Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ là mạch giao thông quan trọng gắn kết các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ là mạch giao thông quan trọng gắn kết các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.

Gia tăng động lực phát triển từ liên kết vùng

Luôn đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng, trong những năm gần đây, vùng Đồng bằng sông Hồng đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, tăng trưởng kinh tế vượt mức bình quân chung cả nước và vượt vùng Đông Nam Bộ, vốn một thời là khu vực dẫn đầu cả nước.

Khẳng định vai trò cửa ngõ phía bắc của đất nước

Có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội, vùng Đồng bằng sông Hồng là trung tâm của sự giao lưu kinh tế-xã hội giữa vùng đông bắc với vùng tây bắc, giữa vùng núi phía bắc với miền trung, giữa các tỉnh phía nam với các tỉnh phía bắc đất nước; vùng kinh tế này vừa là cầu nối giao thương, cửa ngõ phía bắc của cả nước trong các hoạt động kết nối phát triển kinh tế, thương mại, vừa là cửa chính ra biển của các tỉnh phía bắc và quốc tế với hệ thống giao thông kết nối hội tụ đầy đủ tất cả 5 loại hình giao thông đồng bộ, tương đối hiện đại.

Thực tế minh chứng, với tiềm năng, lợi thế vượt trội về kinh tế, vùng Đồng bằng sông Hồng đã đóng góp lớn vào kinh tế của cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh đứng thứ hai trong sáu vùng của cả nước, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; Đặc biệt, năm 2024, tăng trưởng kinh tế của vùng đạt khoảng 7,9%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,09%).

Tại Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng diễn ra tại Hà Nội đầu năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, khi đó còn trên cương vị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, đã đánh giá cao những chuyển biến rõ rệt đặc biệt của vùng kinh tế quan trọng này.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, vùng Đồng bằng sông Hồng đã khẳng định vị thế, vai trò là vùng động lực, định hướng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của cả nước và là một trong các vùng đi tiên phong bước vào kỷ nguyên mới.

Hình thành trục nối các hành lang kinh tế

Những đóng góp lớn vào kinh tế-xã hội của cả nước là điều khó có thể phủ nhận, tuy nhiên vùng kinh tế này vẫn còn một số bất cập. Đặc biệt là do liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp khiến các địa phương phát triển không đồng đều, thiếu bền vững; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành...

Theo đánh giá của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ thành phố Hà Nội, khá nhiều nội dung liên kết vùng quan trọng còn hạn chế. Cụ thể như: việc hỗ trợ các doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong việc hình thành cụm liên kết ngành; liên kết trong đào tạo và sử dụng lao động…

Đơn cử, Bắc Ninh được coi là địa phương trọng điểm công nghiệp của cả nước, nằm sát kề thành phố Hà Nội - trọng điểm kinh tế của vùng. Song do sự kết nối thiếu chặt chẽ, hai trọng điểm này chưa thể đồng tốc gia tăng động lực phát triển vùng.

Cũng chính bởi lý do này, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng để kết nối nội vùng, liên vùng nhằm gia tăng động lực phát triển vùng. Đặc biệt như các dự án: Tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B Quảng Ninh-Lạng Sơn… Đây là nền tảng để từng bước hiện thực hóa những yêu cầu đặt ra tại Quyết định số 1131/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhất là những mục tiêu quan trọng như: sớm hoàn thiện mạng lưới hành lang kinh tế bắc-nam theo hướng cao tốc bắc nam phía đông, phía tây, Quốc lộ 1 (Bắc Ninh-Hà Nội-Ninh Bình); hành lang kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Kim Sơn (Ninh Bình); hành lang Quốc lộ 18 (Nội Bài-Hạ Long)…

Ở một góc độ khác, PGS,TS Nguyễn Văn Thịnh, chuyên gia nghiên cứu về kết nối thương mại cho rằng, không chỉ dừng ở kết nối hạ tầng, kết nối cơ học, mà vùng Đồng bằng sông Hồng cần được đẩy mạnh liên kết giữa các vùng văn hóa. Cụ thể, theo TS Nguyễn Văn Thịnh, cần tập trung phát triển chuỗi sản phẩm tổng hợp về du lịch văn hóa, lịch sử, hình thành liên kết vùng phát triển công nghiệp du lịch dịch vụ kết nối các công trình di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng theo trục Thăng Long-Phố Hiến-Tam Chúc-Bái Đính-Chùa Hương; gắn kết vùng động lực quốc gia với tất cả các vùng kinh tế khác qua hình thức kết nối giao thông phát triển bậc nhất cả nước.

Xem thêm