Cán bộ thú y đưa lợn dịch bệnh ra khu vực bãi sông Trà Khúc xử lý vì không có nơi chôn lấp, tiêu hủy.
Cán bộ thú y đưa lợn dịch bệnh ra khu vực bãi sông Trà Khúc xử lý vì không có nơi chôn lấp, tiêu hủy.

Tỉnh Quảng Ngãi thiếu nơi xử lý, tiêu hủy lợn dịch bệnh

Hơn một tuần qua, tỉnh Quảng Ngãi bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Số lượng lợn dịch bệnh tăng nhanh nhưng nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi không có nơi tiêu hủy, xử lý lợn dịch bệnh và thiếu thiết bị phòng chống dịch khiến nhiều xã, phường gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Phường trung tâm không có nơi xử lý lợn dịch bệnh

Hơn hai tuần qua, tại phường Nghĩa Lộ, phường đô thị trung tâm tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Chính quyền địa phương và lực lượng thú y đã thu gom xử lý lợn bệnh và hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý chuồng trại, phòng dịch lan rộng.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, dịch bệnh tiếp tục bùng phát và lan rộng trên địa bàn phường. Chỉ trong hai ngày 17-19/7 dịch tả lợn xảy ra tại 11 hộ với hơn 80 con nhiễm bệnh. Gần 5 tấn lợn bệnh cần tiêu hủy để tránh lây lan đàn chăn nuôi và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do không có nơi chôn lấp, xử lý, các cán bộ thú y phường mang lợn chết xử lý, chôn lấp tại bãi sông Trà Khúc gần khu vực trung tâm tỉnh Quảng Ngãi.

“Chúng tôi thấy xe chở lợn chết ra khu vực bờ sông Trà Khúc để xử lý. Đây là khu vực trung tâm tỉnh Quảng Ngãi, sông Trà Khúc nguồn nước chính nhưng lại mang lợn chết ra bãi sông xử lý sẽ ô nhiễm nguồn nước lâu dài rất nguy hiểm”, anh Võ Thanh Nhân ở phường Nghĩa Lộ bức xúc.

Phường Nghĩa Lộ là đô thị trung tâm tỉnh Quảng Ngãi, có dân số đông với nhiều khu dân cư tập trung. Khi dịch xuất hiện, địa phương đã tổ chức tiêu hủy, đưa lợn bệnh chôn lấp tại một số khu vực. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát, lợn chết nhiều cán bộ địa phương đưa ra khu vực bên ngoài chôn lấp, xử lý bị người dân cản trở. Vì vậy, hiện phường Nghĩa Lộ không có nơi chôn lấp, xử lý lợn dịch bệnh.

“Việc lựa chọn địa điểm để làm hố chôn tiêu hủy, gặp rất nhiều khó khăn. Khi ít thì xử lý được nhưng số lượng nhiều người dân trong khu vực phản ứng vì cho rằng gần khu dân cư. Hiện nay, phường Nghĩa Lộ không có địa điểm để làm hố chôn tiêu hủy đàn lợn bị dịch bệnh”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nghĩa Lộ Trần Đình Trường cho biết.

Tại phường Cẩm Thành, đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Ngãi, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hơn một tuần qua, trên địa bàn phường dịch lợn châu phi xảy ra ít nhất tại 5 hộ chăn nuôi với hơn 20 con lợn nhiễm bệnh. Hiện vẫn còn một số lợn bệnh chưa thể tiêu hủy, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đô thị. Là phường trung tâm tỉnh Quảng Ngãi, phường Cẩm Thành có mật độ dân cư đông nhưng hiện không có quỹ đất đảm bảo cho việc chôn cất tiêu hủy đảm bảo theo quy định.

“Chúng tôi kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương khảo sát các xã, vùng lân cận có quỹ đất đảm bảo cho việc chôn, tiêu hủy để hỗ trợ cho các phường trung tâm khi dịch bệnh lan rộng”, Chủ tịch phường Cẩm Thành Nguyễn Văn Hưng đề nghị.

Cần hỗ trợ các địa phương chống dịch khẩn

Từ đầu tháng 7 đến nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lan rộng tại nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Hàng nghìn con heo buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.

Tại nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trong những ngày qua. Tại các phường, xã Trương Quan Trọng, Nghĩa Hành, Thiện Tín, Tư Nghĩa… dịch tả lợn châu Phi lan rộng. Đến nay, trên 20 xã, phường của tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với dịch bệnh trên diện rộng, hàng nghìn con heo buộc phải tiêu hủy.

ndo_br_heo-5.jpg
Người dân vứt lợn bị dịch bệnh trên kênh mương.

Từ đầu tháng 7 đến nay tại xã Nghĩa Hành đã có hơn 600 con lợn bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi, với tổng trọng lượng khoảng 30 tấn. Chính quyền các địa phương đang khẩn trương triển khai biện pháp khoanh vùng, tiêu độc khử trùng, hỗ trợ người dân tái đàn và khôi phục chăn nuôi. Tuy nhiên, do khối lượng lợn nhiễm bệnh quá lớn nên công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng người dân vứt heo chết nghi mắc bệnh dịch tả ra sông, suối, kênh mương nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước nghiêm trọng.

Các xã, phường tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện tiêu hủy đàn lợn; sử dụng hóa chất, vôi bột tổ chức khử trùng, tiêu độc môi trường xung quanh khu vực hố chôn ngăn chặn dịch lây lan.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không có khu vực tiêu huỷ heo dịch bệnh; không đủ vắc xin, hóa chất khử trùng để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh đang lan rộng.

“Đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hỗ trợ 500 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi hạn chế dịch bệnh lây lan. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nghĩa Lộ Trần Đình Trường kiến nghị.

heo-2.jpg
Nhiều xã, phường thiếu hoá chất, trang thiết bị phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Ngoài việc thiếu hoá chất phòng, chống dịch bệnh, các địa phương còn thiếu trang thiết bị phòng, chống dịch như: Đồ bảo hộ, ủng, khẩu trang, găng tay, bình phun thuốc khử trùng, vôi sống...

“Hiện các trang thiết bị phòng chống dịch chưa được cấp phát và mua sắm, chủ yếu từ tạm ứng mua và mượn”, lãnh đạo một xã cho biết.

heo-1.jpg
Cần hỗ trợ các địa phương chống dịch khẩn cấp.

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan trên diện rộng, tỉnh Quảng Ngãi cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ heo tại vùng dịch. Đồng thời, khẩn trương cung ứng hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch cho các địa phương để ngăn chặn dịch tả lợn bùng phát mạnh.

Xem thêm