Các thành viên Câu lạc bộ trong một buổi biểu diễn chào mùa xuân mới 2025.
Các thành viên Câu lạc bộ trong một buổi biểu diễn chào mùa xuân mới 2025.

Ngân vang mãi làn điệu quê hương

Mỗi câu lạc bộ dân ca, dân vũ ở cơ sở như một cánh én nhỏ và hàng trăm, hàng nghìn câu lạc bộ như thế ở khắp các làng quê đồng bằng Bắc Bộ đang cùng tạo nên sức sống tươi mới của giai điệu quê hương.

Câu lạc bộ Giao lưu dân ca-hát chèo Dục Tú, xã Đông Anh, thành phố Hà Nội (trước đây thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh) được thành lập từ năm 2020. Dục Tú vốn là vùng đất có nhiều loại hình văn nghệ dân gian, với đội hát tuồng và hát chèo nổi tiếng trong khu vực huyện Đông Anh một thời. Những năm 1980, đây là địa phương hiếm hoi kết nghĩa với Đoàn chèo Hà Nội (nay là Nhà hát Chèo Hà Nội), góp phần nuôi dưỡng nhiều tâm hồn yêu ca hát, yêu làn điệu quê hương trong các thế hệ sau này. Nổi bật nhất phải kể đến NSND Quốc Hưng, hiện là Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều đổi thay trong đời sống kinh tế, xã hội, đội chèo của địa phương đã không có điều kiện để duy trì, nhưng tình yêu với loại hình nghệ thuật truyền thống này thì vẫn được nuôi dưỡng trong tâm hồn người dân nơi đây. Chính vì thế, việc gây dựng câu lạc bộ được sự quan tâm lớn của chính quyền cơ sở và bà con địa phương.

1.jpg
Các thành viên Câu lạc bộ sau đêm diễn mừng kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023).

Câu lạc bộ hiện có 35 thành viên nòng cốt. Với ban chủ nhiệm đều là người Dục Tú, nhưng ngay từ khi mới thành lập, điểm mới trong sinh hoạt của địa chỉ này là không “đóng khung” quy định thành viên phải là người thuộc địa bàn Dục Tú, họ có thể là bất kỳ ai ở các thôn xã lân cận, có giọng hát tốt, có điều kiện thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn và sinh hoạt tập thể của câu lạc bộ. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ còn lập một địa chỉ nhóm riêng trên Facebook, vận hành như một câu lạc bộ mở rộng, là nơi để các thành viên nòng cốt và trực tuyến chia sẻ việc tập luyện hằng ngày của mình thông qua livestream. “Việc livestream này được thực hiện nghiêm túc. Chúng tôi quy định chỉ được phát livestream mà từ cách trang điểm đến trang phục, thái độ biểu diễn đều đẹp, lịch sự”, bà Chu Bích Hạnh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết. Đến nay, nhóm có hơn 2.200 thành viên trực tuyến, đến từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có cả người Việt Nam ở nước ngoài, vì yêu tiếng hát quê hương mà đề xuất được kết nối tham gia nhóm, đóng góp nhiệt tình thông qua biểu diễn, dành thời gian xem và bình luận cổ vũ các thành viên khác.

Đều đặn mỗi tối, sau khi tạm trút gánh lo toan gia đình, công việc, các thành viên của câu lạc bộ lại tham gia sinh hoạt trực tuyến, xem một thành viên livestream, nghe, cảm nhận và học hỏi thêm về cách luyến láy, nhấn nhá từng câu hát. Các thành viên ở cùng thôn, xóm thường tụ họp ở nhà một người, để cùng chia sẻ luận bàn và tập luyện luôn với nhau. Nhất là khi có đợt biểu diễn nhân hội làng, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, 35 thành viên nòng cốt thường tụ họp nhiều buổi, có khi ròng rã cả tháng trời, để tự biên tự diễn tiết mục, bao gồm từ lên ý tưởng trang phục, đạo cụ, biên đạo múa phụ họa.

Bên cạnh biểu diễn các làn điệu chèo, khúc dân ca, Câu lạc bộ còn dựng tiết mục biểu diễn với các bài hát mang âm hưởng dân ca khắp mọi miền đất nước. “Tất nhiên phải là những bài hát trong khả năng thể hiện của chúng tôi”, bà Hạnh cười, nói. “Tuy chưa thể dựng được các vở chèo dài như Đội chèo Dục Tú trước kia, nhưng chúng tôi cũng đã có thể dựng nhiều tiết mục được bà con yêu mến”, bà Hạnh bày tỏ. Được biết, kinh phí duy trì sinh hoạt của Câu lạc bộ do một số “mạnh thường quân”, là các doanh nghiệp và cá nhân ở địa phương ủng hộ, rất nhiệt thành.

Như chia sẻ của các thành viên khác trong câu lạc bộ, mô hình sinh hoạt tương tự cũng xuất hiện ở rất nhiều địa phương khác, có thể là được chính quyền cơ sở cấp giấy phép chính thức như câu lạc bộ, cũng có thể ở dạng tự phát của một số nhóm, cộng đồng cùng chung sở thích. Không chỉ là món ăn tinh thần tươi đẹp của người dân nơi đây, mô hình câu lạc bộ như ở Dục Tú và cũng đã xuất hiện ở nhiều địa phương khác còn góp phần nuôi dưỡng mạch nguồn nghệ thuật dân tộc trong các thế hệ tiếp nối.

Xem thêm