Ký ức chiến tranh nối nhịp cầu hòa bình (kỳ 2)

Câu Nhi - nơi hồi sinh ký ức

Sau hơn 50 năm lưu lạc ở bán cầu bên kia, cuốn sổ tay chiến trường của Chính trị viên Lê Thanh Hải trở về, mở ra hy vọng xác định tên tuổi và số phận những người lính nằm lại ở Câu Nhi (Quảng Trị) trong mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Ký ức người sống

Tại Quảng Trị, rạng sáng 26/5/1972, một trận chiến khốc liệt diễn ra tại chân cầu Câu Nhi, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị cũ). Sau chưa đầy 2 giờ giao tranh, gần toàn bộ đội hình hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 hy sinh, số ít còn lại hầu hết bị thương hoặc bị bắt.

“Khoảng 4 giờ 30 phút, khi đội hình chỉ còn cách cầu Câu Nhi chưa đến 100m, một đồng chí giẫm phải mìn phát sáng, làm lộ vị trí. Địch lập tức nã hỏa lực dồn dập từ 2 lô-cốt và các ụ chiến đấu. Chúng sử dụng cả đại liên, súng cối, M79, tạo thành cơn mưa đạn xé nát đội hình”, ông Bùi Đức Lộc nguyên chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, kể lại.

Dù kiên cường chống trả bằng súng bộ binh, đạn B41 và ĐKZ, nhưng ông và các đồng đội không thể xoay chuyển cục diện. Đại đội trưởng Nguyễn Hồng Đinh ra lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng, rồi anh dũng hy sinh tại chỗ.

Theo ông Lộc, trận giao tranh diễn ra chưa đầy 2 giờ nhưng có tới 93 người hy sinh, 9 người bị thương nặng và 1 người bị bắt.

Năm ngày sau, địch cho máy ủi san phẳng vườn chè, vùi lấp thi thể các liệt sĩ ngay tại hiện trường.

Ông Lộc là một trong số ít người sống sót sau trận đánh. Hơn 50 năm trôi qua, ông vẫn không quên khoảnh khắc trúng đạn. Bị thương ở chân trái, máu chảy nhiều, ông ngất lịm.

Khi tỉnh lại, do không đủ sức bơi qua sông về căn cứ, ông lết vào đường hào, nằm im suốt 2 ngày 3 đêm, cố cầm cự bằng mẩu lương khô cuối cùng.

Đêm xuống, ông bò ra cánh đồng, bứt những bông lúa chín, nhai sống cho qua cơn đói; ban ngày lại ẩn nấp trong bụi cây để tránh sự truy lùng của địch.

Tối 8/6, trong nỗ lực cuối cùng, ông bò đến gần một căn cứ mà không biết nơi ấy đã bị địch chiếm giữ, rồi kiệt sức ngất đi.

Bốn ngày sau, khi tỉnh lại trong bệnh viện, ông mới biết mình bị bắt. Địch đưa ông đi chữa trị, rồi thẩm vấn nhiều lần nhưng không khai thác được gì. Sau đó, địch chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc.

Sau khi Hiệp định Paris ký kết, tháng 3/1973, ông được trao trả về tại bờ sông Thạch Hãn.

Ngôi đền trên trận địa năm xưa

Trở về từ chiến trường, ông Lộc mang trên mình vết thương chiến tranh và nỗi day dứt về những đồng đội vẫn còn nằm lại trận địa.

Dù không tham gia trận đánh, nhưng các cựu chiến binh: Vũ Viết Nhĩ, Đỗ Duy Chính, Trần Ngọc Hiền, nguyên cán bộ chính sách, quy tập hài cốt liệt sĩ Sư đoàn 308, cũng dành nhiều thời gian, tâm sức tìm kiếm thông tin liệt sĩ.

Ông Hiền cho biết, năm 1976, khi Sư đoàn 308 thành lập đoàn công tác chính sách quy tập hài cốt liệt sĩ, ông nhận nhiệm vụ tổng hợp hồ sơ. Tuy nhiên, trong tài liệu lưu trữ không có danh sách các liệt sĩ trận Câu Nhi.

Mãi đến năm 2023, ông mới biết số lượng hy sinh tại đây rất lớn. Từ đó, ông cùng các đồng đội bắt đầu thu thập thông tin, gặp gỡ nhân chứng, đối chiếu tàng thư.

“Tôi tổng hợp được danh sách hơn 50 liệt sĩ trong trận này từ tài liệu và nhân chứng. Khi trở lại Sư đoàn 308 để tra cứu, chúng tôi xác định được các liệt sĩ thuộc Đại đội 9, Đại đội 11 và Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88. Cuối năm 2024, chúng tôi vào Quảng Trị xác minh và biết có 17 hài cốt được quy tập, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hải Lăng”, ông Hiền cho biết.

Ông Bùi Hữu Tuấn, chủ khu đất diễn ra trận đánh năm xưa kể lại: Từ năm 1999-2006, gia đình phát hiện và quy tập 10 hài cốt liệt sĩ, trong đó có một mộ chung ba người.

Năm 2024, ông phát hiện và báo tin cho Đội 584 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, đơn vị tiến hành quy tập bảy hài cốt liệt sĩ. Tháng 4/2025, ông phát hiện thêm hai hài cốt, nâng tổng số lên 19 hài cốt liệt sĩ.

Tất cả được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hải Lăng nhưng chưa biết danh tính.

Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7) và Tết Nguyên đán hằng năm, gia đình ông Tuấn tổ chức lễ giỗ chung các liệt sĩ hy sinh trên mảnh đất của gia đình.

