Cơ chế đặc thù tiếp sức cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo thống kê của Sở Tài chính, trong giai đoạn 2019-2024, trung bình mỗi năm, Hà Nội có thêm 28 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới. Trong số đó, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.

Năm 2024, số lượng này chiếm tới hơn 15%. Điều này phản ánh xu hướng chuyển dịch tích cực trong cơ cấu nền kinh tế Thủ đô. Thời gian qua, thành phố đã ban hành một số chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), giúp hình thành nên một hệ sinh thái khởi nghiệp ban đầu, thúc đẩy hoạt động sản xuất, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản trị trong khối DNNVV. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách cũng bộc lộ một số điểm nghẽn do quy mô hỗ trợ chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, thiếu cơ chế liên ngành trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chưa có các công cụ tài chính đủ mạnh để hỗ trợ dài hạn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.

Thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-TW ngày 22/12/2024, nhất là yêu cầu có chính sách đủ mạnh để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ngày 9/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung chi và mức chi đặc thù nhằm hỗ trợ DNNVV trên địa bàn giai đoạn 2026- 2030. Nghị quyết này tập trung vào ba nhóm đối tượng trọng tâm, bao gồm: DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo và công nghiệp công nghệ số; DNNVV khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; và đội ngũ tư vấn viên hỗ trợ DNNVV.

Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhận được những chính sách ưu đãi vượt trội, như được hỗ trợ tới 50% chi phí thuê trang thiết bị tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, với mức tối đa không quá 50 triệu đồng/năm; hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng thuê mặt bằng nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/tháng, tạo điều kiện để doanh nghiệp trẻ hoạt động ổn định trong giai đoạn khởi nghiệp. Học viên thuộc doanh nghiệp khởi nghiệp còn được hỗ trợ tới 70% chi phí tham gia khóa huấn luyện ngắn hạn ở nước ngoài liên quan đến đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ cao...

Dự kiến, trong tháng 9/2025, Sở Tài chính sẽ trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Đề án hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2026-2030. Đề án sẽ bao gồm năm nhóm nhiệm vụ chính với khoảng 80 nội dung hỗ trợ cụ thể, từ công nghệ, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất đến chuyển đổi số và xúc tiến thương mại,... cho thấy quyết tâm chính trị cao của thành phố trong thúc đẩy năng lực sản xuất tư nhân và nền kinh tế tri thức.

Những chính sách này sẽ cụ thể hóa các quy định ưu đãi trong Luật Thủ đô sửa đổi, mở rộng không gian hoạt động cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo dựng hệ sinh thái công nghệ chất lượng cao tại Hà Nội. Điều này không chỉ giúp giữ chân doanh nghiệp trong nước, mà còn thu hút các start-up nước ngoài đang tìm kiếm môi trường tăng trưởng tại Đông Nam Á, từ đó đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức của Thủ đô những năm tới, từng bước khẳng định vị thế trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực của Hà Nội.

Xem thêm