Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ dân quân du kích Kỳ Phương Tưởng Thị Diên (người cầm hoa) vinh dự được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 15/5/1969.
Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ dân quân du kích Kỳ Phương Tưởng Thị Diên (người cầm hoa) vinh dự được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 15/5/1969.

Gặp lại nữ Tiểu đội trưởng anh hùng bên đèo Ngang năm ấy

Một chiều hè tháng Bảy, xứ Nghệ nắng như thiêu đốt. Các địa phương đang bắt đầu vận hành theo chính quyền 2 cấp và ngày 27/7 - dịp cho nhiều hoạt động của sự tri ân và tưởng nhớ cũng đang đến gần.

Tôi quyết định lên xe khách rời Vinh vào đất Kỳ Anh bên đèo Ngang lịch sử. Người thương binh của đất Kỳ Anh nghèo khó nhưng ngoan cường mà tôi sẽ gặp gỡ, chuyện trò là Tưởng Thị Diên - Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ dân quân du kích Kỳ Phương thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người thương binh ấy đã dâng hiến sắc xuân, cống hiến tuổi trẻ và hy sinh một phần máu thịt trong đạn bom ác liệt vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Những kỳ tích của tiểu đội dân quân anh hùng

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ viện cớ “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” để dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, đặc biệt là vùng Khu 4. Kỳ Phương là địa bàn gần đèo Ngang, có nhiều khe suối, cầu cống, vị trí giao thông huyết mạch, lại có bờ biển để địch dễ lợi dụng đột nhập, tập kích, đánh phá.

Kỳ Anh là cung đoạn cuối của tuyến vận chuyển từ Hà Tĩnh nên chúng tập trung dồn bom đạn nhằm chặn đứng huyết mạch giao thông chi viện từ miền bắc hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền nam, tập trung đánh phá suốt ngày đêm, đặc biệt là khu vực Kỳ Phương gần đèo Ngang.

z6825075561157-5bf9ee982cbfbcc5acc167821d4738c2.jpg
Ba thành viên Tiểu đội nữ dân quân du kích Kỳ Phương.

Cùng với phong trào toàn dân làm giao thông vận tải, lực lượng vũ trang Kỳ Anh đã sôi nổi thực hiện phong trào “Thi đua bắn rơi nhiều máy bay Mỹ”, “bắt sống giặc lái Mỹ”, nhất là trong các đơn vị dân quân tự vệ. Tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu dũng cảm là dân quân các xã Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Tân…

Tiểu đội nữ dân quân Kỳ Phương được thành lập ngày 3/4/1968 gồm 9 người tuổi đời từ 17 đến 19: Tưởng Thị Diên - Tiểu đội trưởng, Trần Thị Lan - Tiểu đội phó, Nguyễn Thị Bích, Trần Thị Hy, Lê Thị Loan, Trịnh Thị Công, Lê Thị Xiên, Phùng Thị Hồng và Hoàng Thị Vân.

Giữa những ngày tháng khốc liệt bởi bom đạn của kẻ thù dày xéo nơi phía nam đất trời xứ Nghệ, người dân quân du kích bé nhỏ ấy, người Tiểu đội trưởng can trường ấy đã làm nên những kỳ tích.

Thứ nhất, trực tiếp chỉ huy cả tiểu đội nữ dân quân đánh trả máy bay và bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Trong những năm chiến đấu vô cùng ác liệt đó, bà và các đồng chí, đồng đội luôn mang trong tim tình yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường để tình nguyện, sẵn sàng dấn thân vào những nơi hiểm nguy nhất.

Thứ hai, lập kỷ lục bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Với vũ khí chủ yếu là súng trường, súng máy 12,7mm, súng cao xạ 14,5mm, tiểu đội của bà đã lập nên kỷ lục hiếm có là bắn rơi nhiều máy bay Mỹ bằng vũ khí bộ binh. Chiến tích này được ghi nhận trong báo cáo thành tích chiến đấu của quân và dân tỉnh Hà Tĩnh và lực lượng vũ trang Quân khu 4 khi một trong 5 tiểu đội đã bắn rơi 5 chiếc máy bay và làm hư hỏng nhiều chiếc khác.

