Theo Cục Kiểm tra văn bản và quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp), trong 6 tháng đầu năm 2025, về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thẩm quyền, cục đã tiếp nhận, phân loại 1.177 văn bản để thực hiện kiểm tra, phát hiện văn bản theo 3 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025. Trên cơ sở triển khai nhiệm vụ được giao, cục đã kiểm tra, bước đầu phát hiện 133 văn bản cần xem xét tính pháp lý về thẩm quyền và nội dung.
Thực hiện chỉ đạo chung của cấp có thẩm quyền và để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động xử lý văn bản chưa phù hợp cùng với quy trình sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện pháp luật theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nên trong thời gian qua, cục đã thông báo để các chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện rà soát, tự kiểm tra, xử lý văn bản trên cơ sở kiến nghị của cục mà chưa ban hành kết luận theo quy định.
Đối với công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, cục thường xuyên thực hiện trao đổi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành và địa phương; cử báo cáo viên tham gia các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính”…
Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới, Cục trưởng Hồ Quang Huy cho biết, cục đề xuất sẽ tiếp tục tổ chức triển khai hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và kiểm tra công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, dự kiến từ quý IV/2025, sau khi các bộ, ngành, địa phương cơ bản ổn định tổ chức, cán bộ sau sắp xếp tổ chức bộ máy để bảo đảm thực hiện theo đúng chỉ đạo, kết luận của cấp có thẩm quyền và quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước được giao.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời kiến nghị hoàn thiện pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong công tác của đơn vị, đặc biệt là trong hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản; xác định việc hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm…