Vết thương chiến tranh đang được chữa lành bằng lòng tri ân và hành trình nhân đạo không biên giới.
Kỳ 1: Cuộc trở về của những kỷ vật thời chiến
Ngày 10/7, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Hà Nội), diễn ra sự kiện đặc biệt ý nghĩa: Lễ trao trả “Hồ sơ chứng tích chiến tranh”, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ. Đây là những tài liệu do quân đội Mỹ thu giữ trên chiến trường Việt Nam từ hơn 50 năm trước.
“Ngày hôm qua chúng ta ở hai bên chiến tuyến...”
Trong khuôn khổ sự kiện, ban tổ chức trao 22 bộ hồ sơ cho các gia đình liệt sĩ và cựu chiến binh; bàn giao hơn 200 bộ hồ sơ khác cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III để quản lý và tiếp tục trao lại gia đình. Là chứng tích chiến tranh, những hồ sơ trở về không chỉ kết nối quá khứ với hiện tại, mà còn là nhịp cầu hòa giải, hàn gắn giữa hai dân tộc từng là cựu thù.
Dẫn đầu đoàn trao trả là cựu binh Mỹ, Tiến sĩ Ronald Milam - Giám đốc Viện Hòa bình và Xung đột cùng Tiến sĩ Steve Maxner - Giám đốc Trung tâm Việt Nam (Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ). Đồng hành cùng họ là các sinh viên Đại học Công nghệ Texas, những người chưa từng biết đến chiến tranh nhưng đang góp sức chữa lành vết thương.
Tiến sĩ Ronald Milam từng là sĩ quan điều hành và huấn luyện thuộc Lữ đoàn 1, Sư đoàn Không vận 82 Hoa Kỳ, tham chiến tại Việt Nam từ năm 1968 đến 1974. Ông chia sẻ: “Ngày hôm qua chúng ta ở hai bên chiến tuyến, nhưng hôm nay chúng ta có thể ngồi lại cùng nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện thời chiến và tưởng nhớ những người lính đã hy sinh”.
Những ký ức không ngủ quên
Thiếu tướng Trịnh Xuân Chuyền, nguyên Chính ủy Binh chủng Đặc công, cùng các cựu chiến binh Tiểu đoàn 3, Đoàn 95A, lặng người khi cầm bản in những trang tài liệu từng theo đồng đội ra trận. Thân nhân các liệt sĩ: Phạm Thiết Kế, Nguyễn Thanh Lan, Vũ Trung Cánh, Trần Kim Thoa cũng có mặt trong buổi lễ để đón nhận phần kỷ vật của người thân. Trận chiến ác liệt kéo dài từ ngày 3-6/3/1970, tại khu vực xã Kiên Bình (Kiên Lương, Kiên Giang), khi Tiểu đoàn 3 đặc công và Đại đội 5 súng máy 12 ly 7 (Đoàn 95A) bị lực lượng biệt kích ngụy, có không quân Mỹ yểm trợ, tổ chức chặn đánh khi đơn vị đang trên đường đi làm nhiệm vụ. Chính trị viên Phạm Thiết Kế, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thanh Lan cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Sau hơn 55 năm, những tài liệu như: Giấy khen, danh sách đơn vị, quyết định kết nạp Đảng trở về, ghi đầy đủ tên tuổi, quê quán các liệt sĩ. Những dòng chữ viết giữa chiến trường giờ thành chứng tích, góp phần phục dựng lịch sử trận đánh và xác định tên cho người nằm xuống.
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Sang (Tiểu đoàn 7, Đoàn 95A) không ngờ rằng tên mình lại nằm trong tài liệu bị thu giữ ngày 25/4/1971 và được cất giữ suốt hơn 50 năm ở tận bán cầu bên kia. Khi biết tin, nhiều đêm ông thao thức không ngủ, vừa vui mừng, vừa nhớ thương đồng đội. Cuộc trùng phùng giữa người sống và người đã khuất qua những trang ký ức trở về là khoảnh khắc thiêng liêng và xúc động không chỉ với người trong cuộc mà cả những người chứng kiến.
