Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng các đại biểu đến thăm nhà của bà con tại Làng Việt Nam.
Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng các đại biểu đến thăm nhà của bà con tại Làng Việt Nam.

Cảm nhận thú vị từ Rabat đến Casablanca

Chuyến thăm chính thức Vương quốc Morocco của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn những ngày qua, với các cuộc hội đàm, hội kiến cấp cao, ký thỏa thuận hợp tác nghị viện và tham dự tọa đàm chính sách tại Casablanca, đã tạo xung lực mạnh mẽ cho hợp tác kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai đất nước.

Xây cầu nối chiến lược

Diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1961-2026), trong 3 ngày làm việc khẩn trương, Chủ tịch Quốc hội tiến hành các cuộc hội đàm mang lại nhiều kết quả với Chủ tịch Hạ viện Morocco Rachid Talbi Alami, Chủ tịch Thượng viện Mohamed Ould Errachid, hội kiến Thủ tướng Aziz Akhannouch, và tiếp xúc với các lãnh đạo Hội Hữu nghị Morocco-Việt Nam, Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Morocco-Việt Nam, gặp gỡ cộng đồng.

Điểm nhấn quan trọng là việc ký thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Morocco, kế thừa và nâng cấp bản ghi nhớ hợp tác năm 2017. Thỏa thuận mới mở ra khuôn khổ mới cho hợp tác nghị viện, thúc đẩy trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF). Hai bên nhất trí tăng cường giao lưu giữa các nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ, các ủy ban chuyên môn, tạo nền tảng cho các sáng kiến hợp tác lâu dài.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Morocco không chỉ là sự hợp tác giữa hai quốc gia, mà là sợi dây gắn kết hai dân tộc, được xây dựng từ lịch sử đấu tranh chung và khát vọng hòa bình, phát triển bền vững. Thông điệp đó khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương, dựa trên nền tảng tin cậy chính trị và tiềm năng hợp tác rộng lớn trên nhiều lĩnh vực mà hai nước có tiềm năng, thế mạnh.

Tại tọa đàm chính sách “Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Morocco” tổ chức ở Casablanca, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Morocco Chakib Alj đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai bên. Chủ tịch Quốc hội đưa thông điệp truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước: Dù cách xa về địa lý, lòng chúng ta không xa. Việt Nam và Morocco cần cùng nhau xây dựng một mối quan hệ hợp tác kinh tế tương xứng với tiềm năng, làm cầu nối để hàng hóa Việt Nam thâm nhập châu Phi và hàng hóa Morocco tiến vào ASEAN.

Tại diễn đàn này, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Morocco chia sẻ: Cùng sự nỗ lực và quyết tâm của hai bên, hợp tác với Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu giữa một quốc gia châu Phi và một quốc gia châu Á dựa trên sự tin cậy và hiệu quả, mang lại lợi ích chung cho hai dân tộc. Điều đó cũng thể hiện rõ trong nội dung phát biểu của các nhà lãnh đạo bạn, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Morocco coi trọng Việt Nam là đối tác hàng đầu tại khu vực ASEAN. Những nội dung cụ thể, thiết thực hai bên rất quan tâm liên quan đàm phán hiệp định thương mại mới, dỡ bỏ rào cản thuế quan, và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo. Morocco, với hệ thống cảng biển Tanger-Med lớn nhất châu Phi, sẽ trở thành điểm đến thuận lợi để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường châu Phi và châu Âu.

Đất nước của sự giao thoa văn hóa

Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong đoàn có dịp nghiên cứu, tìm hiểu mô hình Trung tâm Tài chính quốc tế Casablanca (CFC). Chủ trương phát triển kinh tế, hội nhập qua mô hình này hiện đang được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân nước ta rất quan tâm.

