Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiến hành ca ghép gan cho người bệnh. (Ảnh: LAN HƯƠNG)
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiến hành ca ghép gan cho người bệnh. (Ảnh: LAN HƯƠNG)

Hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy hoạt động hiến, ghép bộ phận cơ thể người

Sau gần hai thập kỷ thực hiện, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ở nước ta đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là chưa tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động có ý nghĩa này.

Để khắc phục, Bộ Y tế đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng và lấy ý kiến đóng góp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trên tinh thần bám sát thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu phát triển, tôn trọng và phục vụ nhân dân.

Chia sẻ về công tác hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta, thời gian qua, PGS, TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, tính từ ngày 4/6/1992 đến 10/6/2025, cả nước thực hiện được tổng số 10.027 ca ghép tạng. Nhiều nhất là ghép thận (9.071 ca), rồi đến ghép gan (804 ca), ghép tim (132 ca), còn lại là ghép phổi, ghép thận-tụy, tim-phổi, ruột…

Năm 2024, ghép tạng đã trở thành một trong các sự kiện tiêu biểu của ngành y tế Việt Nam với các kết quả nổi bật, như: đạt kỷ lục về số ca hiến tạng sau khi chết não (41 ca), cao hơn số ca hiến tạng của ba năm trước (năm 2021, 2022, 2023); thực hiện ghép tim-gan đồng thời đầu tiên tại Việt Nam từ người hiến sau chết não; thực hiện ca ghép khí quản từ người cho chết não, một kỹ thuật hiếm gặp trên thế giới. Đáng chú ý, tính đến ngày 23/6/2025, cả nước đã có 133.530 người đăng ký hiến tạng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng ở nước ta thời gian qua gặp không ít khó khăn, bất cập. Đó là cách thức để người dân đăng ký hiến tạng (online hoặc trực tiếp) còn khó khăn về phần mềm, điểm tiếp cận, trong khi công nghệ thông tin trong quản lý đăng ký hiến tạng, danh sách chờ, điều phối ghép tạng, quản lý số liệu hiến và ghép, báo cáo, phản hồi hạn chế; chưa có đầy đủ quy trình kỹ thuật của hoạt động hiến, lấy, ghép tất cả các tạng để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng khung giá cho các quy trình; thanh toán từ bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2007. Luật được xây dựng trên quan điểm vì mục đích nhân đạo, không vì mục đích thương mại, đã tạo cơ sở pháp lý cho cá nhân thực hiện hoạt động hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình và các cơ sở y tế thực hiện hoạt động ghép giúp cứu chữa, duy trì sự sống cho nhiều người bệnh bị mắc các bệnh suy mô, tạng. Qua 19 năm thực hiện luật, đến nay đã có 31 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện lấy, ghép một trong sáu bộ phận cơ thể người. Đã có 12 ngân hàng mô được thành lập (một số ngân hàng tế bào gốc)...

Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ, thực tiễn trình độ công nghệ, nhu cầu người bệnh và yêu cầu quản trị đã thay đổi căn bản, cho nên quá trình thực hiện luật hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành. Do vậy, việc sửa đổi là yêu cầu khách quan và cấp thiết, phù hợp tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đòi hỏi pháp luật phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu phát triển, tôn trọng và phục vụ nhân dân.

Thực tiễn hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề chưa được luật hiện hành điều chỉnh hoặc chưa điều chỉnh đầy đủ. Đó là chưa có cơ chế tài chính đồng bộ cho toàn bộ chuỗi hoạt động hiến, lấy, vận chuyển, bảo quản, ghép; chẩn đoán chết não - điều kiện tiên quyết để xác định khả năng hiến còn phức tạp, kéo dài, thiếu quy chuẩn để dễ áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh; tỷ lệ hiến từ người chết não vẫn rất thấp, trong khi hơn 90% số tạng được ghép hiện nay vẫn đến từ người hiến sống, gây ra nhiều thách thức về đạo đức và pháp lý. Trong khi đó, hoạt động tư vấn, điều phối ghép tạng chưa được luật hóa đầy đủ, thiếu chính sách đào tạo, công nhận và đãi ngộ; quy trình đăng ký hiến tạng còn phức tạp, chưa thân thiện và khó tiếp cận với đa số người dân.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, Bộ Y tế đang phối hợp các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng và lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Việc sửa đổi luật lần này được kỳ vọng như một nội dung đột phá thể chế, bảo đảm tính khả thi, nhất quán, tạo nền tảng pháp lý bền vững, nhân văn và hiệu quả cho ghép tạng - một lĩnh vực y học tiên tiến đang ngày càng mang lại nhiều cơ hội sống cho người bệnh với hàng nghìn người mỗi năm. Chính vì vậy, luật được sửa theo hướng cho phép người dưới 18 tuổi và người chết tim hiến mô, tạng; đơn giản hóa điều kiện lấy mô, tạng; giảm tiêu chuẩn thời gian trong chẩn đoán chết não; xây dựng cơ chế tài chính, chính sách…

Việc đóng góp ý kiến vào dự thảo luật lần này sẽ làm rõ về đánh giá sự tác động xã hội, đạo đức và pháp lý khi mở rộng phạm vi đối tượng hiến mô, tạng, nhất là với nhóm người dưới 18 tuổi và người chết tim để bảo đảm sự đồng thuận xã hội, tính khả thi khi triển khai, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống nhân văn của dân tộc. Đồng thời xây dựng được các giải pháp kỹ thuật, pháp lý và quản lý nhằm đơn giản hóa nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ quy trình chẩn đoán chết não, trong đó có thể nghiên cứu phân tuyến áp dụng tiêu chuẩn, giao quyền chuyên môn phù hợp cho các bệnh viện đủ năng lực.

Đặc biệt, phải xây dựng được hệ thống tổ chức điều phối hiến-ghép tạng thống nhất, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ số hiện đại; trong đó cần làm rõ vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Điều phối quốc gia và các đơn vị vệ tinh, bảo đảm liên thông, dữ liệu đồng bộ, phản ứng nhanh trong quá trình điều phối và phân bổ nguồn tạng. Mặt khác, có cơ chế bảo vệ người hiến, bảo đảm tôn trọng ý chí tự nguyện, bí mật thông tin, không thương mại hóa; kịp thời tôn vinh, động viên và lan tỏa tinh thần hiến tặng nhân văn trong xã hội.

Xem thêm