Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu tại hội thảo.

Chung tay tháo gỡ khó khăn từ cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Phản ánh khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật qua thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và đề xuất phương án xử lý” với sự tham gia của đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết hội thảo được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến rộng rãi và thực chất từ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.

“Đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng để Bộ Tư pháp xây dựng Báo cáo rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trình Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật”, ông Tú nói.

Tại hội thảo, đại diện tập đoàn, doanh nghiệp đã tập trung tham gia ý kiến về các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật hoặc giữa các văn bản quy phạm pháp luật; quy định không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau, không hợp lý, không khả thi, gây khó khăn trong áp dụng, thực hiện pháp luật cũng như các quy định tạo gánh nặng chi phí tuân thủ; chưa có quy định hoặc có quy định của văn bản quy phạm pháp luật nhưng hạn chế việc đổi mới sáng tạo, phát triển động lực tăng trưởng mới, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế.

img-9565-7720.jpg
Đại tá Đào Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh đó, đề xuất các phương án xử lý để góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, giúp người dân, doanh nghiệp tận dụng mọi cơ hội góp phần thúc đẩy nhanh nhất tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Theo đại diện Ban Pháp chế của Tập đoàn Viettel, vẫn còn nhiều vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị như quy định trong pháp luật về hủy tư cách của công ty đại chúng, vấn đề định giá, thủ tục định giá doanh nghiệp khi thoái vốn do gặp khó khăn, quy định xác định bảo toàn vốn khi doanh nghiệp triển khai dự án mới phát sinh lỗ...

Cũng theo đại diện này, vẫn còn nhiều quy định của văn bản quy phạm pháp luật không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến khó khăn trong áp dụng, thực hiện pháp luật.

Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn không có định nghĩa về "mục tiêu chính" cũng như cách xác định "mục tiêu chính" của dự án đầu tư ra nước ngoài, không có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài trước ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực (1/1/2021) mà chưa thực hiện xác định, phân chia rõ "mục tiêu chính" và "mục tiêu không phải là mục tiêu chính" trong giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Chính việc thiếu quy định sẽ khiến nhà đầu tư khi triển khai mục tiêu mới không biết phải làm những gì, trình tự, thủ tục thế nào.

Hiện 7/10 thị trường của Viettel có giấy chứng nhận đầu tư được cấp phép trước năm 2020, trong giấy chứng nhận chỉ ghi là "Mục tiêu", điều này khiến Viettel gặp khó khăn khi xác định trách nhiệm đăng ký điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Do đó, tập đoàn đề xuất nghiên cứu, ban hành nội dung hướng dẫn về mục tiêu chính của dự án đầu tư ra nước ngoài để các doanh nghiệp có căn cứ triển khai trên thực tế.

Còn theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN), các quy định pháp luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thủ tục hành chính còn rườm rà chưa khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thiếu ưu đãi tài chính, thương mại, kéo giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp…

Ông Trần Phong Lãm, đại diện Tập đoàn FPT nêu một thực tế, vẫn còn nhiều cơ quan vẫn thực hiện giao dịch bằng giấy mà chưa áp dụng giao dịch điện tử dù đã có quy định. Do đó, cần có cơ chế giám sát quá trình thực hiện. Lấy thí dụ về dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng yêu cầu thanh toán trên 5.000.000 đồng phải chuyển khoản bằng tài khoản công ty.

“Doanh nghiệp chúng ta có hàng nghìn nhân viên. Chỉ cần 1 ngày thôi lượng giao dịch đã rất lớn, mọi chuyển khoản đều thực hiện như vậy rất khó, sẽ gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp”, ông Lãm nói.

Một số ý kiến cũng đề nghị, sắp tới đây khi tiến hành sửa Luật Địa chất và Khoáng sản 2024, cần có những quy định kiến tạo môi trường phát triển bền vững cho ngành khoáng sản. Cùng với đó, cần xem xét cả một số luật có liên quan như luật thuế tài nguyên, luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tránh tình trạng thuế phí trùng lặp hoặc quá cao không khuyến khích doanh nghiệp tham gia khai thác, chế biến sâu.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến xem xét lại các quy định để khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án phát triển đường sắt đô thị.

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đánh giá, từ các ý kiến phản ánh từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, có thể thấy rằng nhiều bất cập, vướng mắc được các doanh nghiệp phản ánh không chỉ xuất phát từ nội dung quy định pháp luật mà còn nằm ở cả khâu tổ chức thực thi pháp luật.

Không ít quy định pháp luật tuy đã được ban hành đầy đủ nhưng việc triển khai áp dụng lại chưa đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các cấp, các ngành… Do vậy, cùng với việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, bản thân khâu tổ chức thực thi pháp luật cũng cần tiếp tục được nghiên cứu để cải thiện.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đồng thời mong muốn cộng đồng doanh nghiệp có thêm nhiều ý kiến phản ánh “đúng’, “trúng” để giúp Bộ Tư pháp hoàn thành báo cáo trình Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật.

“Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đã nhấn mạnh, phải làm đến nơi đến chốn. Do đó, đây không phải là mục tiêu mà là mệnh lệnh chính trị. Bộ Tư pháp và cộng đồng doanh nghiệp chung tay tháo gỡ khó khăn thể chế, chính sách vì sự phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú khẳng định.

Xem thêm