Tuy nhiên hiện nay, sau hơn 7 tháng Nghị quyết 173/2024/QH15 có hiệu lực, các khung pháp lý, nghị định hướng dẫn, chế tài xử phạt vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, chờ ban hành. Do đó, điều này đang tạo ra khoảng trống pháp lý, khiến các sản phẩm thuốc lá mới tại "chợ đen" vẫn đang được rao bán công khai, đặc biệt trên các hội nhóm kín mạng xã hội.
Thách thức trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử với nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và chất lượng khó kiểm soát. Theo số liệu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 970 vụ vi phạm liên quan thuốc lá thế hệ mới, thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm nhập lậu, vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 3,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 6,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh xã hội hiện đại, với sự xuất hiện ngày càng đa dạng và phức tạp của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên thị trường, thuốc lá không còn chỉ tồn tại dưới dạng điếu truyền thống. Bởi hiện nay, trên thị trường "chợ đen" có nhiều chủng loại thuốc lá thế hệ mới đa dạng, phức tạp, trong đó có cả sản phẩm lai tạo giữa 2 dòng sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý mà còn đặt ra thách thức lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, nhóm đối tượng dễ bị thu hút bởi các sản phẩm mới lạ.

Do đó, việc sớm hoàn thiện khung pháp lý, chế tài xử phạt liên quan thuốc lá thế hệ mới không chỉ giúp quản lý hiệu quả mà còn bảo đảm phân biệt rõ ràng mức độ nguy hại của từng loại, từ đó định hướng người dân chuyển đổi sang các giải pháp ít tác hại hơn.
Bởi thực tế, những sản phẩm này, dù được quảng bá là ít gây hại hơn thuốc lá điếu truyền thống, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe người sử dụng nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã đặt nền móng cho việc quản lý các sản phẩm thuốc lá và mới đây là Nghị quyết 173/2024/QH15 của Quốc hội trong việc cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá mới, nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn phân biệt, chế tài quản lý cho các sản phẩm này.
Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến sản xuất, buôn bán, vận chuyển hay sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Đại Hải nhấn mạnh, khái niệm thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã bao gồm các dạng khác, cho thấy các nhà làm luật đã dự trù cho sự xuất hiện của các sản phẩm mới. Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả, cần làm rõ định nghĩa và phân loại chính xác giữa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm lai.
Cùng quan điểm, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Thành Hưng cho rằng, việc nhận diện đúng bản chất của sản phẩm là bước đầu tiên và quan trọng nhất để xây dựng chính sách kiểm soát phù hợp. Thuốc lá nung nóng có chứa nguyên liệu thuốc lá và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là sản phẩm thuốc lá và cần được quản lý theo khung pháp lý hiện hành.
Vì vậy, theo ông Hưng, cần điều chỉnh các văn bản pháp luật liên quan để tách bạch rõ ràng giữa các nhóm thuốc lá mới. Việc phân loại rõ ràng tính chất, định nghĩa, cấu tạo, nguyên liệu và nguy cơ của thuốc lá mới không chỉ giúp cơ quan chức năng thực thi pháp luật mà còn tránh nhầm lẫn về mức độ nguy hại của từng loại sản phẩm đối với sức khỏe cộng đồng. Một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch sẽ là nền tảng để cơ quan chức năng thực thi các biện pháp kiểm soát, từ xử phạt hành vi vi phạm đến quản lý sản xuất và nhập khẩu.
Hướng tới môi trường không khói thuốc
Theo kinh nghiệm từ Nhật Bản và Indonesia, các quốc gia đã có những cách tiếp cận linh hoạt trong kiểm soát thuốc lá, nhằm hướng tới môi trường không khói thuốc bằng việc khuyến khích chuyển đổi sang các sản phẩm ít gây hại hơn, dần dần tạo bước ngoặt trong nỗ lực giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu.
Theo bà Tomoko Iida, Giám đốc Kết nối khoa học khu vực của Tập đoàn Philip Morris International (PMI), từ khi Nhật Bản cho thử nghiệm các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu truyền thống, mức tiêu thụ thuốc lá điếu tại Nhật Bản đã giảm mạnh từ 186 tỷ điếu năm 2014 xuống còn 92 tỷ điếu năm 2023, tương ứng với tỷ lệ hút thuốc giảm từ 19,6% xuống 9,4%. Đáng chú ý, Nhật Bản đã đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc chỉ còn 12% vào năm 2032.
Bà Tomoko chia sẻ: “Chính nhờ sự phổ biến của các sản phẩm thuốc lá không khói, sản phẩm thay thế thuốc lá điếu truyền thống tại Nhật Bản nên Chính phủ Nhật Bản cũng đã tiến hành 4 nghiên cứu độc lập. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các sản phẩm này đã trở thành một ngoại lệ khi được phép sử dụng tại không gian trong nhà. Do vậy, tại Nhật Bản, các nhà hàng, quán bar đã gần như không còn người hút thuốc lá điếu truyền thống”.

Tuy nhiên, cũng theo bà Tomoko, điều quan trọng là các sản phẩm này phải được quản lý chặt chẽ để bảo đảm chất lượng và không trở thành công cụ tiếp thị nhắm vào giới trẻ.
Còn tại Indonesia, một quốc gia với hơn 60 triệu người hút thuốc lá điếu mỗi năm, việc quản lý thuốc lá thế hệ mới cũng đang ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo số liệu năm 2023 của Indonesia, khoảng 3 triệu người Indonesia đã tìm giải pháp thay thế cho việc sử dụng thuốc lá điếu truyền thống, một con số tuy nhỏ nhưng đang tăng trưởng đều đặn.
Theo đó, quốc gia này đã ban hành các nghị định với các biện pháp mạnh mẽ như nâng độ tuổi mua thuốc lá lên 21, cấm bán thuốc lá lẻ, mở rộng cảnh báo sức khỏe trên bao bì, cấm sử dụng hương liệu và quảng cáo trên mạng xã hội. Đây là bước đột phá lớn trong việc bảo vệ thế hệ trẻ khỏi tác hại của thuốc lá, đồng thời thể hiện cam kết chính trị của Indonesia hướng tới một môi trường không khói thuốc.
Cách tiếp cận của Indonesia cho thấy sự linh hoạt trong quản lý thuốc lá có thể dựa trên bằng chứng khoa học và hài hòa giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe. Điều này đặc biệt phù hợp với bối cảnh Việt Nam, nơi ngành công nghiệp thuốc lá vẫn đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Phải khẳng định, việc bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong mọi chính sách liên quan đến thuốc lá. Vì vậy, việc kiểm soát thuốc lá mới cần dựa trên thực tiễn, bảo đảm không chỉ giảm tác hại mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng tới một môi trường không khói thuốc.
Để làm được điều này, đòi hỏi Việt Nam cần có một khung pháp lý toàn diện, rõ ràng và phù hợp với thực tiễn. Trong đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, đặc biệt trong giới trẻ. Cùng với đó, việc phân biệt chính xác về định nghĩa, cấu tạo, nguyên liệu và nguy cơ của thuốc lá không chỉ giúp các cơ quan liên quan quản lý hiệu quả sản phẩm này, mà còn bảo đảm người dân hiểu rõ mức độ nguy hại của từng loại sản phẩm.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản và Indonesia cho thấy, một cách tiếp cận linh hoạt, dựa trên khoa học và cân bằng lợi ích có thể mang lại hiệu quả vượt mong đợi trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hành trình hướng tới một xã hội không khói thuốc không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà còn cần sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và toàn thể người dân.