CFC đóng vai trò là cầu nối tài chính giữa châu Phi, châu Âu, và Trung Đông. Theo các số liệu đánh giá của các cơ quan chức năng bạn, trong năm 2024, CFC đã xử lý hơn 30% số giao dịch tài chính quốc tế tại Morocco, bao gồm các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu và thuế suất ưu đãi 15% sau đó đã thu hút các tổ chức tài chính lớn đóng chân đầu tư, kinh doanh lâu dài. CFC đầu tư mạnh vào công nghệ tài chính (fintech), với hơn 20 công ty fintech hoạt động trong hệ sinh thái vào năm 2024.

Được biết, các sáng kiến như nền tảng thanh toán số và blockchain đã cải thiện hiệu quả giao dịch, giảm chi phí giao dịch quốc tế xuống 10%. Năm 2024, khối lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Morocco đạt 1,2 tỷ giao dịch, tăng 15% so với năm 2023, phần lớn được xử lý qua các nền tảng tại CFC...

Có mặt tham gia nhiều hoạt động tại nước bạn, từ khi bước chân đến Rabat, thủ đô chính trị và văn hóa của Morocco, nhiều thành viên trong đoàn bày tỏ rất ấn tượng và cảm nhận sâu sắc sự hòa quyện độc đáo giữa đời sống truyền thống và hiện đại.

Trên đại lộ Mohammed V, hình ảnh thanh niên trong trang phục djellaba truyền thống sánh vai cùng những bạn trẻ mặc áo phông đeo tai nghe, mang laptop. Chiều chiều bên vỉa hè các con phố luôn đông đúc giới trẻ và khách du lịch, khiến những quán cà-phê, trà ấm đặc sắc sôi động đến tận đêm. Tính đa ngôn ngữ như tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha xen lẫn tiếng Arab của người dân và khách du lịch quốc tế cũng tạo nên không gian hội nhập rộng mở đa ngôn ngữ, đa sắc màu.

Lần này quay lại Rabat, điều chúng tôi nhận thấy cuộc sống ở đây không quá ồn ào như Casablanca hay Marrakesh mà toát lên sức hút của một trung tâm phát triển hiện đại. Công trình Mohammed VI Tower sừng sững 250 m cao nhất Morocco và Grand Théâtre Zaha Hadid với kiến trúc hiện đại độc đáo biểu tượng cho sự kết nối giữa quá khứ và tương lai.

Cuộc gặp gỡ các thành viên Hội Hữu nghị Morocco-Việt Nam và Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị, sau đó là cuộc gặp ấm áp thân tình giữa cộng đồng với Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân trong không gian Đại sứ quán toát lên sự chân thành và tình cảm sâu đậm mà người Morocco dành cho đoàn, cho quê hương Việt Nam.

Phu nhân Nguyễn Thanh Nga dịp này đã đến thăm nhà, gặp gỡ, tặng quà, trò chuyện với bà con tại Làng Việt Nam. Những vườn chuối xanh tươi ở làng, rặng tre xanh dọc con đường ở trung tâm thành phố gợi nhớ quê hương với bao người con xa quê. Câu chuyện về những người lính Morocco từng sát cánh cùng Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp, về Cổng Morocco tại Ba Vì và Cổng Việt Nam tại Morocco làm nên biểu tượng sống động, độc đáo của tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Với giới trẻ Việt Nam, các nghệ sĩ Morocco mang âm nhạc Aita, phong cách nhạc Bedouin, tức nhạc của những người du mục Arab ở Bắc Phi, bán đảo Arab, vùng Levant ở phía đông Địa Trung Hải, hay như tác phẩm điện ảnh Casablanca Beats, đã chạm đến nhiều trái tim khán giả Việt Nam. Những câu chuyện, chia sẻ của bà con Việt Nam tại Rabat và các tỉnh, thành phố khác về tề tựu đón đoàn minh chứng càng rõ hơn sợi dây gắn bó đặc biệt giữa hai dân tộc, kết nối quá khứ lịch sử và cuộc sống thực tại hôm nay.

Xem thêm