có Đêm hội Long Trì-Kiếp phù du và một số phim dã sử của thời kỳ phim “mì ăn liền” (Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Thanh gươm để lại, Thủ lĩnh áo nâu...) là những tác phẩm hiếm hoi lưu lại được lại trong trí nhớ.
Dịp Đại lễ Nghìn năm Thăng Long, hàng chục dự án phim đồng loạt triển khai nhưng Khát vọng Thăng Long, Long thành cầm giả ca, Huyền sử Thiên đô đều công chiếu chậm ngày và chỉ ở mức trung bình khá, dù đều được thực hiện bởi những đạo diễn tên tuổi. Hơn chục năm sau, số phim có yếu tố lịch sử cũng rất khiêm tốn, dư luận chỉ nhớ được vài cái tên Dòng máu anh hùng, Phượng khấu, Thiên mệnh anh hùng... Có vẻ như tới tận bây giờ, địa hạt này vẫn là thách thức lớn với nghệ sĩ làm phim Việt.