Thứ ba, bám trận địa 120 ngày đêm liên tục dưới mưa bom, bão đạn. Năm 1968, trong chiến dịch bắn phá quy mô lớn của không quân Mỹ, Tiểu đội nữ dân quân Kỳ Phương đã ngoan cường, dũng cảm bám trận địa 120 ngày đêm liên tục, thay nhau không rời vị trí chiến đấu bất chấp mưa nắng, ngày đêm trong bom đạn. Dù có nhiều khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt đời thường, nơi ăn chốn nghỉ của một tiểu đội nữ, bà Diên vẫn là người chỉ huy luôn động viên đồng đội chịu khổ, chịu khó kiên cường cầm cự, trực tiếp chỉ huy và chiến đấu ngay các ụ súng giữa trận địa pháo để bảo vệ an toàn dọc bờ biển Kỳ Anh và trên trục Quốc lộ 1A cho tuyến đường vận tải vào nam.

z6825075555805-f8a45ea66d4449cedc013106b3667736.jpg
Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ dân quân du kích Kỳ Phương Tưởng Thị Diên.

Thứ tư, vượt mưa bom đi tải đạn, cứu đồng đội và dân thường. Không chỉ lập chiến công trên mặt trận phòng không, bà Diên cùng đồng đội còn ghi dấu ấn bằng lòng quả cảm trong những lần vượt bom đi tải đạn, băng qua những khu vực vừa bị bom dội để vận chuyển thương binh về tuyến sau và cứu dân thường.

Thứ năm, Tiểu đội của bà được tặng danh hiệu “Tiểu đội nữ dân quân xuất sắc toàn miền bắc”. Những chiến công oanh liệt của Tiểu đội nữ dân quân Kỳ Phương đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Quốc phòng ghi nhận. Bản thân bà Diên là người chỉ huy của tiểu đội được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn miền bắc”, được Chủ tịch nước tặng “Huân chương Chiến công hạng Nhì”. Tiểu đội do bà chỉ huy được tặng danh hiệu “Tiểu đội dân quân xuất sắc toàn miền bắc” và đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Người Tiểu đội trưởng ấy dù chỉ với thân hình nhỏ bé nhưng bà là biểu tượng của lòng quả cảm và biểu trưng cho một khát vọng hòa bình, cho khí phách của phụ nữ Việt Nam thời chiến.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, vùng đất của quân và dân ta chống lại cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc của không quân, hải quân Mỹ (1964-1972), bộ đội phòng quân-không quân bắn rơi máy bay bằng tên lửa, pháo phòng không là điều không ai lạ. Nhưng dân quân du kích ở các địa phương mà bắn rơi, bắn cháy được máy bay ném bom hiện đại của Mỹ chỉ bằng súng 12,7mm, súng trường cá nhân là điều mà không quân Mỹ không nghĩ tới. Những nữ dân quân quê mùa nhỏ bé, chân yếu tay mềm, không hề được học qua các trường lớp huấn luyện quân sự mà dũng cảm, tự tin cầm súng ra trận địa pháo để “săn” và “săn được” máy bay ném bom trong làn mưa bom bão đạn thì đó là một kỳ tích, một minh chứng hùng hồn cho hình thái một cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ Việt Nam.

Trong những năm tháng chiến đấu vô cùng ác liệt, hiểm nguy trên dải đất ven quốc lộ, ven bờ biển phía nam tỉnh Hà Tĩnh, dưới sự chỉ huy của bà Diên, tiểu đội dân quân nữ Kỳ Phương (thời ấy họ còn gọi nôm na là “Tiểu đội 12 ly bảy”) chỉ với một số khẩu súng đại liên, trung liên, súng trường cá nhân, với chiến thuật khôn ngoan mang tên “bắn chẻ đầu” bằng cách phân tán hỏa lực tập trung vào đầu máy bay để có thể hạ máy bay hiện đại của Mỹ khi bay ở tầm thấp.

Trong 27 ngày, từ 26/7/1968 đến 21/8/1968, tiểu đội của bà đã độc lập bắn hạ 3 máy bay của Mỹ và phối hợp các lực lượng khác ở Kỳ Anh bắn rơi 12 chiếc máy bay Mỹ - một kỳ tích với một đội nữ dân quân du kích lúc bấy giờ.

Trong quá trình trực chiến để “săn” máy bay Mỹ, bà Diên và nhiều đồng đội trong tiểu đội đã gồng mình trong làn bom đạn của kẻ thù bởi bom bi từ máy bay ném bom và đạn súng máy từ các máy bay trực thăng Mỹ khi quay trở lại trận địa tìm kiếm máy bay ném bom bị hạ, phi công nhảy dù bị bắt.

