Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (thời điểm trước khi vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp) thực hiện hoạt động giám sát đối với các dự án hạ tầng trên địa bàn.
Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (thời điểm trước khi vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp) thực hiện hoạt động giám sát đối với các dự án hạ tầng trên địa bàn.

Lãnh đạo đúng vai, quản lý đúng chức năng, giám sát đến tận cùng trách nhiệm

Trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước, nhất là đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức lãnh đạo, một yêu cầu mang tính nguyên tắc và thực tiễn đang đặt ra cấp thiết: phải rạch ròi vai trò giữa lãnh đạo-quản lý-giám sát trong toàn hệ thống chính trị.

Đây không chỉ là vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước, mà còn là biểu hiện cụ thể của sự vận hành dân chủ, minh bạch và hiệu quả trong quản trị quốc gia.

Thực tiễn ở nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng cấp ủy “làm thay” chính quyền, chính quyền “khoán trắng” trách nhiệm cho Đảng, trong khi công tác giám sát, nhất là giám sát của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, vẫn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu và hiệu lực.

Hệ quả là bộ máy bị rối loạn chức năng, thiếu cơ chế kiểm soát chéo và làm mờ nhòe trách nhiệm công vụ. Trước những thách thức ấy, vấn đề đặt ra không chỉ là chỉnh sửa kỹ thuật tổ chức, mà cần có một tư duy chính trị hiện đại để thiết lập lại trật tự phân vai: Đảng lãnh đạo đúng vai, Nhà nước quản lý đúng chức năng, nhân dân giám sát đến tận cùng trách nhiệm - như một bảo đảm căn bản cho nền quản trị hiệu quả và bền vững.

Lãnh đạo đúng vai

Lãnh đạo toàn diện của Đảng là nguyên tắc nền tảng, chi phối toàn bộ hệ thống chính trị nước ta. Tuy nhiên, lãnh đạo không đồng nghĩa với bao biện, làm thay hay can thiệp hành chính. Đó là sự lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, chủ trương; thông qua kiểm tra, giám sát; bằng uy tín chính trị và chất lượng đội ngũ cán bộ.

Trong hệ thống chính trị hiện đại, việc Đảng xác lập đúng vai trò chiến lược, không lấn sân vào chức năng quản lý của nhà nước hay giám sát của Mặt trận và nhân dân, chính là biểu hiện của sự hoàn thiện về phương thức lãnh đạo.

Tại Điều 41, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ, Đảng lãnh đạo Nhà nước và đoàn thể chính trị-xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng nhấn mạnh, Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhất quán khẳng định quan điểm này và yêu cầu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng thực hiện đúng vai trò định hướng chiến lược, không làm thay, không bao biện, không áp đặt, không can thiệp vào công việc của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thực tiễn cho thấy, khi Đảng “làm thay” chính quyền - từ việc chỉ đạo chi tiết các khâu chuyên môn, phê duyệt kế hoạch kinh tế-xã hội, đến điều hành ngân sách, nhân sự cụ thể - thì sẽ xóa nhòa ranh giới chức năng, làm mất tính chủ động và sáng tạo của chính quyền, dẫn đến tình trạng “trên bảo-dưới chờ”, cấp dưới không dám làm, sợ sai.

Hệ quả là hiệu lực hành chính suy giảm, bộ máy vận hành rối rắm và thiếu cơ chế phản hồi - chịu trách nhiệm rõ ràng. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa của tình trạng trì trệ trong cải cách hành chính và phân cấp-phân quyền hiện nay.

Ngược lại, ở những địa phương triển khai tốt quy chế phối hợp giữa cấp ủy và chính quyền, hiệu quả quản trị được nâng cao rõ rệt. Từ những kinh nghiệm đó, có thể khẳng định: Đảng chỉ thật sự mạnh khi chỉ đạo đúng vai, tập trung các quyết sách chiến lược, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, không chồng chéo; đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để bảo đảm mỗi thiết chế thực thi đúng chức năng.

Khi Đảng rút khỏi những khâu hành chính cụ thể, cũng là lúc chính quyền được trao quyền thật sự - qua đó phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm, và hiệu quả trong quản trị đất nước.

Quản lý đúng chức năng

Nếu Đảng giữ vai trò lãnh đạo chính trị, định hướng chiến lược, thì nhà nước là chủ thể thực thi quyền lực công, trực tiếp tổ chức và điều hành sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của công dân và hoạt động ổn định của toàn bộ hệ thống hành chính.

