Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Gia Lai quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn và nguy cơ lây lan từ các tỉnh giáp ranh, chính quyền tỉnh Gia Lai đã có những chỉ đạo quyết liệt, huy động toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm kiểm soát, khống chế và xử lý triệt để dịch bệnh, bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống người dân.

Tiềm ẩn nguy cơ lan rộng

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có các địa phương giáp với Gia Lai như Đắk Lắk và Quảng Ngãi. Tại Gia Lai, một số ổ dịch đã được ghi nhận ở các xã, phường, với số lượng lợn mắc bệnh phải tiêu hủy lên tới hàng trăm con.

Đáng lo ngại hơn là tình trạng một số người dân thiếu hiểu biết hoặc cố tình vứt xác lợn chết ra sông, suối, mương dẫn nước, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lan truyền dịch bệnh một cách nhanh chóng, vượt khỏi khả năng kiểm soát thông thường.

Tình hình dịch bệnh không chỉ đe dọa đàn vật nuôi, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng nghìn hộ chăn nuôi, chuỗi cung ứng thực phẩm, giá cả thị trường và an toàn vệ sinh dịch tễ.

Đồng chí Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh đã ban hành Công điện 01/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền 135 xã, phường trên địa bàn tỉnh khẩn trương vào cuộc, hành động bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, không để dịch bệnh lan rộng.

Trong đó, các địa phương phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt tập trung bao vây khoanh vùng, tiêu độc khử trùng, lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy lợn bệnh, tổ chức chôn lấp đúng kỹ thuật, kiểm soát ra vào vùng dịch.

z6823567739814-a0228a54b8ea863ed2051e477146e11c.jpg
Xử lý lợn bị bệnh do dịch tả Châu Phi.

Các cơ quan chức năng tại xã phải tăng cường kiểm tra, phối hợp ngành chăn nuôi và thú y, công an để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Không được phép xảy ra tình trạng giấu dịch, giết mổ, vận chuyển hoặc buôn bán lợn mắc bệnh. Hành vi vứt xác lợn ra môi trường bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

“Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp xã phối hợp với các trạm chăn nuôi và thú y khu vực, công an tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ và hướng dẫn, chỉ đạo xử lý lợn chết, lợn mắc bệnh theo quy định; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch hoặc giết mổ, bán chạy heo bệnh, đặc biệt là xử lý thích đáng hành vi vứt xác heo chết do dịch ra môi trường. Chống dịch không chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, mà là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị từ thôn, làng, tổ dân phố đến cán bộ, đoàn thể”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp nhấn mạnh.

Thiết lập biện pháp kiểm soát chặt chẽ

Để kiểm soát luồng vận chuyển động vật, tỉnh đã thành lập bốn chốt kiểm dịch liên ngành đặt tại các tuyến giao thông trọng yếu: Chốt Bình Đê trên Quốc lộ 1A, chốt Song An trên Quốc lộ 19, chốt Ia Khươl và Ia Le trên Quốc lộ 14. Các chốt hoạt động 24/24 giờ liên tục trong 30 ngày, kể cả ngày lễ và cuối tuần, làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ, phun khử trùng, hướng dẫn và ngăn ngừa dịch từ bên ngoài xâm nhập.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tổ chức đoàn công tác trực tiếp xuống các xã có ổ dịch để giám sát việc tiêu hủy lợn bệnh, khử trùng môi trường, hướng dẫn người dân quy trình khai báo và xử lý khi phát hiện lợn có dấu hiệu mắc bệnh. Việc báo cáo định kỳ mỗi tuần được yêu cầu thực hiện nghiêm, giúp tỉnh có căn cứ để điều chỉnh chỉ đạo và bổ sung nguồn lực ứng phó kịp thời.

z6823567739813-1d319e30bc4b69b291776739c9071715.jpg
Người dân rất có ý thức tiêu hủy lợn bị bệnh.

Tại phường An Nhơn Đông, địa phương đã phát hiện một ổ dịch lớn tại tổ dân cư Háo Đức. Hộ ông Nguyễn Đình Thơ buộc phải tiêu hủy 202 con lợn, bình quân 100kg/con, tổng cộng hơn 20 tấn lợn. Đây là trường hợp điển hình cho thấy tinh thần xử lý dứt điểm, không để dịch lan rộng.

Ngoài ra, chính quyền địa phương đã khoanh vùng, khử trùng, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân, đặc biệt là hộ chăn nuôi, để chủ động giám sát đàn lợn, khai báo kịp thời, tránh hoang mang và không tự ý bán lợn bệnh ra thị trường.

Điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch tại Gia Lai là sự đồng thuận và ý thức cao của người dân. Tại nhiều thôn làng, các tổ tự quản, đoàn thể đã chủ động giám sát môi trường, hỗ trợ xử lý xác lợn theo hướng dẫn, vận động hộ dân không vứt rác thải chăn nuôi ra kênh rạch.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, ngành chức năng đã triển khai hàng loạt hội nghị tuyên truyền, phát tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật khử trùng chuồng trại, quy trình xử lý lợn bệnh, thủ tục khai báo dịch và cách xử lý điểm dịch. Nhiều hộ chăn nuôi tuy chịu thiệt hại, nhưng vẫn chấp hành quy định, thể hiện tinh thần vì cộng đồng, không vì lợi ích cá nhân mà gây hại chung.

Tỉnh Gia Lai xác định, phòng chống dịch tả lợn Châu Phi không chỉ là biện pháp tình thế, mà là quá trình củng cố năng lực hệ thống phòng dịch từ tỉnh đến cơ sở, từ chính quyền đến người dân. Qua đợt dịch, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm, quy trình xử lý nhanh, xây dựng nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững, không phụ thuộc vào phản ứng thụ động mà hướng tới quản lý chủ động theo vùng dịch và nguy cơ.

Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch, dịch tả lợn Châu Phi tại Gia Lai là một phép thử với năng lực quản lý địa phương, tinh thần trách nhiệm của chính quyền và sự gắn kết của cộng đồng.

Với sự vào cuộc đồng bộ, tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và sự chia sẻ của người dân, tỉnh Gia Lai từng bước kiểm soát tình hình, xử lý các điểm nóng, giữ vững an toàn chăn nuôi và bảo vệ môi trường sống. Cuộc chiến chống dịch còn nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm toàn diện, Gia Lai nhất định kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Xem thêm