Báo cáo về lực lượng lao động y tế tại châu Mỹ do Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) vừa công bố, châu lục này đang đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế.
Nghịch lý là, dù sở hữu mật độ trung bình 66,57 trên 10 nghìn dân, vượt ngưỡng 44,5 của WHO, châu Mỹ vẫn gặp nhiều thách thức trong bài toán chăm sóc sức khỏe toàn dân. Lý do là còn tồn tại chênh lệch lớn giữa các quốc gia về tỷ lệ nêu trên.
Cụ thể, Haiti chỉ có trung bình hơn 6 nhân viên y tế trên 10 nghìn dân, Honduras là 7,13 trong khi Cuba và Mỹ vượt bốn lần chỉ số trung bình. Ngoài Haiti và Honduras dưới ngưỡng trung bình 44,5 của WHO, nhiều nước như Nicaragua, Bolivia, Saint Kitts-Nevis, Jamaica, Belize, Guatemala, Venezuela, Saint Lucia, Colombia, CH Dominica và Peru cũng gặp vấn đề tương tự. Khoảng một phần ba số quốc gia tại châu Mỹ không đủ bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Việc hạn chế trong đào tạo, già hóa lực lượng lao động hay di cư và phân bổ không đồng đều làm trầm trọng thêm tình hình hiện nay.
Giám đốc PAHO nhấn mạnh, không thể đề cập khả năng tiếp cận hoặc bao phủ y tế toàn dân nếu không có “các chiến sĩ áo trắng”. PAHO cũng cảnh báo, nếu các chính phủ trong khu vực không can thiệp chính sách, châu Mỹ có thể đối mặt tình trạng thiếu hụt từ 600 nghìn đến 2 triệu nhân viên y tế vào năm 2030, gây nguy hiểm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế toàn dân.
Trong báo cáo của PAHO, Cuba tiếp tục là điểm sáng khi mật độ trung bình nhân viên y tế trên 10 nghìn dân vượt ngưỡng của WHO đến 4 lần, tái khẳng định những thành tựu nổi bật của quốc đảo Caribe trong lĩnh vực này.
Khi Cách mạng Cuba thành công năm 1959, chỉ có khoảng 10% số trẻ em có điều kiện được chăm sóc sức khỏe thường xuyên và khoảng 60% là được sinh ra tại các cơ sở y tế. Để cải thiện, chính phủ Cuba đã nhanh chóng áp dụng chính sách xã hội mang tính tập trung, thúc đẩy tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế, nhất là đối với người nghèo. Cùng với đó, Cuba từng bước hoàn thiện các chương trình y tế cộng đồng, điển hình như mô hình bác sĩ và y tá gia đình.
Liên tục phát triển y học trong nước, Cuba còn kiên định hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế. Các chương trình hợp tác đã định vị Cuba như một “cường quốc của lòng nhân ái”. Từ năm 1959, Cuba đã cử “đội quân áo trắng” tới khoảng 60 quốc gia từ châu Phi, Trung Đông, châu Á và thậm chí là châu Âu, nhất là các nước còn khó khăn về chăm sóc y tế. Một mặt hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và đào tạo nhân viên y tế địa phương, mặt khác, các bác sĩ tình nguyện Cuba tích cực chung tay ứng phó thảm họa thiên nhiên hay các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Cuba nhiều lần khẳng định cam kết thúc đẩy hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân ở mọi quốc gia và sẵn sàng đẩy mạnh cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những nơi cần thiết. Chính vì điều này, nhiều tổ chức coi sứ mệnh ứng phó thảm họa và dịch bệnh nguy cấp của phái đoàn bác sĩ Cuba là thí dụ chân thật nhất về tình hữu nghị quốc tế.
Câu chuyện về thành công của ngành y tế Cuba tiếp tục được nhiều quốc gia cảm phục, trong bối cảnh châu Mỹ vẫn đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế. Tổ chức Y tế liên Mỹ đề xuất tăng cường các hệ thống thông tin nhân lực y tế để theo dõi và lập kế hoạch, thiết kế các chính sách liên ngành nhằm giữ chân nhân tài.