Khi mưa xuống, đường lên điểm khai thác vàng thành dòng suối lớn với nguy cơ lũ quét rất cao.
Khi mưa xuống, đường lên điểm khai thác vàng thành dòng suối lớn với nguy cơ lũ quét rất cao.

Hậu truy quét "vàng tặc" ở Sơn La: Trở lại điểm nóng Suối Chát

Phóng viên đã trở lại bản Suối Chát, xã Gia Phù, tỉnh Sơn La, nơi cách đây hơn 1 tuần có 60 đối tượng khai thác vàng trái phép bị lực lượng chức năng bắt giữ. Thời điểm lúc đi nắng gắt và khi về thì mưa to với nguy cơ lũ quét. Đoàn có xe máy hỗ trợ được 1/3 chặng đường, phần còn lại phải cuốc bộ, men theo lối mòn khó đi…

Khu vực khai thác vàng trái phép nằm dưới chân núi, được che chắn kín đáo bởi cây rừng và địa hình hiểm trở. Nếu không có người dẫn đường, không thể phát hiện dấu hiệu bất thường. Nhưng khi tiến sát, một “công xưởng” hiện ra: Hang được khoét sâu vào lòng núi, cửa hang vào được chống đỡ bằng những thanh sắt chữ V, khi vào phải khom người.

Bên trong có hệ thống chiếu sáng bằng bóng điện vẫn còn treo lủng lẳng. Dây điện được kéo từ máy nổ đặt cách đó vài trăm mét ở phía ngoài. Quạt thông gió, hệ thống ống hút khí, bình nén khí, hệ thống đường dẫn nước... còn nguyên vết hoạt động.

Clip theo chân cán bộ xã Gia Phù lên kiểm tra khu vực khai thác vàng trái phép.

Những thiết bị kéo đất đá, thùng phuy nhựa, bao tải quặng, các dụng cụ tách vàng, vật dụng sinh hoạt như xoong nồi, tất cả đều được tổ chức rất quy mô. Có cả điện thoại nội bộ để liên lạc giữa trong và ngoài hang. Dấu vết cho thấy đây là một dây chuyền đã vận hành chuyên nghiệp suốt thời gian dài.

ndo_tr_1.jpg
Từ trung tâm xã lên điểm khai thác vàng trái phép đi được xe máy khoảng 1/3 chặng đường.

Một góc lán tạm còn lổn nhổn những chiếc bát ăn cơm, bao mì gói, quần áo ẩm mốc, vật dụng sinh hoạt. 60 con người ở các tỉnh khác sống, ăn, “làm việc”, ngủ và moi lòng đất lấy quặng vàng ngay tại đây.

Giờ đây, toàn bộ những tang vật, số quặng đang khai thác cùng lán trại... của các đối tượng khai thác vàng trái phép đang được tạm giao cho xã Gia Phù trông coi và bảo vệ.

ndo_tr_21.jpg
Đường lên phải đi qua những đoạn suối với những tảng đá kích cỡ khác nhau rất khó đi.

Sau khi hoạt động khai thác vàng bị phát hiện, địa điểm này được xã Gia Phù lập chốt bảo vệ. Hơn một tuần qua, lực lượng công an, dân quân xã thay nhau túc trực trong rừng, nơi sóng điện thoại phập phù, không điện lưới, không nước sạch và đầy rẫy nguy cơ sạt lở mỗi khi mưa xuống.

ndo_tr_24.jpg
Ngay sau khi lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng khai thác vàng trái phép, xã Gia Phù đã chủ động căng dây và cắm các biển thông báo cho người dân không ra vào khu vực này.

Từ hôm lực lượng chức năng bắt giữ 60 đối tượng khai thác vàng trái phép, Đại úy Đinh Văn Hiếu, công an xã cùng 5 người khác được giao nhiệm vụ túc trực ở khu vực này. Dù sinh hoạt khó khăn, đi lại nguy hiểm, nhưng các cán bộ túc trực ở đây luôn đề cao trách nhiệm.

ndo_tr_23.jpg
Khu vực lán ở của các đối tượng khai thác vàng trái phép.

