Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai.
Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai.

Đại sứ Malaysia tại Việt Nam: Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN vượt nhiều thách thức

Trên chặng đường 30 năm kể từ khi chính thức đứng dưới “mái nhà chung” ASEAN, Việt Nam không ngừng khẳng định vị thế, vai trò là một thành viên chủ động, tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng đối với tiến trình hội nhập và phát triển của Hiệp hội, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Nhân dịp này, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Phóng viên: Xin Đại sứ chia sẻ về sự chuẩn bị của Malaysia – Chủ tịch ASEAN 2025 hướng tới sự kiện kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN? Đại sứ có thể cho biết thêm về ý nghĩa của chủ đề “Bao trùm và Bền vững” cho năm Chủ tịch ASEAN 2025?

Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai: Tuyên bố Kuala Lumpur đã đưa việc tổng kết 10 năm của ASEAN thành chiến lược 20 năm. Tuyên bố góp phần củng cố các thể chế của ASEAN, bảo đảm trách nhiệm giải trình hằng năm và đặt con người ở vị trí trung tâm của một Cộng đồng kiên cường, sáng tạo. Đây là minh chứng cho thấy ASEAN không chỉ lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh tiếp theo, mà cho cả thế hệ tiếp theo.

Hãy cùng nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng Cộng đồng ASEAN (2015-2025), một giai đoạn hết sức quan trọng. Như chúng ta đã biết, Tuyên bố Kuala Lumpur/Langkawi tháng 12/2015 đã đưa ASEAN trở thành một Cộng đồng dựa trên luật lệ với ba trụ cột phối hợp.

Sự kiện kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN là cơ hội để các nhà lãnh đạo cùng nhìn lại những trở ngại trong quá trình xây dựng cộng đồng (đó là các vấn đề liên quan khoảng cách số, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và việc huy động nguồn tài chính xanh); đồng thời tổng kết những bài học kinh nghiệm, đưa vào chương trình nghị sự sau năm 2025.

Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2045 vừa mới được thông qua đã vạch ra tương lai chung của chúng ta. Tuyên bố đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua một tuyên bố chính trị duy nhất, xác định khung thời gian đến năm 2045, tăng gấp đôi chu kỳ lập kế hoạch 10 năm thông thường, qua đó giúp các nhà đầu tư, nhà tài trợ và người dân hiểu rõ Cộng đồng ASEAN đang hướng đến đâu.

Tuyên bố đồng thời thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và 4 Kế hoạch chiến lược cụ thể cho bốn trụ cột (chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, kết nối), bảo đảm mọi lĩnh vực phát triển đồng bộ. Các nhà lãnh đạo đặc biệt giao nhiệm vụ cho ASEAN “tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế” và củng cố Ban Thư ký ASEAN, thể hiện thiện chí chung trong việc tăng cường nguồn lực và đẩy nhanh tốc độ ra quyết định, trong bối cảnh hợp tác giữa các nước ngày càng sâu sắc.

Tuyên bố nhấn mạnh về một “ASEAN kiên cường, đổi mới, năng động và lấy người dân làm trung tâm”, khẳng định tinh thần cốt lõi của Hiệp hội là mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ đề “Bao trùm và Bền vững” của Malaysia trong nhiệm kỳ Chủ tịch năm 2025.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2025, Malaysia lựa chọn chủ đề “Bao trùm và Bền vững”. “Bao trùm” là bảo đảm mọi công dân ASEAN đều thấy được lợi ích của Cộng đồng trong cuộc sống hàng ngày. Theo đó, Malaysia đặt mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” bằng cách thu hẹp khoảng cách phát triển nội khối, mang lại cơ hội phát triển kinh tế công bằng và tăng cường bảo trợ xã hội trên toàn ASEAN. “Bền vững” là bảo vệ lợi ích cho thế hệ tương lai. Theo đó, ASEAN tăng cường các nỗ lực chống chịu với khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch, đầu tư bền vững và quản lý môi trường, trong đó lồng ghép các khuôn khổ tài chính xanh và năng lượng trên khắp các quốc gia thành viên ASEAN.

