Y bác sĩ hiến máu trong bối cảnh lượng máu dự trữ tại trung tâm huyết học- truyền máu bị thiếu hụt.
Y bác sĩ hiến máu trong bối cảnh lượng máu dự trữ tại trung tâm huyết học- truyền máu bị thiếu hụt.

“Blouse trắng - Trái tim hồng”

Sáng 11/7, hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Huế đã tham gia hiến máu tình nguyện trong chương trình “Blouse trắng - Trái tim hồng”.

Trung tâm Huyết học-Truyền máu của Bệnh viện Trung ương Huế hiện cung ứng máu cho 10 bệnh viện tại thành phố Huế và các tỉnh, thành phố chung quanh.

Theo thống kê, Trung tâm cần ít nhất 4.500 đơn vị máu mỗi tháng, nhưng tháng 6 chỉ tiếp nhận được 2.700 đơn vị. Trong 10 ngày đầu tháng 7, thu được 800 đơn vị.

Bác sĩ chuyên khoa II Tôn Thất Minh Trí, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Tình trạng thiếu máu kéo dài đang đe dọa gián đoạn điều trị, nhất là các ca cấp cứu, bệnh nhân mạn tính và sản phụ nguy cơ cao”.

Dịp hè thường xảy ra khan hiếm máu do sinh viên các trường đại học ở Huế (lực lượng hiến máu chính) về quê nghỉ hè. Năm nay, nguồn bổ sung từ các phường, xã cũng bị gián đoạn do quá trình sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Hội Chữ thập đỏ các địa phương vì thế cũng chưa thể vận động hiến máu.

“Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế đã kịp thời tham gia hiến máu để duy trì đủ nguồn máu phục vụ công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân, nhất là trong các thời điểm nguồn máu khan hiếm. Chúng tôi muốn lan tỏa nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người trong cộng đồng, đến mọi người dân để bảo đảm nguồn máu luôn được cung ứng đầy đủ”, Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, thành phố Huế đã tổ chức 68 đợt hiến máu, thu được 16.627 đơn vị, trong đó có hơn 2.900 đơn vị tiểu cầu. Tuy nhiên, do thời hạn bảo quản máu ngắn (28–42 ngày), ngành y tế cần nguồn cung đều đặn, thay vì dồn vào các đợt cao điểm.

“100% lượng máu về Trung tâm Huyết học-Truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế là từ nguồn hiến máu tình nguyện. Khi lịch bị gián đoạn như Tết, dịp hè thì hệ thống gần như không có nguồn thay thế”, ông Lê Thanh Hải, Phó phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Huyết học-Truyền máu cho biết.

Để chủ động nguồn máu cứu chữa bệnh nhân, Trung tâm đã liên hệ nhiều cơ quan, lực lượng trên địa bàn, tuy nhiên lượng bổ sung vẫn chưa đủ. Bệnh viện đang phải kêu gọi người nhà bệnh nhân cho máu, đổi máu. Theo đó, người bệnh cần máu nhóm A, nhưng người nhà có máu nhóm B thì bệnh viện hỗ trợ đổi. Máu người nhà sẽ được bảo quản, giữ lại để cứu chữa cho người khác. “Phương pháp này chỉ hiệu quả với những bệnh nhân ở gần, là người địa phương. Còn bệnh nhân ở tỉnh xa đến thì khó áp dụng”, một bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ.

Trong đợt hiến máu sáng 11/7, có nhiều người tự nguyện tham gia mà không cần kêu gọi, trong đó có anh Văn Đình Thoại, bảo vệ tại bệnh viện, đã hơn 20 lần hiến máu. “Tôi không làm được việc gì lớn, nhưng khi thấy bệnh nhân chờ máu thì tôi tham gia”, anh nói.

Bác sĩ, nhân viên y tế hiến máu cứu người đã trở thành thông lệ. Phong trào hiến máu nội bộ là hoạt động thường xuyên tại bệnh viện. Nhiều cá nhân được khen thưởng từ cấp tỉnh và Trung ương Hội Chữ thập đỏ. Có những bác sĩ đã hiến máu không dưới 50 lần, vì “hiến máu chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe và thể trạng”, Bác sĩ chuyên khoa II Tôn Thất Minh Trí nói. Trong nhiều ca phẫu thuật thiếu máu, y, bác sĩ đã không ngần ngại lấy máu của mình truyền trực tiếp cứu sống bệnh nhân.

Hiện Trung tâm Huyết học-Truyền máu tiếp tục duy trì các điểm tiếp nhận tại chỗ và lưu động. Trong quý III/2025, Hội Chữ thập đỏ sẽ phối hợp tổ chức các đợt hiến máu theo kế hoạch. Người đủ sức khỏe từ 18 đến 60 tuổi đều có thể tham gia hiến máu. Người hiến được khám sức khỏe, bảo đảm an toàn và cấp giấy xác nhận để sử dụng máu khi cần.

Ngành y tế kêu gọi các trường học, cơ quan, đoàn thể khẩn trương khôi phục lịch hiến máu định kỳ để bảo đảm nguồn cung liên tục, tránh tình trạng thiếu máu kéo dài, không chỉ với các bệnh viện ở Huế mà cả khu vực

Xem thêm