Đại úy Đinh Văn Hiếu, cho biết: Anh em ở đây chia ca trực, cứ 3 tiếng về đêm thay nhau tuần tra quanh khu vực và nghe tiếng chó sủa là anh em lại dậy kiểm tra (chó của các đối tượng nuôi). Ở khu vực này sợ nhất là sét đánh hoặc mưa lớn với nguy cơ lũ quét. Mục tiêu là bảo đảm an toàn và bảo vệ tang vật. Hôm nào trời mưa to, anh em đã có phương án sẽ di chuyển lên phía trên cao…

ndo_tr_5.jpg
Cửa hang dẫn vào bên trong của khu vực khai thác vàng trái phép.

Bà Hà Thị Kim Thư, Bí thư Đảng ủy xã Gia Phù, cho biết: “Cùng với chỉ đạo lực lượng thường trực trên khu vực khai thác vàng trái phép, xã còn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản, không khai thác, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản trái phép dưới bất kỳ hình thức nào”.

“Đảng ủy xã cũng đã có các văn bản, tổ chức họp quán triệt cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành, tuyệt đối không bao che, dung túng, móc nối, tiếp tay cho hoạt động khai thác vàng trái phép, kể cả là người thân, họ hàng. Nếu phát hiện đảng viên vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật”. Bà Hà Thị Kim Thư, Bí thư Đảng ủy xã Gia Phù thông tin thêm.

ndo_tr_6.jpg
Đường hầm dẫn vào bên trong hang, nơi các đối tượng khai thác quặng trái phép.

Dữ liệu, hình ảnh tại hiện trường cho thấy hoạt động khai thác vàng trái phép không phải là hành vi bột phát, mà được tổ chức chặt chẽ. Nhóm khai thác chia ca rõ ràng, luân phiên ngày đêm. Có người chuyên hậu cần, chuyên cảnh giới, người làm vàng. Lán trại, bếp nấu, khu vực nghiền quặng và chế tác vàng… đều được thiết kế kỹ lưỡng.

ndo_tr_8.jpg
Phía dưới đường hầm dẫn vào bên trong là đất, cát lẫn những kim loại óng ánh.

Một chỉ vàng ở thời điểm hiện tại hơn 10 triệu đồng, nhưng để lấy được 1 chỉ vàng, người đào vàng phải móc từng bao đất, đãi từng mét khối bùn, trộn hóa chất, đun nấu, chắt lọc và đổi lại là sức khỏe, an toàn tính mạng và cả vấn đề pháp lý.

Thi thoảng đã có những đoàn công tác của sở này, ngành kia và do cả đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách khối làm trưởng đoàn đi kiểm tra, rà soát sau khi có thông tin báo chí hoặc người dân phản ánh, nhưng để rồi sau đó vẫn không giải quyết được vấn đề, tài nguyên vẫn bị đánh cắp...?

ndo_tr_9.jpg
Hệ thống đường ống dẫn nước từ ngoài vào bên trong hang.

Trước đây đã có người chết trong hang vì ngạt khí, có người nhiễm độc thủy ngân vì tách vàng thủ công tại khu vực Suối Chát. Nhưng vì cơn khát kim loại quý khiến họ bất chấp. Giờ đây, nhiều người không chỉ coi vàng là một biểu tượng của giàu sang, mà giờ đây chính là thứ kim loại đang kéo không ít người vào hố sâu bóng tối.

ndo_tr_7.jpg
Hết đoạn đường hầm là một cánh cửa sắt có khóa ngăn cách với khu vực bên trong hang.