Có thể tóm tắt các ưu tiên chính của Malaysia với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025 như sau:

Thứ nhất, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN bằng cách thúc đẩy lòng tin chiến lược giữa các quốc gia thông qua các cuộc đối thoại, hoạt động ngoại giao và sự thiện chí. Bằng việc thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thành viên, Malaysia mong muốn xây dựng và mở rộng quan hệ đối tác kinh tế với các nước.

Thứ hai, thúc đẩy cam kết mạnh mẽ hơn nhằm tăng cường thương mại và đầu tư nội khối ASEAN. Malaysia sẽ bảo đảm ASEAN có thể tận dụng những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời khai thác lợi ích của chuyển đổi số và công nghệ mới.

Thứ ba, bảo đảm các yếu tố bao trùm và bền vững, vốn là chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2025, sẽ trở thành trọng tâm trong các nỗ lực xây dựng Cộng đồng của chúng ta. Điều này đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và bất bình đẳng, cải thiện mức sống của người dân, đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, Malaysia đang thúc đẩy một số dự án trên toàn ASEAN. Trong đó có thể kể đến Kế hoạch Kỹ thuật số và Xanh, theo đó Malaysia sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện Hiệp định Khung Kinh tế số ASEAN (DEFA) và Thỏa thuận Xanh ASEAN 2030, tạo điều kiện xây dựng thị trường kỹ thuật số bao trùm và huy động tài chính khí hậu. Ngoài ra, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Malaysia sẽ ủng hộ việc mở rộng Lưới điện ASEAN, gắn an ninh năng lượng với phát triển công bằng và bền vững trên toàn khu vực.

Phóng viên: Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam khi Việt Nam kỷ niệm tròn 30 năm gia nhập ASEAN, từ đó mở ra những cơ hội mới đưa Việt Nam từng bước trưởng thành, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Xin Đại sứ đánh giá về vai trò, vị thế, đóng góp của Việt Nam trong việc hiện thực hóa các tầm nhìn phát triển của ASEAN?

Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai: Sự đóng góp của Việt Nam trong ASEAN được thể hiện trước hết thông qua nỗ lực thúc đẩy hội nhập và xây dựng thể chế của ASEAN, trong giai đoạn từ năm 1995-2005.

Gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 và là động lực chính thúc đẩy ASEAN mở rộng, trở thành “ngôi nhà chung” của tất cả 10 quốc gia Đông Nam Á vào năm 1999.

Năm 1998, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 và xây dựng kế hoạch công tác đầu tiên của Hiệp hội hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2000. Việt Nam cũng là nhân tố góp phần tích cực trong việc hình thành các cơ chế quan trọng của Hiệp hội như ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN, qua đó giúp ASEAN mở rộng các quan hệ đối tác đối thoại và vị thế trên trường quốc tế.

Thứ hai, trong giai đoạn 2005-2015, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Theo đó, Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và thực hiện Hiến chương ASEAN (2008) và hỗ trợ việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Bằng việc ủng hộ tuân thủ các công cụ pháp lý và chuẩn mực, Việt Nam đã thúc đẩy quá trình định hình trật tự khu vực dựa trên luật lệ của ASEAN. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đóng vai trò tiên phong trong triển khai chương trình nghị sự của hiệp hội, góp phần thành lập và phát triển Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), hiện đã trở thành một cơ chế an ninh quan trọng trong khu vực.

Trong giai đoạn 2015-2025, dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại ASEAN được thể hiện rõ nét qua nỗ lực dẫn dắt, hợp tác cùng các nước thành viên đưa ASEAN vượt qua nhiều thách thức. Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Việt Nam năm 2020, vào thời kỳ đỉnh điểm bùng phát của đại dịch Covid-19. Phát huy tích cực vai trò của mình, Việt Nam đã thể hiện nỗ lực mạnh mẽ, dẫn dắt ASEAN vượt qua khó khăn.

