Các chân sút Việt Nam gặp bế tắc trong khâu dứt điểm. (Ảnh VFF)
Các chân sút Việt Nam gặp bế tắc trong khâu dứt điểm. (Ảnh VFF)

Dấu ấn của thầy Kim Sang-sik

Từ sự linh hoạt trong chiến thuật đến khả năng tỏa sáng ở mọi vị trí, đặc biệt là “miếng đánh” bóng bổng, Đội tuyển U23 Việt Nam đang cho thấy sự chuyển mình tích cực dưới bàn tay nhào nặn của huấn luyện viên Hàn Quốc.

Vận hành chiến thuật linh hoạt

Dưới thời huấn luyện viên Kim Sang-sik, Đội tuyển U23 Việt Nam thể hiện sự linh hoạt đáng kinh ngạc trong việc điều chỉnh đội hình và chiến thuật, ngay cả khi hiệp 1 chưa trôi qua được một nửa thời gian. Ở trận mở màn với Lào, chiến lược gia Hàn Quốc đã lựa chọn Khuất Văn Khang thi đấu ở biên trái.

Thay vì sử dụng những chân sút thuận chân phải (như Quốc Việt hay Đình Bắc) để tạo ra những pha ngoặt bóng vào vòng cấm dứt điểm, cầu thủ thuận chân trái Văn Khang và hậu vệ Nguyễn Phi Hoàng đã tạo thành hai “mũi khoan” hạng nặng, liên tục khoét sâu xuống đáy biên. Phương án này cho thấy sự hiệu quả khi U23 Việt Nam liên tục tạo ra những tình huống đánh biên trái ấn tượng.

Mặc dù vậy, chỉ sau khoảng 15 phút dồn ép mà chưa thể ghi bàn, thầy Kim lập tức đẩy Văn Khang vào trung lộ, chơi như một tiền vệ con thoi có xu hướng lệch phải. Đội hình lúc này nhanh chóng chuyển từ 3-4-3 về 3-5-2, với Văn Trường đá lệch trái nhiều hơn. Chỉ bốn phút sau khi thực hiện thay đổi, Văn Khang đã có bàn thắng cho mình.

Tới trận đấu gặp Campuchia, quyết định thay người của thầy Kim cũng mang đến hiệu quả rõ rệt. Ngay sau khi đội bạn ghi bàn gỡ hòa, Đình Bắc cùng Thành Đạt được tung vào sân. Cả hai đã phối hợp với nhau để tạo nên bàn thắng ấn định tỷ số 2-1.

Xây dựng tập thể đồng đều

Trong các buổi họp báo sau trận đấu, các phóng viên đã nêu lên vấn đề: Chỉ duy nhất một bàn thắng của Đội tuyển U23 Việt Nam đến từ tiền đạo còn có tới ba bàn được ghi bởi các hậu vệ. Huấn luyện viên Kim Sang-sik khẳng định rằng bất kể ai ghi bàn cũng được, miễn toàn đội giành chiến thắng mới là điều quan trọng nhất. Đồng thời, ông cũng hy vọng các hậu vệ cũng như các cầu thủ khác tiếp tục ghi bàn ở bán kết và chung kết.

Rõ ràng, thầy Kim đang nỗ lực xây dựng lứa U23 phát triển đồng đều, chơi đa dạng và biến hóa. Ở cả hai trận đấu đã qua, thầy Kim đều sử dụng tối đa năm quyền thay người. Chiến lược gia Hàn Quốc rất tích cực điều chỉnh, cũng như tạo cơ hội cho các cầu thủ thể hiện. Mục đích vẫn là giúp toàn đội nhanh chóng bắt nhịp và chơi tốt hơn ở các vòng tiếp theo.

Trận mở màn gặp Lào, Văn Khang ghi bàn với vai trò tiền vệ con thoi. Người kiến tạo lúc ấy là Nhật Minh - trung vệ lệch trái dâng cao. Tình huống đá phạt góc nâng tỷ số lên 2-0 được thực hiện bởi Đình Bắc, chứ không phải cái tên quen thuộc - Văn Trường.

Trong cuộc đọ sức với Campuchia, Văn Khang là người đá phạt góc kiến tạo cho hậu vệ Lý Đức mở tỷ số. Còn hai gương mặt dự bị là Đình Bắc và Thành Đạt cũng nhanh chóng tìm thấy mảnh lưới đối phương sau khi được tung vào sân.

Dù giành được hai chiến thắng là điều đáng mừng, song, vấn đề đáng lo ngại nhất của Đội tuyển U23 Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn là chất lượng những pha dứt điểm cuối cùng của hàng công. Khi các tiền đạo chưa thể chuyển hóa số lượng lớn cơ hội thành bàn, đây hoàn toàn có thể trở thành điểm yếu kéo tụt hy vọng chiến thắng của cả đội.

Tận dụng sức mạnh thể hình

Dù hàng công chưa thể để lại dấu ấn, một trong những ý tưởng chơi bóng rõ nét nhất được cụ thể hóa thành ba bàn thắng chính là các tình huống bóng bổng. Lứa U23 Việt Nam dưới tay thầy Kim là đội hình có chiều cao tốt bậc nhất lịch sử, với tám cầu thủ cao từ 1,8m trở lên, gồm thủ môn Trần Trung Kiên (1,91m), Nguyễn Tân (1,8m), Cao Văn Bình (1,83m), các trung vệ Lê Văn Hà (1,84m), Phạm Lý Đức (1,82m), Nguyễn Hiểu Minh (1,84m), cùng các tiền vệ Nguyễn Văn Trường (1,82m) và Viktor Lê (1,8m).

Sức mạnh thể hình khi kết hợp cùng những chân tạt bóng điệu nghệ cũng nhanh chóng tạo nên hiệu quả. Thủ quân Văn Khang và Đình Bắc đã có cho mình đường kiến tạo sau các tình huống đá phạt góc. Thậm chí, bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 trước Campuchia cũng sử dụng đường treo bóng bổng để rồi Đình Bắc kết thúc bằng một pha đánh đầu.

Bên cạnh bài tập kiểm soát bóng và triển khai tấn công, thầy Kim cũng để lại dấu ấn khi rèn luyện kỹ các học trò ở tình huống cố định. Các pha dàn xếp phạt góc giờ có ý đồ rõ ràng, từ việc phân nhiệm vụ theo vị trí cột gần cột xa, bố trí nhân sự “chim mồi” cũng như di chuyển nắm bắt khoảng trống trong vòng cấm. Dẫu vậy, để bóng bổng thật sự trở thành quân bài chủ lực vẫn là bài toán cần thêm nhiều thời gian.

Đội tuyển U23 Việt Nam đang nắm trong tay một loạt nhân tố có chiều cao trung bình tốt nhất giải. Với những chân tạt bóng điệu nghệ cùng những hậu vệ cao to phía trong, chắc chắn những tình huống cố định sẽ là gợi ý quan trọng để chúng ta phá vỡ thế phòng ngự của đối phương ở những trận đấu tới.

Xem thêm