Bản Suối Chát không phải là điểm duy nhất khai thác vàng trái phép. Trên địa bàn Tây Bắc nói chung, tại tỉnh Sơn La nói riêng tình trạng khai thác vàng trái phép đã tồn tại nhiều năm, bùng phát theo từng đợt khi công tác kiểm tra lỏng lẻo, khi lợi ích nhóm che mờ ranh giới pháp luật.

ndo_tr_16.jpg
Một góc phía bên trong hang rất rộng với những khu vực đầy nước và theo cán bộ xã có chỗ hố sâu chừng 5m.

Câu chuyện ở bản Suối Chát không hề nhỏ, nó không mới, nhưng đáng sợ bởi sự tinh vi, dai dẳng và liều lĩnh. Từ đây có thể thấy nếu chúng ta buông lỏng việc giám sát núi rừng trong vài ngày hay vài tháng thì câu chuyện như ở bản Suối Chát sẽ tiếp tục phát sinh.

ndo_tr_13.jpg
Những chiếc Aptomat điện được gắn trên vách hang, khu vực nghiền quặng.

Cũng từ thực tế cho thấy, không thể để cấp xã đơn độc trong cuộc chiến với tội phạm khoáng sản, cần phải thiết lập cơ chế cảnh báo sớm, giám sát bằng công nghệ.

ndo_tr_14.jpg
Khu vực nghiền quặng phía bên trong hang.

Tại một số cuộc họp do lãnh đạo tỉnh Sơn La trực tiếp chỉ đạo, nhiều ý kiến của người đứng đầu một số sở, ngành chuyên môn vẫn “bao biện” với những lý do phân cấp, phân quyền để đẩy quả bóng trách nhiệm cho cán bộ cấp cơ sở, nhưng lại quên rằng đó lại chính là trách nhiệm của ngành mình trong việc tham mưu, quy hoạch, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản…

Thậm chí, tại một cuộc họp do trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chủ trì và chỉ đạo sau phản ánh của Báo Nhân Dân, thì câu chuyện về vàng mới "vỡ lẽ": Thời gian qua, những người đứng đầu tỉnh không được báo cáo và thông tin về tình trạng khai thác vàng trái phép?

ndo_tr_17.jpg
Một trong nhiều viên quặng nằm rải rác trong hang.

Nhiều câu hỏi đặt ra: Khi một nhóm liều lĩnh tìm vàng giữa rừng sâu, thì tại cơ sở vẫn có những người âm thầm giữ rừng, giữ đất và tài nguyên đất nước bằng chính sự kiên cường và lòng tin không lay chuyển phải đối đầu với bao nguy hiểm và cả cám dỗ nhưng trên hết họ đã vượt qua.

ndo_c_15.jpg
Những dụng cụ được các đối tượng khai thác vàng trái phép sử dụng để đựng bột quặng sau khi nghiền nhỏ.

Qua câu chuyện "vàng tặc" ở Suối Chát, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của chính quyền cấp xã, những người từ nơi khác vừa nhận nhiệm vụ để cùng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp ở Gia Phù.

Dù chưa gắn bó với địa bàn, với từng mét đất, từng con suối, từng nóc bản, bắt đầu về xã từ ngày 1/7, nhưng đội ngũ lãnh đạo xã Gia Phù đã thể hiện rõ quan điểm, trách nhiệm của mình trước “cơn sóng vàng tặc”.

ndo_tr_18.jpg
Nhiều máy móc được các đối tượng trang bị để hỗ trợ việc khai thác vàng trái phép phía bên trong hang.

Xã Gia Phù với lực lượng mỏng và điều kiện hạn chế, nhưng lại chính là tuyến đầu trong việc phát hiện, báo cáo lãnh đạo tỉnh về việc khai thác vàng trái phép. Cũng là những người tiếp cận, phong tỏa và duy trì kiểm soát hiện trường sau khi lực lượng chức năng đưa các đối tượng ra khỏi địa bàn.

ndo_tr_12.jpg
Tổ công tác của xã dùng những tấm tôn đậy lên phía trên 1 chiếc hố sâu chừng 3 mét để bảo đảm an toàn.