Trong số tài liệu trao trả, đáng chú ý là cuốn sổ tay của Chính trị viên Lê Thanh Hải (Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308), bị thu giữ ngày 25/5/1972. Cuốn sổ ghi danh sách 112 cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ thông tin về cấp bậc, quê quán, tình trạng sức khỏe, trình độ văn hóa, quá trình công tác, tên cha mẹ, vợ con. Hầu hết họ tham gia trận đánh ở Câu Nhi (Quảng Trị) ngày 26/5/1972 và hy sinh. Tài liệu này là nguồn mở ra cơ hội tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ.
Hồ sơ của chiến sĩ đặc công Vũ Minh Khoa (quê Hải Phòng) gây nhiều xúc động. Ngày 30/1/1970, tại khu vực sông Thị Vải, biệt kích thu giữ tài liệu từ thi thể bộ đội Việt Nam, trong đó có hồ sơ của ông, gồm: Sổ tay, bản đồ, báo cáo hậu cần, bằng khen ghi nhận thành tích. Chỉ trong hai năm 1968-1969, ông 5 lần nhận danh hiệu “Dũng sĩ giao thông” và phong tặng “Chiến sĩ quyết thắng” hạng nhất. Ông từng trực tiếp chỉ huy nhiều trận tại cảng Nhà Bè, đánh chìm nhiều tàu vận tải lớn, có trọng tải từ 10.000-13.000 tấn. Ngày 4/2/1970, trong trận đột kích vào vùng địch trên sông Thị Vải, ông anh dũng hy sinh, chỉ vài ngày sau khi hồ sơ cá nhân bị thu giữ.
Tập hồ sơ của Trung đội trưởng Trần Huy Liệu (Đại đội 12, Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 271, Sư đoàn 9) có nhiều tư liệu quý, như: Quyết định đề bạt, thư khen thưởng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, giấy kết nạp Đảng, nhật ký chiến đấu. Trong trận phục kích tháng 12/1967 tại đường Minh Thạnh, đơn vị ông phá hủy 23 xe quân sự, 4 khẩu pháo, bắn rơi 2 trực thăng, tiêu diệt khoảng 30 lính Mỹ và ngụy quân. Đáng chú ý, bức thư do ông Trần Công Mão ký, xác nhận ông Liệu từng công tác tại xã Đông Hải (Phụ Dực, Thái Bình), là manh mối giúp xác định quê quán liệt sĩ. Trước đó, giấy báo tử ghi sai cả năm sinh và năm hy sinh, những tài liệu trở về nay là căn cứ xác thực thông tin liệt sĩ.
Bà Trần Thị Nga, con gái liệt sĩ Liệu xúc động chia sẻ: “Suốt nhiều năm, gia đình tôi tìm kiếm khắp nơi thông tin về bố, nhưng không có kết quả chính xác. Tưởng như hy vọng đã tắt, thì bất ngờ, vừa qua chúng tôi nhận được tin tức về bố. Hôm nay, khi nhận lại kỷ vật của bố, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào. Xin cảm ơn các cá nhân, tổ chức đã góp phần kết nối để có cuộc hội ngộ ý nghĩa này”.

Trong hồ sơ khác, báo cáo của Tiểu đội trưởng Đỗ Văn Mỡ (đơn vị B15, Đoàn 96) ghi lại trận đánh ngày 6/1/1969 tại Suối Đá (Tây Ninh). Với 21 viên đạn bộ binh, ông Mỡ bắn rơi một trực thăng Mỹ. Ghi chép cá nhân này góp phần xác định tọa độ trận đánh, vị trí hy sinh và nơi an táng liệt sĩ.
Sổ tay của trinh sát Phạm Ngọc Duyên (quê Vụ Bản, Nam Hà) ghi chép những bài học về tư tưởng Hồ Chí Minh và sinh hoạt đời thường của người lính trên chiến trường Tây Ninh. Cuốn nhật ký của chiến sĩ Dương Mạnh Thùy dừng lại ngay sau trận đánh tại Lộc Ninh, có thể là nơi ông hy sinh. Còn sổ tay của người lính Hà Duy Lợi, người từng nhận danh hiệu “Chiến sĩ quyết thắng” hạng ba, lại đậm chất thơ, đầy ắp nỗi nhớ gia đình và quê hương Quảng Bình. Không chỉ là tư liệu, những trang viết còn chứa đựng tinh thần, cảm xúc, ước mơ của người lính và niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất.