Trong một trận chiến, bà đã bị thương trong tư thế đang đứng chỉ huy khẩu đội súng 12,7mm tại trận địa pháo trên cao điểm Động Ba thôn Quyết Tiến vào ngày 20/6/1968. Bà được đưa về trạm y tế Kỳ Long băng bó tạm thời xong là chuyển lên bệnh viện huyện ở xã Kỳ Hoa điều trị. Ra viện, bà tiếp tục quay lại trận địa tham gia chiến đấu. Trong “Giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh” mà bà đang lưu giữ có ghi: thương tật hạng 4/4, 21%.

z6825076506759-cf129ff214d85e53fc241d756fa911c0.jpg
Giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh của bà Tưởng Thị Diên.

Khi tôi đến thăm nhà riêng ở phường Kỳ Phương (nay là phường Hoành Sơn), bà vẫn còn lưu giữ rất nhiều giấy tờ gốc, giấy khen, giấy chứng nhận của các cơ quan và một số tấm ảnh đen trắng được các phóng viên chụp bà đang trò chuyện với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, ảnh của các phóng viên chiến trường chụp bà Diên và tiểu đội dân quân Kỳ Phương trên trận địa pháo Quyết Tiến.

Tôi ấn tượng với tấm ảnh mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện chụp bà và 8 cô gái dân quân với tuổi đời từ 17 đến 19 trong quân phục với nụ cười rạng rỡ, phía sau lưng họ là nền cát trắng chang chang của biển Kỳ Phương - trận địa mà tiểu đội của bà đã bám trụ kiên cường để bắt giặc lái Mỹ phải đền tội.

Hạnh phúc lớn nhất là được gặp Bác Hồ ở Hà Nội

Khi tâm sự cởi mở với bà Diên về câu chuyện bà được mời ra Thủ đô gặp Bác Hồ, tôi đã bộc bạch với bà rằng, ngày xưa từ thuở học sinh cấp 1, cấp 2 của tụi cháu, chỉ có những bạn nào mà học giỏi huyện, đạt thành tích xuất sắc trong học tập và tu dưỡng thì hằng năm vào dịp sinh nhật Bác 19/5 hay Quốc khánh 2/9, các bạn đó mới được nhà trường, địa phương thưởng cho một món quà quý là được ra Thủ đô thăm viếng lăng Bác hoặc về thăm làng Sen quê Bác.

Trò chuyện say sưa với tôi, bà Diên mở lòng rằng, tiểu đội dân quân của bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đó là hạnh phúc lớn bởi nó là thành quả của rất nhiều đồng đội được nhà nước ghi nhận và vinh danh, là công sức của nhiều mồ hôi và máu của các lực lượng vũ trang địa phương, trong đó có Tiểu đội dân quân nữ Kỳ Phương.

Nhưng niềm vui lớn nhất của bà là ngày 15/5/1969, bà là một trong 2 nữ đại biểu tiêu biểu của miền trung được gặp Bác Hồ và bà được chọn là người báo cáo thành tích với Bác. Lúc bấy giờ, bà Diên là nữ dân quân tròn 20 tuổi, nhập ngũ lúc 17 tuổi, chưa bao giờ ra khỏi đất Hà Tĩnh và bà nghĩ không bao giờ có cơ hội được ra Hà Nội. Nên được ra Thủ đô và được gặp Bác Hồ, đó là điều mà bà không bao giờ dám nghĩ tới.

Tại Trạm 66 của Bộ Quốc phòng, bà tuôn trào cảm xúc khi được gặp Bác. Lúc đó sức khỏe và thể trạng của Bác đã gầy yếu đi nhiều nhưng khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt sáng trong và nụ cười trìu mến mà Bác đã dành cho bà và nhiều đại biểu có mặt hôm đó, với bà Diên đó là một hạnh phúc vô bờ bến.

Bác đã dành cho bà Diên lời khen “Người thì nhỏ như hạt mít mà đánh giặc giỏi ghê”. Bác Hồ còn dặn dò, nhắc nhở bà là “Không được thỏa mãn. Phải cố gắng hơn nữa”.

