Người dân địa phương tranh thủ bắt cáy, don khi vào mùa.
Người dân địa phương tranh thủ bắt cáy, don khi vào mùa.

Hiệu quả kép từ rừng ngập mặn Xuân Thủy

Vùng bãi bồi cửa sông ven biển thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Ninh Bình) là vùng đất ngập nước đầu tiên ở Đông Nam Á được công nhận có tầm quan trọng quốc tế (thứ 409) theo Công ước Ramsar.

Vị trí giao thoa giữa sông-biển đã tạo nên sự đa dạng của hệ thống lạch triều, các loài thủy sinh phát triển phong phú, góp phần quan trọng phát triển kinh tế địa phương.

Hơn 15.000ha rừng ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy như một lá chắn xanh tự nhiên phòng chống thiên tai và tạo sinh kế cho người dân địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, du lịch thời gian qua chưa được tổ chức theo chuỗi với quy mô lớn. Nỗ lực xây dựng thương hiệu để được công nhận Vườn di sản ASEAN được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo khu vực này.

Sinh kế từ rừng ngập mặn

Đến vùng đất ngập mặn Xuân Thủy những ngày này, du khách sẽ thấy tấp nập hoạt động thu mua hải sản ở các vựa đầu mối với đủ loại tôm, cua, ngao, cáy mật. Các hộ nuôi trồng thủy sản khu vực đầm ven biển bắt đầu vào mùa thả giống, “gối đầu” cho vụ thu hoạch tới.

Nằm ven con đê nhỏ chạy xuyên qua khu ngập mặn là căn chòi của ông Trần Văn Huấn và ông Ngô Đức Đang (xã Giao Minh), hai trong số những người đầu tiên ở xã nuôi thủy sản theo mô hình quảng canh (thức ăn chủ yếu từ tự nhiên, ít gây hại đến môi trường), đến nay đã được hơn 30 năm.

Với 6ha diện tích đầm ngoài bãi, gia đình ông Đang thả các giống cá, cua, tôm thuận theo nguồn nước, nguồn thức ăn từ tự nhiên; sau 3-4 tháng đã có thể thu hoạch với giá trị kinh tế cao.

Mô hình nuôi quảng canh-bán thâm canh mang lại hiệu quả do tận dụng nguồn thức ăn từ phù du, nếu thời tiết thuận lợi, thả giống tôm, cua theo hình thức gối vụ thì các nông hộ thu hoạch quanh năm. Hơn 10ha đầm phía trong bãi, trung bình gia đình ông Đang thu về khoảng 400 triệu đồng/năm, những mùa được lộc nước có thể thu tới 2 tấn tôm, mang lại tiền tỷ.

Mặc dù tiết kiệm chi phí nhưng nông dân nuôi đầm lâu năm cho biết, cái khó nhất của mô hình nuôi quảng canh là việc lấy nước. Những đầm có diện tích nhỏ phù hợp lấy nước từ tự nhiên, nhưng chẳng may lấy phải vệt nước xấu có thể gây chết cả đầm; đầm diện tích lớn càng khó do phải tính toán hãm mực nước ra, vào phù hợp.

Ông Đang kể: “Những năm gần đây, tôm, cua hay bị chết hàng loạt do một số đầm lấy phải nguồn nước xấu. Vào dịp nông dân phun thuốc trừ sâu trên đồng ruộng, bị trôi xuống cửa sông, nếu không để ý lấy nước vào đầm cũng khiến thủy sản chết”.

Ông Huấn cũng chia sẻ, với 6ha đầm ngoài bãi, có thu hoạch tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào kinh nghiệm lấy nước, đầm nhỏ thì phải gây nuôi tảo, nếu lấy nước tùy tiện sẽ làm vỡ tảo, chết tôm. Bên cạnh đó, ngoài việc dùng máy đo độ mặn của nước cần có kinh nghiệm để tỷ lệ nước đầm và nguồn nước tự nhiên tương thích, nhiều khi phải lấy nước ở tầng đáy mới bảo đảm độ mặn, dinh dưỡng, phù du không gây sốc cho tôm, cá.

Cũng như ông Huấn, gia đình ông Nguyễn Văn Nam (xã Giao Hòa) nuôi ngao, hàu trên 4ha đầm từ nhiều năm nay, những năm được mùa, gia đình ông thu về khoảng 1 tỷ đồng. Vào mỗi độ tháng 5, tháng 6, hai vợ chồng ông Nam còn tranh thủ bắt cáy mật, có thêm thu nhập từ 500.000-700.000 đồng/ngày.

Cơ hội phát triển từ danh hiệu "Vườn di sản ASEAN"

Vùng đất ngập nước Xuân Thủy những năm qua cũng mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân sinh sống ven biển, ven rừng. Các hộ dân ba xã thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy ngoài trồng lúa đã mở rộng nuôi trồng thủy sản trên đầm, thu mua hải sản hoặc bắt cáy mật, cua...

Xóm 3, xã vùng đệm Giao Minh, có 445 hộ, Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Tươi cho biết, khu vực ngập mặn mang lại nguồn sinh kế tốt cho người dân đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản gối vụ quanh năm. Mùa hoa sú, vẹt, hoa bần nở rộ, các hộ nuôi ong đem thùng ong đến khu vực này, hình thành thương hiệu mật ong sú, vẹt tự nhiên của vùng Xuân Thủy.

Phó Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy Vũ Quốc Đạt cho biết, Xuân Thủy có hệ sinh thái đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nuôi trồng thủy sản. Vườn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, thôn, xóm tuyên truyền để mỗi người dân tăng cường ý thức gìn giữ, bảo tồn rừng ngập mặn, phát triển sinh kế bền vững. Tuy nhiên, khu vực này cũng đang chịu nhiều áp lực từ việc sử dụng bãi bồi, diện tích mặt nước tự nhiên để khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Các hoạt động du lịch chủ yếu mang tính tự phát, chưa có đề án phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; cơ sở hạ tầng, phương tiện phục vụ bảo tồn đa dạng và du lịch xuống cấp, thiếu đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Lãnh đạo Vườn kiến nghị tạo cơ chế thí điểm về chi trả dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng, hấp thụ carbon; phát huy các nguồn lực để xây dựng đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy Doãn Cao Cường cho biết, vườn đang nỗ lực đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là “Vườn di sản ASEAN” trong năm 2025, trở thành khu bảo tồn có tầm quan trọng trong khu vực, bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển, nhất là các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Đây cũng là xu hướng kết nối di sản thế giới ASEAN trong thời đại số và quảng bá du lịch Việt Nam nhằm thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Việt Nam có số lượng vườn di sản nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với 12 vườn được công nhận. Bộ đang xây dựng mạng lưới kết nối các vườn di sản ASEAN trong nước nhằm thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chia sẻ quyền lợi ích trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

Xem thêm