Trong những ngày qua, trực tiếp chứng kiến sự xuất hiện liên tục và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo xã Gia Phù tại thực địa Suối Chát hay tại các cuộc họp trên bàn giấy không chỉ mang tính hành chính mà còn thể hiện tinh thần dấn thân, trách nhiệm của bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp mới gần dân, bám địa bàn và không ngại va chạm.

ndo_tr_11.jpg
Một chiếc hố sâu 3 mét phía bên trong hang do các đối tượng khai thác vàng đào để lấy quặng.

Không có thiết bị chuyên dụng, không có lực lượng cơ động hùng hậu như các cấp khác, cán bộ xã Gia Phù chỉ có duy nhất thứ “vũ khí” là sự đoàn kết, lòng quyết tâm và kinh nghiệm thực tiễn bám dân, bám đất.

ndo_tr_3.jpg
Một trong những khu vực phía bên ngoài hang với chiếc bàn rung để các đối tượng sử dụng cho việc khai thác vàng trái phép.

Điều đáng nói, các cán bộ xã của bộ máy mới đang phải vừa thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn khai thác vàng trái phép, vừa phải duy trì công tác hành chính, dân sinh tại cơ sở. Đó là một gánh nặng không dễ chia sẻ nếu thiếu đi sự phối hợp, tiếp sức từ các ngành liên quan và lãnh đạo tỉnh phụ trách mảng khoáng sản.

ndo_tr_19.jpg
Lực lượng túc trực gia cố lại những tấm biển thông báo do mưa to gây lũ lớn, nguy cơ cuốn trôi tấm biển báo.

Bà Ninh Thị Tâm Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gia Phù, cho biết: Chúng tôi không có nhiều người. Cán bộ xã xoay tua trực chiến, đêm ngủ trong lán giữa rừng, ngày băng suối, nấu ăn trên lán để bảo vệ tang vật và tài nguyên khoáng sản. Nhưng nếu không có mặt ở đó, hiện trường sẽ bị xóa dấu vết, máy móc bị tẩu tán và tài nguyên sẽ tiếp tục bị khai thác.

ndo_tr_4.jpg
Cán bộ túc trực trên lán nấu ăn tối từ những dụng cụ nấu ăn được tận dụng lại của các đối tượng khai thác vàng trái phép.

Câu chuyện khai thác vàng trái phép ở bản Suối Chát là minh chứng rõ ràng rằng: Cấp xã, đặc biệt là chính quyền địa phương 2 cấp mới nếu được trao quyền, được hỗ trợ và đặt trong một cơ chế giám sát phù hợp, họ có thể hoàn toàn trở thành tuyến phòng thủ vững chắc trước các hành vi vi phạm tài nguyên rừng và tài nguyên khoáng sản.

ndo_tr_25.jpg
Đoàn công tác của xã Gia Phù vội vã di chuyển về trung tâm do mưa to với lượng nước lớn từ rừng đổ về, nguy cơ gây lũ quét.

Khi ngồi với chiếc bàn phím máy tính bàn để viết bài này cũng là lúc ngoài trời mưa to và nhận được thông tin phía trên khu vực bản Suối Chát cũng đang mưa rất to, nước trên rừng kéo về rất lớn với nguy cơ gây sạt lở khu vực lán ở của các cán bộ xã đang túc trực ở đó.

Nhìn đồng hồ 23 giờ 16 phút, tôi bấm điện thoại gọi trao đổi cùng Đại úy Đinh Văn Hiếu với nội dung trò chuyện câu được, câu không do sóng điện thoại phía trên khu vực túc trực phập phù, được biết: Anh em ở đó cũng đang canh lũ với tinh thần sẽ di chuyển lên khu vực cao hơn nếu mưa to gây lũ lớn...

Xem thêm