Bác Hồ tặng tôi “Huy hiệu Bác Hồ” và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng bộ quân phục. Trong một lần về thăm Hà Tĩnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe chuyện về tiểu đội chúng tôi, Đại tướng đã tặng tôi chiếc bi-đông đựng nước làm kỷ niệm”, bà Diên kể thêm.

huy-hieu-bac-ho.jpg

Những món quà bình dị nhưng cao quý đó đã được bà Diên dành tặng Bảo tàng Quân khu 4 để trưng bày và giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử và lòng yêu nước.

Vừa chuyện trò với tôi, bà lục trong cuốn sách “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Kỳ Anh” (1945-2012) của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, bìa màu đỏ tấm ảnh đen trắng chụp bà Diên cùng với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mắt bà rớm lệ bảo tôi: “Tôi lấy làm tiếc nuối vì sau lần gặp gỡ Bác Hồ khoảng hơn 3 tháng thì biết tin qua Đài Tiếng nói Việt Nam là Bác đã mất. Tôi và cả tiểu đội dân quân Kỳ Phương đã bàng hoàng và ôm nhau khóc như trẻ nhỏ”.

Người thương binh luôn nặng tình với đồng đội, nặng nghĩa với quê hương

Sau chiến tranh, bà tiếp tục phát huy bầu nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm thời là chỉ huy tiểu đội dân quân Kỳ Phương lui về hậu phương, tham gia đóng góp phần sức lực còn lại để cống hiến hiệu quả cho các tổ chức đoàn thể của địa phương. Bà từng làm Bí thư Đoàn xã (1974-1979), Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kỳ phương (1979-1980). Khi đến tuổi nghỉ hưu, bà Diên vẫn là thành viên tích cực của Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh xã Kỳ Phương.

Bác Hồ tặng tôi “Huy hiệu Bác Hồ” và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng bộ quân phục. Trong một lần về thăm Hà Tĩnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe chuyện về tiểu đội chúng tôi, Đại tướng đã tặng tôi chiếc bi-đông đựng nước làm kỷ niệm”, bà Diên kể thêm.

Vì vậy, năm 2010, khi địa phương thực hiện di dân để tái định cư để xây dựng nông thôn mới, bà đã chủ động, tích cực đi vận động bà con vui vẻ thực hiện chủ trương để xóm làng ngày càng rộng mở, khang trang, thông thoáng. Để làm gương cho nhiều người, bà đã chủ động tiên phong dỡ bỏ hàng rào, hiến đất để khai thông, mở lối, dọn đường.

Bà tâm sự, việc cống hiến cho quê hương thì dù là thời chiến bom rơi đạn nổ hay trong thời bình cũng là vẻ vang. Chỉ khác nhau về tuổi tác và sức khỏe, còn nhiệt huyết của bà với quê hương thì không có gì thay đổi.

Trong số 9 đồng chí, đồng đội của tiểu đội nữ dân quân Kỳ Phương thuở ấy, đã có 2 người hy sinh là bà Hoàng Thị Văn bị bom bi cắt, bà Trần Thị Hy bị bệnh vì vết thương, có 3 người đi xây dựng kinh tế mới ở miền nam và còn 4 người đang sinh sống ở địa phương là bà Diên và bà Trần Thị Lan, Hoàng Thị Bích, Phùng Thị Hồng.

z6825076033843-be8d7f340ea23391727aeac291939d09.jpg
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoành Sơn cùng Hội Liên hiệp phụ nữ nữ phường Hoành Sơn tới thăm bà Tưởng Thị Diên và các nữ dân quân Kỳ Phương năm xưa nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7).

Ông Hoàng Xuân Thủy - chồng bà là Thượng sĩ quân y, là bệnh binh của trung đoàn ở Khe Lang (Can Lộc) cũng đã mất năm 2008. Tuy hoàn cảnh gia đình bà còn nhiều khó khăn, chỉ một người con gái lấy chồng ở xã, còn 2 con đang đi làm tận Bình Dương và Quảng Ninh, nhưng hằng năm, bà vẫn duy trì quyên góp quỹ hỗ trợ giúp các đồng đội cùng vượt qua khó khăn, cùng vươn lên trong cuộc sống.