“Tôi luôn mong có ngôi đền thờ các liệt sĩ. Đó là cách để gia đình tri ân công đức, cũng là nơi để thân nhân và đồng đội các anh có thể tìm về, thăm viếng”, ông Tuấn chia sẻ.

Ý nguyện ấy cũng là tâm nguyện của Ban liên lạc Đoàn công tác chính sách, quy tập hài cốt liệt sĩ Sư đoàn 308. Vì vậy, cuối năm 2024, khi Ban liên lạc đề xuất xây dựng ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ trên trận địa năm xưa, ông Tuấn đồng ý ngay.

Gia đình ông hiến tặng 500m² đất xây đền, sau đó còn mở rộng thêm khuôn viên trồng cây, trồng hoa, nâng tổng diện tích khu đền thờ lên khoảng 800m².

den-tho.jpg
Đền thờ liệt sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 hy sinh tại Câu Nhi (Quảng Trị).

Ngày 27/4/2025, ngôi đền tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, được khánh thành. Kinh phí xây dựng hơn 600 triệu đồng do các cựu chiến binh, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, thân nhân liệt sĩ, trong đó Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Quảng Trị cùng bạn đọc đóng góp 100 triệu đồng.

Tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Hữu Sáu, em trai liệt sĩ Nguyễn Hữu Lưu, quê ở Nghệ An, xúc động nói: “Hơn 50 năm qua, gia đình tôi tìm anh khắp các nghĩa trang trong vô vọng. Nay gia đình biết nơi anh hy sinh, lại có đền thờ anh và các đồng đội, chúng tôi thấy ấm lòng”.

Ông Bùi Hữu Tuấn chia sẻ, từ khi có đền thờ liệt sĩ, nhiều thân nhân, đồng đội và người dân về đây thắp hương tri ân liệt sĩ.

“Hiện nay, đường vào đền thờ đang được xây dựng, tuy vậy cảnh quan chung quanh còn hoang sơ. Gia đình tôi sẵn sàng hiến thêm đất nếu Nhà nước hoặc các tổ chức muốn hoàn thiện nơi thờ phụng các liệt sĩ”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên trận địa năm xưa, để sớm đưa các liệt sĩ còn nằm lại trở về quê hương, hưởng sự chăm sóc của gia đình, người thân.

Cùng nhau viết tiếp hành trình đoàn tụ

Sau hơn 50 năm, hai cuốn sổ tay chiến trường từng bị quân Mỹ thu giữ trở về, mở ra hành trình tìm lại tên tuổi những người lính hy sinh trong trận chiến bi tráng tại Câu Nhi.

Những tài liệu này từng bị quân đội Mỹ thu giữ, được Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texas (Hoa Kỳ) lưu giữ dưới dạng bản chụp và vừa trao trả vào ngày 10/7.

Nội dung gồm: Biên bản sinh hoạt chi bộ, báo cáo sau trận đánh, sơ đồ tác chiến và danh sách cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88 tham gia trận đánh tại Câu Nhi ngày 26/5/1972.

“Ban đầu, chúng tôi chỉ xác định được hơn 50 liệt sĩ trận Câu Nhi. Nhờ nguồn tư liệu này, danh sách liệt sĩ mở rộng lên 93 người, với nhiều thông tin cụ thể về từng trường hợp,” ông Đỗ Duy Chính - Phó Trưởng ban liên lạc Đoàn công tác chính sách, quy tập hài cốt liệt sĩ Sư đoàn 308, cho biết.

Trong bản danh sách, có tên chiến sĩ Nguyễn Viết Đàn, quê ở Quảng Ninh, là một trong 93 cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh tại trận địa Câu Nhi. Cụ Đặng Thị Tích, mẹ liệt sĩ Đàn, năm nay đã 107 tuổi, vẫn nhớ ngày con trai trốn nhà đi bộ đội khi đang học lớp 7. Lần cuối ông về thăm gia đình là sau chiến dịch Đường 9 - nam Lào, năm 1971.

“Trước khi đi, nó nói với tôi: Con về lần này là lần cuối”, cụ Tích nhớ lại. Không ai nghĩ đó là lời tiên tri định mệnh.

Sau khi ông Đàn hy sinh, tài sản duy nhất đơn vị gửi về là hơn 400 đồng tiền mặt. Hơn 50 năm qua, gia đình đi khắp các nghĩa trang ở Quảng Trị để tìm mộ ông. Cho đến năm 2024, khi Ban liên lạc Đoàn công tác chính sách quy tập hài cốt liệt sĩ Sư đoàn 308 báo tin, gia đình mới biết ông hy sinh và nằm lại Câu Nhi.

“Những người Mỹ, từng là đối thủ trên chiến trường, nay là những người đồng hành trên con đường khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh. Chúng tôi mong rằng sự hợp tác này sẽ tiếp tục lan tỏa, để thêm nhiều gia đình liệt sĩ tìm lại người thân và sự bình yên sau chiến tranh”, ông Chính nói.

Theo số liệu do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (nay thuộc Bộ Nội vụ) công bố, cả nước vẫn còn khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập nhưng chưa xác định được danh tính, 180.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy.

Việc xác minh, quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn là hành trình gian nan, cần nhiều thời gian, công sức và dữ liệu xác thực. Những tài liệu bị thu giữ trên chiến trường nay được trao trả là manh mối quý giá, mở ra cơ hội xác định danh tính liệt sĩ và bắt đầu hành trình đoàn tụ.

Hòa bình không chỉ là kết thúc chiến tranh, mà là hành trình chữa lành vết thương, mang lại sự bình yên trong tâm trí và trái tim mỗi người.

Xem thêm