Trong mô hình hệ thống chính trị hiện đại, nhà nước không chỉ là cơ quan “thi hành” nghị quyết, mà cần đóng vai trò chủ động kiến tạo, có thẩm quyền thực chất và chịu trách nhiệm cuối cùng trước nhân dân về kết quả phát triển.

Tuy nhiên, một số nơi hiện nay vẫn tồn tại tư duy hành chính bị lệ thuộc vào cấp ủy, thậm chí rơi vào trạng thái “ủy quyền ngược”, khi mà chính quyền chờ chỉ đạo cụ thể từ cấp ủy mới dám hành động. Có nơi lại “khoán trắng” việc quyết định chủ trương, nhân sự, phân bổ nguồn lực cho cấp ủy, dẫn đến chính quyền mất đi tính chủ động, thiếu tinh thần trách nhiệm cá nhân.

Tình trạng này gây nguy cơ xói mòn hiệu lực hành chính, làm mờ ranh giới giữa quyền lực chính trị và quyền lực công vụ - trái với tinh thần phân quyền, phân công rõ ràng mà Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đã đề ra.

Muốn khắc phục tình trạng đó, trước hết, nhà nước - với vai trò là bộ máy quản trị quốc gia - phải được trao quyền đầy đủ đi đôi với trách nhiệm rõ ràng. Việc phân cấp-phân quyền từ Trung ương đến địa phương không thể dừng lại ở văn bản, mà phải gắn liền với năng lực thực thi và cơ chế kiểm tra-giám sát.

Chính quyền địa phương cần được chủ động trong xây dựng kế hoạch phát triển, phân bổ ngân sách, tuyển dụng và sử dụng nhân sự, đồng thời chịu trách nhiệm trước nhân dân và cấp có thẩm quyền. Khi chính quyền được “thực quyền”, được khuyến khích đổi mới quản trị, thì hiệu quả điều hành tăng rõ rệt.

Và bộ máy hành chính đủ quyền, đủ năng lực, và minh bạch trong vận hành, thì mới phát huy trọn vẹn vai trò nhà nước pháp quyền, chính quyền kiến tạo và phục vụ-nền tảng thiết yếu của phát triển bền vững.

Giám sát tận cùng trách nhiệm: Từ nhân dân đến tổ chức Đảng

Trong một hệ thống chính trị dân chủ-pháp quyền, giám sát quyền lực không chỉ là cơ chế cảnh báo, mà là thiết chế kiểm soát thực chất nhằm ngăn chặn sự tha hóa quyền lực, bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của các chủ thể thực thi công vụ.

Sự vận hành hiệu quả của bộ máy không thể tách rời khỏi một cơ chế giám sát đa chiều-từ bên trong lẫn bên ngoài, từ tổ chức đến người dân.

4111-3723.jpg
Tuyến đường cao tốc Vân Ðồn-Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) hoàn thành đúng kế hoạch nhờ sự đồng thuận của nhân dân, góp phần mở ra không gian phát triển mới cho địa phương. (Ảnh: NAM ANH)

Để xây dựng một hệ thống chính trị vận hành hiệu lực-hiệu quả, nhất thiết phải tiến hành đồng bộ các giải pháp về thể chế, đội ngũ cán bộ, công nghệ-truyền thông và cơ chế phản biện-giám sát. Đây là những đòn bẩy nền tảng giúp phân vai đúng, trao quyền đủ và kiểm soát chặt trong vận hành quyền lực nhà nước, tạo dựng niềm tin trong nhân dân và bảo đảm sự lãnh đạo đúng vai của Đảng.

Theo đó, cần khẩn trương hoàn thiện các quy chế phối hợp giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở tất cả các cấp, nhằm bảo đảm sự phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng thiết chế trong hệ thống chính trị.

Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật quản lý, mà còn giúp thiết lập cơ chế phân công-phối hợp-kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả và dân chủ. Việc xác lập và vận hành quy chế phối hợp này sẽ góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, né tránh trách nhiệm, “vừa đá bóng vừa thổi còi” hay hành chính hóa công tác đảng; đồng thời là nền tảng để xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, vận hành đúng vai, hoạt động đồng bộ, gắn kết với đời sống thực tiễn.

Đây cũng là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh Đảng ta đang quyết liệt đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó, sẽ không thể bảo đảm sự phân vai đúng trong hệ thống chính trị nếu đội ngũ cán bộ - nhất là người đứng đầu - không đủ năng lực, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm để “tự mình đảm đương vai của mình”.

Do đó, cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, bởi họ không chỉ là người điều hành tổ chức mà còn là hình mẫu về tư duy, đạo đức công vụ và tính nêu gương.