Không chỉ là chứng nhân của lịch sử thời chiến, bà Diên còn là một tuyên truyền viên tích cực với nhiều trường học trên địa bàn, là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Nhiều năm qua, cứ mỗi khi đến các ngày lễ kỷ niệm, đặc biệt là ngày 30/4 và 22/12, bà thường đến nhiều trường học trên địa bàn để cùng với các nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống, nói chuyện chuyên đề để truyền cảm hứng tình yêu quê đất nước và ý chí vượt khó, vượt khổ để vượt hoàn cảnh, vươn lên trong học tập cho các em học sinh.

bi-dong-bac-giap.jpg

Nhiều lớp học sinh ở xã Kỳ Phương đã lớn lên, được bồi đắp về tri thức, trưởng thành hơn về nhận thức từ những buổi trò chuyện gần gũi, mộc mạc, thân tình với người nữ dân quân năm xưa. Những câu chuyện, tình tiết giản dị, rất đời thường nhưng đầy ý nghĩa về cuộc chiến sinh tử năm nào vẫn luôn được sống động qua từng lời tái hiện của bà, trao truyền tới các em bài học về sự hy sinh, lòng dũng cảm, ý chí khát vọng hòa bình và tình yêu quê hương đất nước.

Trong thời đại hòa bình, hình ảnh người nữ dân quân dũng cảm, can trường năm xưa vẫn là ngọn lửa không bao giờ tắt trong lòng nhân dân Kỳ Phương năm xưa, Hoành Sơn của tỉnh Hà Tĩnh hôm nay.

Bà Diên tuy nhỏ bé về thể hình, yếu về thể lực và mang trên mình nhiều di chứng của chiến tranh mỗi khi trái gió trở trời nhưng người thương binh ấy là một minh chứng sống động cho những giá trị nhân văn và là người truyền cảm hứng cho phụ nữ xã Kỳ Phương không chỉ trong thời chiến mà trong cả thời bình.

Chiều 9/7/2025, rời căn nhà nhỏ của nữ dân quân Kỳ Phương năm xưa, nhìn phía nam là dãy Hoành Sơn hiên ngang, hùng vĩ, vườn rau mà người thương binh già hằng ngày nuôi trồng, chăm bón đang xanh tươi đầy sức sống giữa vùng đất sỏi đá, khô cằn, khí hậu khắc nghiệt.

Gần 60 năm qua và chiến tranh đã lùi xa. Tiểu đội nữ dân quân anh hùng ngày ấy, nay người còn, người mất, người đã hy sinh vì bom đạn, người đã mất vì bệnh binh, người thì mang thương tật suốt đời. Dù mỗi người một hoàn cảnh, nhưng các chị em vẫn thường gặp nhau để ôn lại chuyện cũ, hỏi thăm nhau về cuộc sống, góp quỹ để hỗ trợ, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện cuộc sống. Với bà Diên, tình đồng chí, đồng đội thời gian khó luôn thiêng liêng, tình quê hương luôn sâu đậm.

Bà Tưởng Thị Diên là một trong những chứng nhân lịch sử một thời hoa lửa, một thời đạn bom, một thời hòa bình. Nhắc lại những ký ức đau thương nhưng anh hùng của bà và các đồng đội năm xưa để thêm trân quý nền hòa bình mà thế hệ chúng tôi đang thụ hưởng. Ôn lại một thời gian khó, hiểm nguy để thêm trân trọng, ghi nhớ, ghi ơn những sự cống hiến, hy sinh của những con người đã làm nên lịch sử, góp phần nhỏ bé cho những thắng lợi lớn lao để đất nước đến ngày toàn thắng.

Hình ảnh những nữ dân quân Kỳ Phương thuở ấy là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy sống xứng đáng với sự hy sinh của cha anh, không ngừng học tập, phấn đấu, rèn luyện và cống hiến vì sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hoành Sơn đã và đang từng ngày thay da, đổi thịt

Vùng cực Nam của tỉnh Hà Tĩnh ngày xưa từng là miền biên viễn xa xôi, “ống gió, chảo lửa, túi mưa”. Con đường thiên lý ra Bắc vào Nam vắt qua dãy Hoành Sơn ăn ngang ra biển từng là điểm dừng chân của bao tao nhân mặc khách, đi vào thơ ca nhạc họa, nơi Bà huyện Thanh Quan thế kỷ XVIII đã để lại những vần thơ bất hủ:

“Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta”.

Dưới chân Đèo Ngang bây giờ là hầm đường bộ xuyên núi Hoành Sơn hiện đại thay cho con đường đèo cheo leo, hiểm trở vắt qua lưng núi đã từng khiến bao tài xế lo sợ mỗi khi vượt đèo.