Sau gần 60 năm, cuốn sổ tay của kỹ thuật viên quân khí Nguyễn Tiến Diệp (Sư đoàn 9) bị quân Mỹ thu giữ tại Tây Ninh trong chiến dịch Junction City năm 1967, đã trở về. Cuốn sổ ghi lại hành trình từ quê hương Thanh Hóa vào chiến trường miền Đông Nam Bộ; công việc sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí trong khoảng thời gian từ năm 1961-1966 của ông Diệp.
Sổ tay của chiến sĩ Lê Hồng Sơn như “giáo trình chiến trường”. Cuốn sổ dày đặc ghi chép về kỹ thuật quân sự: Từ thuốc nổ, mìn, Bazooka, mìn chống tăng, cho đến hướng dẫn sử dụng và cấu tạo xe cơ giới, thiết giáp, tàu đổ bộ và các phương tiện chiến đấu của quân đội Mỹ và ngụy quân. Các ghi chép thực hiện trong hai năm 1965-1966, kèm theo sơ đồ minh họa và kỹ năng xây dựng công sự, bố trí trận địa pháo, đào hào chiến đấu. Phần cuối còn có nội dung về công tác chính trị, đạo đức cách mạng…
Hành trình xoa dịu nỗi đau chiến tranh
Từ năm 2023, hàng trăm hồ sơ chứng tích chiến tranh đã được phục dựng và trao trả nhờ sự phối hợp của các cá nhân và tổ chức tâm huyết. Tổ chức “Trái tim người lính”, nhóm tình nguyện viên “Mãi mãi tuổi 20” và “Kỷ vật kháng chiến” giữ vai trò kết nối, tìm kiếm, xác minh thông tin, công bố trên mạng xã hội. Nhờ đó, nhiều thân nhân liệt sĩ lần đầu tiên biết chính xác nơi con, chồng hay cha mình hy sinh, sau nhiều năm chờ đợi.
Tại Trung tâm Việt Nam-Đại học Công nghệ Texas, các sinh viên Mỹ trực tiếp tham gia việc số hóa và nghiên cứu tài liệu. Nhiều người trong số họ lựa chọn viết luận văn không phải về chiến lược quân sự, mà về ký ức người lính Việt Nam trong chiến tranh. Hàng trăm cựu binh Mỹ cùng thân nhân trở lại Việt Nam, mang theo những di vật thời chiến để trao trả các gia đình liệt sĩ, góp phần hàn gắn vết thương quá khứ.
Nhiều người chọn ở lại sinh sống và làm việc tại chiến trường xưa để giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh. Như cựu binh Chuck Searcy sống hơn 30 năm tại Việt Nam để góp phần khắc phục hậu quả bom mìn và thúc đẩy hòa giải giữa hai dân tộc. Như nghệ sĩ vĩ cầm Mike Boehm dành phần đời còn lại để chia sẻ, bù đắp, đồng hành cùng người dân Quảng Ngãi. Từ năm 1993, ông sáng lập tổ chức Madison Quakers, giúp đỡ người nghèo và nạn nhân chất độc da cam bằng các dự án khởi nghiệp, xây nhà tình thương, giếng nước sạch, trường học. Hay Susan Hammond, con gái một cựu binh Mỹ, dành gần trọn cuộc đời để khắc phục hậu quả chiến tranh. Bà sáng lập và điều hành tổ chức phi chính phủ War Legacies Project, triển khai nhiều dự án hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân chất độc da cam.
Từ năm 2000, Hoa Kỳ viện trợ hàng trăm triệu USD cho các chương trình nhân đạo tại Việt Nam, phối hợp khắc phục hậu quả chiến tranh, xác định hài cốt quân nhân mất tích từ cả hai phía, hướng tới khép lại quá khứ, xây dựng tương lai hòa bình và phát triển.