Nhớ lại khi đến xã Tà Đùng lập nghiệp năm 1997, bà Nguyễn Thị Sang cho biết, thời điểm đó đất đai còn hoang vu, dân cư thưa thớt, người dân chủ yếu làm nông nghiệp và khai thác các sản vật rừng. Gia đình có hơn 31 ha đất sản xuất nhưng do đất có độ dốc lớn, tầng đất mặt ít, bên dưới toàn sỏi bô-xít, cho nên cây trồng không phát triển, cho năng suất thấp. Bà Sang đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng trồng cà-phê, sầu riêng, cây ăn trái khác nhưng đều thất bại.
Đến mùa mưa, bà Sang vào rừng cùng người đồng bào địa phương hái măng rừng bán để cải thiện cuộc sống gia đình. Theo thời gian, nhận thấy tiềm năng và nhu cầu thị trường rất lớn, cho nên bà mở đại lý thu mua măng rừng cho người dân rồi chế biến bán cho thương lái. Tuy nhiên, nguồn măng chỉ có trong 3 tháng mùa mưa. Khi nắng lên măng rừng khan hiếm dẫn đến đứt nguồn cung.
Qua nghiên cứu thị trường và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình trồng tre lấy măng trong cả nước, năm 2017, bà Sang quyết định trồng 1.000 gốc tre bốn mùa giống Đài Loan trên diện tích 1 ha đất dốc. Sau một năm, vườn tre xanh tốt, bắt đầu cho những cây măng đầu tiên. Măng tre bốn mùa không đắng, có vị ngọt nhẹ và giòn, được thị trường ưa chuộng.
Từ thành công bước đầu, năm 2019, khi vườn tre trưởng thành, cho nguồn thu ổn định, bà Sang nhân giống từ gốc tre mẹ và trồng trên toàn bộ hơn 30 ha đất còn lại. Hiện bà làm giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ba Sang Đắk Som. Mô hình trồng tre bốn mùa của bà đã được Sở Nông nghiệp và Môi trường cấp mã số vùng trồng, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; có 21 ha được công nhận VietGAP; có hai sản phẩm là măng khô và măng hấp đạt OCOP. Với khoảng 40.000 khóm tre bốn mùa trưởng thành, mô hình cho thu hoạch khoảng 400 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu khoảng 4 tỷ đồng/ năm từ việc bán tre giống, măng tre và các sản phẩm chế biến từ măng tre.
Theo bà Sang, tre bốn mùa giống Đài Loan rất dễ trồng, không kén chọn đất, phù hợp với nhiều vùng khí hậu, có thể trồng trên vùng đất có độ dốc lớn để chống xói mòn, đất cằn cỗi. Ưu điểm vượt trội của giống tre này là không có sâu bệnh, cho măng quanh năm, năng suất cao. Với giá bán hiện tại khoảng 10.000 đồng/kg vào mùa mưa, 20.000 đồng/kg mùa nắng, mỗi năm 1 ha tre cho thu nhập hơn 600 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Tà Đùng, ông Lê Văn Đại cho biết, mô hình trồng tre bốn mùa của gia đình bà Sang rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Ngoài việc tận dụng diện tích đất dốc, bạc màu phát triển kinh tế, cây tre bốn mùa còn có tác dụng chắn gió, chống xói mòn đất rất hiệu quả. Từ mô hình này, địa phương đang khuyến khích người dân có diện tích đất tương đồng về độ dốc, đất cằn cỗi và đất bạc màu chuyển sang trồng tre bốn mùa để cải thiện kinh tế gia đình.