Vẫn còn nhiều rào cản
Trên thế giới, thể thao được xem như cỗ máy kinh doanh tạo ra hàng triệu việc làm và mang đến sức hút đầu tư khổng lồ, bức tranh kinh tế thể thao trong nước lại có phần ảm đạm hơn. Phần lớn mọi người vẫn coi đây là hoạt động giải trí, rèn luyện sức khỏe cộng đồng đơn thuần. Dù tình hình thực tiễn đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, như sự bùng nổ của các giải chạy marathon, hay sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở cung ứng dịch vụ tập luyện thể thao (gym, yoga, billiard, bóng đá, bơi hay pickleball…), rất nhiều bộ môn vẫn gặp bế tắc trong bài toán xã hội hóa và thúc đẩy kinh tế thể thao phát triển.
Một trong những vấn đề cốt lõi là nhận thức trong việc tạo dựng mô hình kinh doanh. Bên cạnh đó, việc triển khai các chính sách về phát triển kinh tế thể thao còn nhiều hạn chế. Các công ty sản xuất trong nước chưa thật sự phát triển nên chất lượng hàng hóa và dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu. Các doanh nghiệp khi ấy phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu sản phẩm từ các quốc gia khác.
Tiên phong kiến tạo thị trường
Trong bức tranh chung còn nhiều thách thức, Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) nổi lên như một điểm sáng. Họ không chỉ tập trung thúc đẩy bóng rổ chuyên nghiệp, mà còn miệt mài xây dựng mô hình kinh doanh thể thao bài bản, bền vững.
Như chia sẻ của CEO VBA Trần Chu Sa, quá trình chuyển đổi một người quan tâm thể thao trở thành khách hàng phải trải qua năm bước: “từ biết đến, quen thuộc, cân nhắc, thử xem, rồi mới tới yêu thích”. Tương ứng mỗi bước đều có thách thức riêng trong việc tạo dựng cộng đồng khách hàng nói chung và với tệp người hâm mộ trung thành.
Hiện tại, tỷ lệ chuyển đổi của VBA ước đạt 1,5-2% lượng khách hàng tiềm năng. Giải đấu đặt mục tiêu tăng lên mức 6-7% trong tương lai. Đây là con số đầy tham vọng nhưng khả thi nếu Việt Nam có chiến lược đúng đắn.
Để đạt được mục tiêu đó, các câu lạc bộ trên cả nước cũng thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo. Điển hình như Hanoi Buffaloes, đội bóng luôn nghiên cứu tìm hiểu về sự thay đổi hành vi khách hàng, cũng như tính toán tỷ lệ chuyển đổi, để xác định chiến lược tiếp cận và tăng trưởng phù hợp.
“Đội bóng đã xây dựng học viện đào tạo trẻ chuyên nghiệp, cũng như không ngừng phổ cập kiến thức bóng rổ tới đối tượng thanh thiếu niên trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh quá trình thúc đẩy các giải đấu không chuyên ở các lứa tuổi U, việc tổ chức các chương trình giao lưu và hoạt động vì cộng đồng giúp thúc đẩy khả năng tiếp cận và kết nối với khách hàng”, Tổng Giám đốc câu lạc bộ Hanoi Buffaloes Trịnh Thị Khánh Ly khẳng định.
Không chỉ mang đến những màn trình diễn bóng rổ đỉnh cao, Hanoi Buffaloes còn thúc đẩy khán giả đến Nhà thi đấu Tây Hồ để trải nghiệm không khí của sự kiện giải trí hấp dẫn. Đó là series ra mắt các nghệ sĩ trẻ trong show ca nhạc giữa giờ nghỉ, hoạt động cổ vũ cheerleader, và các hoạt động tương tác trực tiếp trên sân. Young Buffaloes, với những điệu nhảy sôi động, cũng được người hâm mộ đánh giá là đội cổ vũ trình diễn máu lửa nhất.
Đội bóng Thủ đô còn chú trọng việc đa dạng hóa cách người hâm mộ tiêu thụ thể thao, từ việc tập luyện bộ môn, theo dõi qua truyền hình hoặc các ứng dụng trực tuyến, mua vật phẩm (merchandise), cho tới việc trực tiếp đến sân tham dự các sự kiện hay chương trình bên lề. Khu vực trưng bày và quảng bá vật phẩm bên ngoài Nhà thi đấu Tây Hồ không chỉ được đánh đèn nổi bật, mà các nhà quản lý cũng khôn khéo lồng ghép livestream bán hàng liên kết chặt chẽ với nội dung thực tế trong mỗi trận (như việc tăng phần trăm giảm giá theo từng cú ném rổ chính xác) để thu hút khán giả chi tiêu nhiều hơn.
Quan trọng hơn cả, VBA cũng như Hanoi Buffaloes luôn phải duy trì sự tương tác với người hâm mộ trên các nền tảng trực tuyến, nhất là thời điểm không thi đấu. Những dữ liệu thu được từ quá trình này sẽ góp phần phục vụ cho công tác tiếp cận, chuyển đổi, truyền thông cũng như gia tăng giá trị cho các nhà tài trợ bóng rổ trong tương lai.