Song song đó, phải từng bước hình thành văn hóa “tự chịu trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ - thay vì tâm lý “làm đúng quy trình nhưng không dám quyết”, “chờ cấp trên chỉ đạo” hoặc né tránh trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Chỉ khi người cán bộ đủ bản lĩnh, dám nghĩ-dám làm-dám chịu trách nhiệm, thì cơ chế phân vai trong hệ thống chính trị mới có thể vận hành hiệu quả, hạn chế được tình trạng “một người làm, nhiều người né” vốn gây trì trệ và rối loạn trong tổ chức.

Đây là yêu cầu cấp thiết để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực chất, nơi quyền lực đi đôi với trách nhiệm. Cùng với đó, tăng cường chuyển đổi số, chính phủ điện tử và truyền thông số đóng vai trò then chốt trong minh bạch hóa điều hành và giám sát quyền lực.

Cần tiếp tục đầu tư đồng bộ vào các nền tảng số, bao gồm: Hệ thống quản lý dữ liệu công khai, cổng thông tin phản ánh-kiến nghị trực tuyến, và bản đồ trách nhiệm công vụ được cập nhật theo thời gian thực.

Đây là những công cụ hiệu quả để người dân, doanh nghiệp và báo chí có thể giám sát, đánh giá và kiến nghị đối với hoạt động của bộ máy công quyền, từ đó tăng cường tính trách nhiệm và liêm chính của cán bộ, công chức.

1-4832.jpg
Ban giám sát đầu tư cộng đồng thôn Nà Giáo, xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn (cũ) kiểm tra chất lượng đổ bê-tông công trình đường qua thôn.

Đặc biệt, cần xây dựng một không gian phản biện mở và dân chủ thực chất, nơi mọi chủ thể trong xã hội có điều kiện và công cụ để tham gia vào quá trình hoạch định - giám sát chính sách một cách bình đẳng, xây dựng và hiệu quả.

Để làm được điều đó, trước hết phải thể chế hóa rõ ràng vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội nghề nghiệp, đội ngũ trí thức-nhà khoa học và báo chí trong việc phản biện chính sách và giám sát hoạt động công quyền.

Song song, cần mở rộng các hình thức đối thoại chính sách, các diễn đàn phản biện trực tuyến, ứng dụng công nghệ số để tạo lập cơ chế hồi đáp ý kiến xã hội theo thời gian thực.

Việc này không chỉ làm tăng chất lượng chính sách, mà còn nuôi dưỡng văn hóa dân chủ trong xã hội. Đặc biệt, cần xác lập quyền giám sát của nhân dân không chỉ trên danh nghĩa, mà bằng các công cụ cụ thể và hành lang pháp lý đầy đủ - từ việc truy cập dữ liệu mở, nêu ý kiến trên cổng thông tin chính phủ, đến phản ánh qua báo chí, Mặt trận và các thiết chế trung gian.

Khi quyền lực được đặt dưới sự soi chiếu của xã hội, và khi nhân dân có năng lực thực hành quyền giám sát trong thực tế, thì sức mạnh dân chủ mới thật sự chuyển hóa thành nguồn lực kiểm soát quyền lực hiệu quả, lành mạnh và bền vững.

Đây là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn lạm quyền, tạo nền tảng cho một nền quản trị công khai, minh bạch và vì dân... Trong xây dựng hệ thống chính trị hiện đại, hiệu lực và hiệu quả, một chân lý ngày càng được khẳng định rõ ràng: Không thể có nền quản trị tốt nếu thiếu sự phân vai đúng, trách nhiệm rõ và cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt.

Vai trò của Đảng là lãnh đạo chiến lược, định hướng chính sách, kiểm tra-giám sát, chứ không can thiệp hành chính, không xóa nhòa chức năng quản lý của nhà nước. Nhà nước phải quản lý bằng pháp luật, tổ chức thực thi công vụ và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Chính quyền mạnh không phải là chính quyền toàn năng, mà là chính quyền được phân quyền đúng, có năng lực thực hiện và sẵn sàng giải trình.

Nhân dân, với vai trò chủ thể quyền lực, cần được trao công cụ và không gian thực chất để giám sát mọi quyền lực, từ đó bảo đảm tính dân chủ và minh bạch trong điều hành.

Chỉ khi mỗi chủ thể trong hệ thống chính trị hành động đúng vai, đúng trách nhiệm và hướng về lợi ích chung, thì nền tảng quyền lực mới được củng cố vững chắc, lòng dân mới đồng thuận, và đất nước mới phát triển bền vững trong kỷ nguyên hiện đại hóa-hội nhập toàn diện.

Xem thêm