Thắng lợi của tinh thần, của niềm tin và khát vọng độc lập
Ngược dòng lịch sử, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam Joy Puentes chia sẻ, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh cách mạng của các dân tộc Mỹ La-tinh, trong đó có Cuba, bước vào thời kỳ mới. Tuy nhiên, hàng loạt phong trào của các tầng lớp xã hội ở nước này đều hoặc là bị phá sản, hoặc là bị chính quyền độc tài Batista đàn áp đẫm máu.
Trong bối cảnh đó, đầu năm 1953, một trí thức trẻ có tên Fidel Castro dẫn đầu Phong trào kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Anh hùng Cuba José Martí đã tập hợp hơn 1.000 thành viên, chủ yếu là thanh niên thuộc các tầng lớp bình dân, bí mật chuẩn bị cuộc đấu tranh lật đổ chế độ độc tài Batista.
Vào ngày 26/7/1953, Fidel Castro dẫn đầu hơn 160 thanh niên Cuba yêu nước tổ chức một cuộc tấn công vào Pháo đài Moncada – đại bản doanh quân đội lớn thứ 2 của chế độ độc tài Batista. Pháo đài này nằm ở tỉnh miền đông Santiago de Cuba, cách thủ đô La Habana hơn 1.000km và có hơn 2.000 binh lính đóng quân.
Nếu chiếm được Moncada, lực lượng cách mạng sẽ tiến công một số căn cứ quân sự khác rồi phát động nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng. Mặc dù được chỉ huy tác chiến bài bản, nhưng do nhiều yếu tố ngẫu nhiên và kỹ thuật, cuộc tấn công thất bại, các chiến sĩ cách mạng bị bắt giam và đưa ra xét xử tại Tòa hiến binh.
Tại phiên tòa này, lãnh tụ Fidel Castro đã tự bào chữa, tạo thành văn kiện được xem như Cương lĩnh đầu tiên của Cách mạng Cuba, sau này được xuất bản thành sách mang tựa đề “Lịch sử sẽ chứng minh cho tôi”. Cương lĩnh xác định mục tiêu chống chủ nghĩa đế quốc, chống chế độ độc tài, giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, dân chủ, công bằng xã hội và xây dựng chế độ xã hội của nhân dân lao động.
Theo ông Joy Puentes, mặc dù tại thời điểm đó, cuộc tiến công vào Pháo đài Moncada không mang ý nghĩa quyết định cho cách mạng Cuba song sự kiện này đã mở ra một giai đoạn phát triển mới đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Cuba. Cuộc đấu tranh đã khẳng định một thế hệ chiến sĩ cách mạng mới, trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết và kiên cường nhất định sẽ làm nên thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài của nhân dân Cuba.

Khẳng định cuộc tấn công vào Pháo đài Moncada ngày 26/7/1953 là một dấu mốc lịch sử, mở ra một giai đoạn phát triển mới đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Cuba, ông Joy Puentes nhấn mạnh; “Cuộc tấn công vào Pháo đài Moncada tuy thất bại về quân sự, nhưng là thắng lợi của tinh thần, của niềm tin và khát vọng độc lập. Dù trên chiến trường, các đồng chí khi ấy không thể giành thắng lợi trước một đạo quân áp đảo, nhưng họ mang trong mình lý tưởng lớn, khí phách lớn.
Hành động của họ mang tính định hướng - hành động làm lay động ý chí đấu tranh của nhân dân, khơi dậy sức mạnh tiềm tàng để cả dân tộc vùng lên chống lại sự áp bức. Và cho đến hôm nay, tinh thần, niềm tin và khát vọng độc lập vẫn được truyền lại và là dòng chảy xuyên suốt cho các thế hệ người dân Cuba”.
Ông Joy Puentes cũng dẫn câu nói của Tổng Tư lệnh Fidel Castro đã từng nói về ý nghĩa của Cuộc tấn công vào Pháo đài Moncada: Đó là “một động cơ nhỏ”, nhưng chính nó đã khởi động “động cơ lớn” của toàn dân tộc. Và động cơ ấy, chính là Cách mạng Cuba – một cuộc cách mạng tập thể, quần chúng, toàn dân vùng lên đập tan xiềng xích.
Thế hệ trẻ luôn là lực đẩy của phát triển, đổi mới và sáng tạo
Chia sẻ về tình hình của Cuba hiện nay, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam Joy Puentes cho biết, cách mạng Cuba hiện đang trải qua thời khắc đầy thử thách, đặc biệt sau khi các biện pháp bao vây cấm vận bị siết chặt. Điều đó tác động mạnh tới đời sống nhân dân Cuba, trong đó có thế hệ trẻ. Tuy nhiên, nhờ có giáo dục toàn diện được triển khai từ những ngày đầu Cách mạng nên Cuba là quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó người trẻ tuổi chiếm số lượng rất lớn.
Theo ông Joy Puentes, trong bất kỳ cuộc cách mạng nào, thế hệ trẻ luôn là lực đẩy của phát triển, của đổi mới và sáng tạo. Dù chỉ có gần 9 triệu dân, dân số già hóa và chịu ảnh hưởng bởi di cư, nhưng thế hệ trẻ còn ở lại Cuba hôm nay vẫn đang giữ những vị trí trọng yếu, từ chính trị đến kinh tế, từ khu vực công đến các doanh nghiệp.
“Họ không chờ đợi. Họ hành động. Họ tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, không lệ thuộc vào nhập khẩu hay viện trợ, mà tận dụng chính nội lực, chính điều kiện thực tế để tự mình mở lối đi riêng. Giới trẻ Cuba không chỉ là điểm tựa chính trị, mà còn là lực lượng chủ lực trong lao động, kinh tế, và đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật”, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Cuba Joy Puentes nhấn mạnh.