Hôm nay, Kỳ Phương đã là tên một phường mang tên của dãy núi đèo Ngang - phường Hoành Sơn đang thay đổi từng ngày. Thay cho sự hoang vu, cằn cỗi của đất, quê hương của tiểu đội dân quân anh hùng Kỳ Phương năm xưa đã hiện hữu những con đường bê-tông rộng dài xuyên qua nhiều góc phố của một đô thị trẻ trên Quốc lộ 1A, đang được tiếp tục dựng xây và nối dài.

Dòng sông Trí năm xưa nước như xanh hơn hàng cây hai bờ tạo nên điểm nhấn đô thị 2 bên bờ sông của phường Hưng Trí mới. Trên những trận địa pháo năm xưa bị cày nát trong bom đạn, Khu kinh tế Vũng Áng với sự đầu tư lớn làm kiến trúc cảnh quan đô thị, cơ sở hạ tầng từng bước được khởi sắc. Những nhà máy mới mọc lên trong Khu công nghiệp Vũng Áng như Nhà máy luyện thép Formosa, Nhà máy nhiệt điện, Nhà máy pin Vinfast, Nhà máy ô tô điện Vinfast, cảng nước sâu Vũng Áng… Đêm đêm, ánh điện của trung tâm công nghiệp Formosa lung linh, huyền ảo đã làm sáng cả một góc trời phía bắc của Đèo Ngang, làm thay đổi diện mạo, cảnh quan nơi đã từng trải qua nhiều năm bom rơi, đạn nổ trong chiến tranh.

Có lẽ như là một sự bù trừ và bù đắp của lịch sử và cuộc sống, dải đất ven Quốc lộ 1A ở phía bắc đèo Ngang, cực nam của Hà Tĩnh trong lịch sử đã chịu quá nhiều gian khó bởi địa hình chênh vênh, lồi lõm, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai liên miên của miền đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.

Kỳ Anh nói chung, xã Kỳ Phương nói riêng là miền đất được xem là nghèo khó và khắc nghiệt nhất Hà Tĩnh. Đây cũng là quê hương phải chịu đựng quá nhiều đạn bom, mất mát, đau thương trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đất nghèo sinh ra những anh hùng và những người anh hùng đã làm rạng danh cho quê hương anh hùng. Người Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên và các nữ đồng đội dân quân Kỳ Phương năm xưa là một trong những chứng nhân của lịch sử. Nơi những người nữ anh hùng đó xả thân trong bom đạn, dũng cảm trong chiến đấu để bắn hạ uy thế của không lực Hoa Kỳ, nơi đó bây giờ còn là biểu tượng cho hòa bình và phát triển, biểu trưng cho sự ngoan cường vươn lên từ gian khổ, thiếu thốn để làm nên một Khu kinh tế công nghiệp Vũng Áng - trung tâm kinh tế ngày càng phát triển bên dãy Hoành Sơn kỳ vĩ ngày đêm nghe rì rào thông reo, sóng vỗ.

z6825077541263-99270bc4d00a6c23b31b16b3a9a91c13.jpg
Tác giả trò chuyện tại nhà riêng bà Tưởng Thị Diên chiều ngày 9/7/2025.

Anh Nguyễn Hồng Cương - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hoành Sơn cho biết: “Cảm ơn thầy giáo dạy sử từ thành Vinh đã vào với Kỳ Anh để đồng cảm, sẻ chia với anh em chúng tôi. Sau sáp nhập, hệ thống chính quyền cấp xã còn nhiều bề bộn, ngổn ngang, cần nhiều việc phải làm. Vấn đề công sở, cơ sở vật chất, nhân sự đang dần phải hoàn chỉnh, ổn định và vận hành. Dù tên gọi phường Kỳ Phương không còn nhưng phường mới mang tên Hoành Sơn vẫn mang nhiều dấu ấn của lịch sử văn hóa phía bắc đèo Ngang. Chúng tôi luôn tự hào về Tiểu đội nữ dân quân Kỳ Phương - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, về nữ Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên đã góp một phần nhỏ cho sự thắng lợi lớn lao của quê hương, đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương là điểm tựa, là bệ phóng để địa phương tiếp tục kế thừa, phát huy, phát triển trong xây dựng miền đất gian khó này ngày tươi đẹp hơn trong tình hình mới, thời cơ mới, vận hội mới.

Xem thêm