Theo đó, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến; thành lập Quỹ Ứng phó Covid-19 ASEAN; thúc đẩy các nước thành viên phối hợp triển khai những biện pháp phục hồi; duy trì sự đoàn kết của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng, cùng những căng thẳng liên quan vấn đề Biển Đông.

Việt Nam đã nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động nhất của ASEAN, góp phần nâng cao vị thế thương mại toàn cầu của ASEAN. Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN và ASEAN+6; tích cực hỗ trợ các mục tiêu hội nhập kinh tế của ASEAN, bao gồm thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các sáng kiến như Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và các khuôn khổ tiểu vùng Mê Công.

Việt Nam luôn bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN trong ngoại giao và hợp tác tại khu vực. Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam đã góp phần định hình lập trường chung của ASEAN là ủng hộ giải quyết tranh chấp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và thúc đẩy chương trình nghị sự xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việt Nam luôn thể hiện tiếng nói mạnh mẽ trong việc duy trì nguyên tắc không can thiệp, tôn trọng chủ quyền và duy trì đồng thuận của ASEAN, đồng thời thúc đẩy hợp tác thực chất giữa các nước thành viên.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đóng góp tích cực thúc đẩy hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và thanh thiếu niên. Theo đó, Việt Nam đã đăng cai Đại hội Thể thao học đường ASEAN và quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam thông qua các diễn đàn của ASEAN; ủng hộ chương trình nghị sự lấy con người làm trung tâm của ASEAN, thúc đẩy triển khai các hoạt động cứu trợ thiên tai, bảo đảm an ninh y tế và các sáng kiến về lao động; thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển nông thôn và phát triển nguồn nhân lực.

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã trở thành một thành viên đáng tin cậy, có tính xây dựng và luôn nỗ lực thúc đẩy sự đồng thuận của ASEAN.

Phóng viên: Năm 2024, Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Xin Đại sứ chia sẻ những đánh giá về thành tựu và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia?

Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai: Năm 2024, chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng là hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra kỷ nguyên hợp tác mới đầy triển vọng giữa Việt Nam và Malaysia.

Cột mốc này phản ánh mối quan hệ hữu nghị, sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác bền chặt giữa hai nước. Các nhà lãnh đạo hai nước đã cam kết làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước, nhất là mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới.

Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch thương mại song phương trong năm 2024 đạt gần 18 tỷ USD và hứa hẹn sẽ đạt mốc 20 tỷ USD trong thời gian gần tới. Hai nền kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau. Malaysia là quốc gia có thế mạnh về sản xuất hàng hóa, năng lượng. Việt Nam đang là quốc gia phát triển nhanh về sản xuất và cần rất nhiều năng lượng.

Các doanh nghiệp Malaysia cũng coi Việt Nam là môi trường đầu tư đầy tiềm năng. Tính đến nay, Malaysia đã đầu tư hơn 13 tỷ USD vào Việt Nam, với khoảng 760 dự án trải rộng ở các lĩnh vực như sản xuất, tài chính, bất động sản, chứng khoán, giao thông vận tải… Việt Nam và Malaysia cũng đẩy mạnh hợp tác song phương về thương mại năng lượng xanh, chuỗi cung ứng thực phẩm Halal.

Du lịch là một trụ cột quan trọng khác trong quan hệ song phương. Năm 2024, Malaysia đã chào đón hơn 300.000 du khách Việt Nam và tôi hy vọng là sẽ ngày càng có nhiều du khách Việt Nam đến Malaysia hơn nữa. Điều đó cho thấy sự kết nối mạnh mẽ giữa người dân hai nước, nhờ các chuyến bay thẳng giữa các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với các địa phương của Malaysia.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.

Xem thêm