Nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn quốc tế
Theo một lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, tại thành phố hiện có khoảng hai nghìn DN đạt các chứng chỉ quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng, chiếm từ 20% đến 25% tổng số DN cả nước đạt các loại chứng chỉ này. Thành phố cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số DN đạt Giải thưởng chất lượng châu Á - Thái Bình Dương.
Lượng DN trên địa bàn áp dụng và đạt được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, ISO 14000, HACCP, GMP, SA8000... đang liên tục tăng. Phần lớn các thương hiệu có tên tuổi trên địa bàn thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề đều đã đạt tiêu chuẩn ISO như Biti's, Thái Tuấn, Cầu Tre, Vissan, Kinh Đô, Phạm Nguyên, Liksin...
Với việc đạt được những tiêu chuẩn quốc tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN cũng thuận lợi hơn. Tổng Giám đốc Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên Phạm Ngọc Thái cho biết, sau khi đạt ISO 9001:2000, sản phẩm của công ty không những đạt chất lượng cao mà còn được người tiêu dùng ưa chuộng hơn trước. Tổng Giám đốc Tổng công ty Liksin Lê Đăng Quang cũng cho biết, việc áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000 đang góp phần tạo một môi trường thân thiện cho con người, sản xuất, sản phẩm và sẽ là điều kiện thuận lợi cho đơn vị xây dựng, phát triển thị trường trong nước cũng như thị trường thương mại quốc tế.
Mới đây, nhiều tiêu chí quốc tế mới, cấp độ cao hơn cũng đã được các DN trên địa bàn tiếp cận như chứng nhận ISO/IEC 27001 về Hệ thống quản lý an ninh thông tin.
Tổng Giám đốc Công ty HPT Đinh Hà Duy Linh cho biết, sau khi nhận được chứng chỉ quốc tế ISO/IEC 27001:2005, HPT sẽ tiếp tục duy trì hệ thống thật hiệu quả, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế cho các khách hàng, các DN khác trong ngành... Có thể nói, các tiêu chí quốc tế đã tạo thêm lòng tin về chất lượng sản phẩm, dịch vụ trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Cần thêm sự hỗ trợ
Đối với DN sản xuất hàng hóa, điều thiết yếu để đạt các tiêu chuẩn quốc tế là phải đổi mới thiết bị, công nghệ. Trong khi đó, tại thành phố, số lượng DN vừa và nhỏ chiếm đến 90% tổng số DN đang hoạt động và qua khảo sát của các cơ quan chức năng, phần lớn DN trong số này có trình độ công nghệ từ trung bình khá trở lên; rất nhiều DN vừa và nhỏ còn sử dụng những dây chuyền công nghệ, máy móc nhập từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Vì thế, việc áp dụng các quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế như ISO còn chưa phổ biến. Điều này sẽ làm cho các sản phẩm của DN giảm sức cạnh tranh trên thị trường khi khu vực ASEAN thành nền kinh tế chung.
Lúc đó, hàng hóa của các DN đạt chuẩn quốc tế từ các nước ASEAN sẽ cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường nước ta...
Sở dĩ các DN vừa và nhỏ ít đạt chuẩn quốc tế là do lợi nhuận còn thấp nên hạn chế năng lực tích tụ vốn dành cho đổi mới công nghệ, lại khó tiếp cận những chính sách hỗ trợ và các chương trình ưu đãi từ thành phố trong các chương trình hỗ trợ hay thiếu thông tin từ các kênh hỗ trợ đổi mới thiết bị. Cùng với đó, vẫn còn không ít DN ngại bộc lộ nhu cầu đổi mới công nghệ, lúng túng trong việc tìm danh mục công nghệ, mất nhiều thời gian tìm mua công nghệ phù hợp, thiếu thông tin về công nghệ cần thiết, chưa biết cách thức đánh giá, định giá công nghệ khi cần mua và thủ tục pháp lý khi mua...
Để hỗ trợ và giúp DN khắc phục những khó khăn trên, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố (ECC HCMC) Huỳnh Kim Tước cho biết, ECC HCMC đã tổ chức nhiều chương trình nhằm hỗ trợ các DN trên địa bàn thực hiện việc đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị để tiến tới đạt các tiêu chí quốc tế.
Các loại hình công nghệ được thành phố hỗ trợ là công nghệ tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, công nghệ nâng giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện cải tiến công nghệ, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiếp nhận công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai các công cụ quản lý tiên tiến như ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000, ISO 27000...
Hiện, các lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ là điện, điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, nông thôn, y dược; vật liệu mới, vật liệu nhẹ; cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ cho dệt may, da giày, cao-su...
Theo các DN, bên cạnh các hỗ trợ trên, thành phố nên tổ chức thường xuyên các hội chợ công nghệ và thiết bị mang tầm quốc gia, vùng và địa phương, kể cả các sàn giao dịch công nghệ điện tử để phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu kết nối cung cầu về công nghệ...