“Check-in ký ức”
TikTok, Facebook, Instagram… hiện nay là “kênh sóng” phản ánh nhanh nhạy và sinh động nhất cảm xúc của giới trẻ về sự kiện sáp nhập tỉnh thành kể từ ngày 1/7/2025. Hàng loạt video ghi lại cảnh tháo biển tên địa phương, các tấm ảnh cũ, những bài thơ, bài hát ngẫu hứng về tên tỉnh xưa được chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội. Không ít bạn trẻ chỉnh sửa video cá nhân để cập nhật tên mới, vừa vui nhộn vừa sâu sắc.
Những ngày cuối tháng sáu, người trẻ cùng nhau lan tỏa trend Tỉnh xưa tên cũ, họ chia sẻ những tấm ảnh, những đoạn clip gắn với các địa danh nổi tiếng tại địa phương mà sắp tới sẽ được đổi tên. Anh Nguyễn Hoàng Sơn, chọn lưu giữ hình ảnh cổng chào tỉnh Thái Bình buổi hoàng hôn với sắc trời tím như một cách bày tỏ sự lưu luyến với cái tên cũ. Những tấm ảnh ấy nhanh chóng nhận được hành nghìn lượt thích và bình luận, nhiều ý kiến đồng cảm được cộng đồng mạng chia sẻ ngay dưới bài đăng. Trong đó, anh Nguyễn Bá Duy bày tỏ: “Mình từng được nghe bố kể, quê mình ở Hà Nam, được tách từ tỉnh Hà Nam Ninh cũ, đến bây giờ lại thành tỉnh Ninh Bình. Tuy nghe hơi lạ, nhưng cũng thú vị!”.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Đắc Thiên Ngân đăng video “khoe” bản đồ 63 tỉnh, thành phố trên kênh Tiktok nhận về hơn hai triệu lượt xem. Hàng loạt bình luận hưởng ứng: Họ rủ nhau đi mua bản đồ, cuốn Atlat địa lý Việt Nam, chia sẻ lại tên các tỉnh thành cũ như một thứ di sản không thể lãng quên. “Tên cũ hay mới đều là đất nước mình, nhưng lưu giữ để kể lại cho con cháu là điều nên làm” - một người dùng viết trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ đồng tình với ý kiến ấy, họ xem việc ghi nhớ, lưu giữ, hay đơn giản là “check-in ký ức” như một hành động trách nhiệm.
TikToker Mẫn Nè lại ghi dấu ấn riêng với video cover các bài hát về miền tây, trong lời bài hát các địa danh như Kiên Giang, Long An được Mẫn thay lời, cập nhật thêm tên mới, đã thu hút hàng chục nghìn lượt thích. Sự hài hước, gần gũi, mang màu sắc Gen Z khiến thông điệp trở nên nhẹ nhàng mà chạm đến trái tim nhiều người.
Không dừng ở đó, nhiều bạn trẻ tự tay thiết kế đồng hồ khắc tên 63 tỉnh, thành phố, mở các topic hỏi- đáp về địa danh cũ, hoặc rủ nhau tổ chức “tour hoài niệm” đến những nơi sẽ thay đổi tên sau ngày 1/7.
Gác lại tiếc nuối, hướng đến tương lai
Và đương nhiên, giữa cơn “sóng cảm xúc” mang tên hoài niệm, người trẻ không đắm chìm trong tiếc nuối. Họ nhanh chóng chuyển hóa thành hành động: Ghi nhớ để gìn giữ, chia sẻ để lan tỏa, và kỳ vọng để cùng phát triển. Không phải ai cũng hiểu tường tận về nghị quyết, cơ cấu hành chính hay quy hoạch vùng, nhưng trách nhiệm công dân, sự quan tâm đến vận mệnh đất nước, đến câu chuyện tên gọi, tổ chức bộ máy, đang được khơi dậy theo cách rất đời thường mà thiết thực. Anh Trần Hưng (sinh năm 2001 ở Yên Bái, nay thuộc tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “Tôi thấy đây là cơ hội để các tỉnh cùng phát triển, hỗ trợ nhau. Quan trọng là cùng nhau đi lên”.
Nguyễn Cảnh Nam (sinh năm 1993) quê tại tỉnh Hải Dương nay là Hải Phòng cũng lạc quan: “Tôi tin sự thay đổi lần này là bước đi chiến lược, hy vọng sẽ mở ra diện mạo mới cho cả vùng”.
Nếu ngày xưa, người trẻ chỉ nghe người lớn bàn chuyện thời sự vào mỗi bữa cơm tối, thì nay, họ là một phần trong cuộc đối thoại đó, cách họ đối diện trước cuộc cách mạng sáp nhập tỉnh thành, tinh gọn bộ máy lần này là một minh chứng rõ nét: Giới trẻ quan tâm đến chính trị-xã hội theo cách của thế hệ công dân số.
Sự kiện sáp nhập tỉnh thành không chỉ đánh dấu bước chuyển lớn của bộ máy hành chính Việt Nam, mà còn mở ra một lát cắt thú vị trong tâm thức thế hệ trẻ. Qua từng bài đăng, video, hình ảnh và cảm xúc lan tỏa, họ đang góp phần biến những thay đổi “trên giấy” thành chất liệu văn hóa và ký ức sống động. Bản đồ địa lý có thể thay đổi, nhưng bản đồ cảm xúc - nơi lưu giữ tình yêu quê hương và trách nhiệm công dân vẫn sẽ còn mãi.