Trung tâm thông tin chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông.
Trung tâm thông tin chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông.

Camera AI tự động phát hiện gửi thông báo vi phạm trong 2 tiếng

Trung tâm thông tin chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) là trung tâm quản trị cấp 1 của với những công nghệ hiện đại, kết hợp với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động nhận diện vi phạm giao thông, các hành vi gây rối, lập lại hành trình xe tình nghi gây tai nạn…

Hơn 10 cán bộ, chiến sĩ của Cục Cảnh sát giao thông cùng các đơn vị phối hợp ứng trực, chia thành các ca, bảo đảm hoạt động của Trung tâm 24/7.

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, nhấn mạnh đây là camera AI tự động phát hiện gửi thông báo vi phạm trong 2 tiếng. Có camera AI, cảnh sát giao thông không cần ra đường chặn bắt xe vi phạm đối với rất nhiều hành vi, việc phát hiện hành vi vi phạm được thực hiện tự động, công bằng và khách quan.

Để Trung tâm vận hành tốt, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình cho biết đang từng bước hoàn thiện để có dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". Từ đó, sẽ kết nối các loại dữ liệu và phân tích, sử dụng dữ liệu.

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết Trung tâm thông tin chỉ huy sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, bao gồm cả việc kết nối dữ liệu đăng ký xe, đăng kiểm, thuế, hải quan, y tế và dữ liệu các cục nghiệp vụ khác của Bộ Công an liên quan đến con người và phương tiện.

Về quy mô, đây sẽ là trung tâm tổng kết nối các trung tâm nhỏ từ các địa phương, gồm dữ liệu từ tất cả thiết bị nghiệp vụ của toàn lực lượng cảnh sát giao thông.

Dữ liệu từ các thiết bị sau khi đưa về trung tâm sẽ được hệ thống AI phân tích để nhận diện hành vi, sau đó tự động chuyển sang file quản lý. Lực lượng cảnh sát giao thông trên cơ sở đó sẽ chuyển thông tin vi phạm nhanh nhất tới chủ xe thông qua ứng dụng VNeTraffic.

z6812174464231-00a6601f681fe036940162afcd44950f-8148.jpg
Trung tâm hoạt động 24/7.

Đối với camera AI, sau khi ghi nhận xe vi phạm, hệ thống lập tức trích xuất được ảnh/clip liên quan. Nội dung bao gồm: Tuyến đường, thời gian vi phạm, hành vi…. Trên cơ sở dữ liệu đăng ký xe sẽ nhận diện được ngay chủ xe. Hiện, AI đã có thể nhận diện được khoảng 20 hành vi vi phạm, đang liên tục được phát triển thêm, bao gồm cả ô-tô và xe máy.

Cảnh sát từ đây có thể coi như tuần tra trên môi trường điện tử, với mục tiêu bảo đảm an ninh an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân lên trên hết, trước hết", Đại tá Phạm Quang Huy nhấn mạnh.

Ngoài giám sát hành vi vi phạm, trung tâm còn quản trị toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra kiểm soát. Thông qua hệ thống bản đồ số, có thể xem các nơi có các cán bộ, chiến sĩ làm việc, có thể theo dõi được tên, số hiệu, số điện thoại của cán bộ đang làm việc ở vị trí đó.

Đồng thời, trung tâm còn kiểm soát toàn bộ xe tuần tra của cảnh sát giao thông, trong đó có các trường thông tin về số lượng xe đang hoạt động, tình hình xử lý vi phạm cũng như triển khai chuyên đề gì, tuyến đường nào... Từ đây có thể điều phối trong trường hợp có vụ việc khẩn cấp cần được giải quyết nhanh nhất.

Một nhiệm vụ khác của trung tâm là hỗ trợ điều tra giải quyết tai nạn giao thông, tự động phát hiện các hành vi làm mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng, tụ tập đông người, nhận diện khuôn mặt các đối tượng truy nã.

Toàn bộ công tác điều phối, phân tích, ghi nhận và xử lý của trung tâm hoàn toàn tự động hóa, hướng tới lập biên bản và nộp phạt online, người vi phạm không cần tới trụ sở cảnh sát.

Ngoài ra, thông qua ứng dụng VNeTraffic, Cục Cảnh sát giao thông coi đây là công cụ giao tiếp giữa cảnh sát giao thông và người dân. Hiện, ứng dụng VNeTraffic có 4 tính năng chính: Đọc thông tin về an toàn giao thông, tài xế có thể kiểm tra lộ trình, hướng đi sắp tới có sự cố, ùn tắc; tra cứu thông tin vi phạm thông qua biển số xe; thông tin về đấu giá biển số; người dân có thể cung cấp thông tin hình ảnh về vi phạm giao thông trên các tuyến đường. Từ đây, cảnh sát sẽ xác minh và xử lý từ dữ liệu.

Xem thêm