Phòng giới thiệu sản phẩm của Viettronics Tân Bình.
Phòng giới thiệu sản phẩm của Viettronics Tân Bình.

"Định vị" ngành công nghiệp điện tử

Bài 2: Hướng đi nào cho công nghiệp điện tử ?

(tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Hướng đi nào cho công nghiệp điện tử ?

Phát triển các sản phẩm có hàm lượng tri thức công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn được coi là "đích đến" của ngành công nghiệp điện tử, song "điểm xuất phát" thì đang cách xa vời vợi. Hiện tại, cơ hội đã đến đối với các DN thuộc lĩnh vực này, khi hàng loạt tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản... đã lựa chọn Việt Nam làm nơi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm điện tử ra toàn thế giới. Tuy nhiên, DN điện tử trong nước giống như một chú bé còi cọc mang trên mình nhiều thứ "bệnh" về vốn, công nghệ và nhân lực, không dễ "đấu" với những người "

Bài 1: Ðứng ngoài "cuộc chơi"

Phát triển sản phẩm mang tính chuyên biệt

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Tân Bình (Viettronics Tân Bình - VTB) Vũ Dương Ngọc Duy cho biết: Việc cạnh tranh với các DN FDI là không tránh khỏi, đặc biệt đối với mặt hàng điện tử dân dụng, hiện đang là "cuộc chơi" của các "ông lớn". Do vậy, các DN vừa và nhỏ chỉ nên tập trung những mảng, lĩnh vực mà mình có thế mạnh. Đối với VTB, hiện đang sản xuất những sản phẩm như ti-vi, âm-pli, loa, thiết bị thông minh hát ka-ra-ô-kê hình ảnh HD, đầu phát HD,... do công ty tự thiết kế từ A đến Z. Qua hơn một năm đầu tư nghiên cứu những sản phẩm có chất xám cao, giá trị gia tăng lớn, VTB đã cho ra thị trường hàng nghìn sản phẩm đa phương tiện Android TV Box có chức năng kết nối mạng in-tơ-nét, tìm và xem phim từ Google, Youtube hoặc HDD, nghe nhạc trực tuyến, hát ka-ra-ô-kê,... và sản phẩm xem truyền hình kỹ thuật số (Android smart center- Set Top Box). Để sản xuất những sản phẩm này, công ty vẫn phải nhập khẩu gần như toàn bộ các linh phụ kiện từ Đài Loan, Trung Quốc,... Tuy vậy, hướng "đi tắt, đón đầu" này tỏ ra khá hiệu quả khi các sản phẩm có giá thành phù hợp điều kiện và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam.

Cùng chung quan điểm, Tổng Giám đốc Viettronics Thủ Đức Nghiêm Xuân Vân khẳng định, DN phải tự thay đổi quan điểm sản xuất, kinh doanh của mình, tránh đi vào lối mòn trước đây. Trong đó, tập trung nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm ứng dụng, có giá trị cộng thêm. DN phải tự tìm ra cái mới, có hướng đi của riêng mình với việc làm chủ công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh và thống lĩnh thị trường. Qua hơn một năm đầu tư nghiên cứu, công ty đang chuyển sang sản xuất các sản phẩm ứng dụng có giá trị gia tăng cao như truyền hình số (tích hợp chương trình giải trí) và các sản phẩm mang tính ứng dụng cao.

TS Nguyễn Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel cho biết thêm: Việc sản xuất, lắp ráp những sản phẩm điện tử hoàn chỉnh không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ngay cả đối với các nước phát triển hàng đầu như Mỹ và châu Ấu, cũng không đặt vấn đề sản xuất "trọn gói" sản phẩm từ A đến Z, nhất là khi Trung Quốc trở thành "công trường gia công" toàn thế giới. Chính vì vậy, từ năm 2007, Hanel đã chuyển hướng kinh doanh, tập trung mạnh vào công nghệ thông tin (CNTT), nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Hiện nay, Hanel xác định mục tiêu là DN đi đầu trong việc làm chủ công nghệ tin học và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, như: hạ tầng CNTT, Chính phủ điện tử, giáo dục - đào tạo, giao thông, nông nghiệp, y tế, phát thanh truyền hình,... Đặc biệt, năm nay Hanel đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm thành công để chính thức đề xuất một loạt dự án quan trọng về ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực chủ chốt như: dự án Quốc hội điện tử, giáo dục tích hợp kỹ năng STEAM - viết tắt của khoa học (Science); công nghệ (Technology); kỹ nghệ (Engineering); nghệ thuật (Art) và toán học (Math). Ngoài ra, thông qua các khu CNTT tập trung và quỹ KHCN, Hanel cũng tạo cơ chế đầu tư ban đầu vào nghiên cứu nông nghiệp thông minh và y tế thông minh; khuyến khích mô hình sáng tạo mở (phần mềm nguồn mở, phần cứng nguồn mở, tài liệu mở...); mở chuỗi trung tâm tự làm tại các cơ sở giáo dục, các khu tập trung DN CNTT trên toàn quốc,...

Định hướng để DN phát triển

Để phát triển, bản thân DN chủ động đầu tư, xây dựng các chiến lược đẩy mạnh, phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ chiếm vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, với sự cạnh tranh ngày càng cao. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bất cập, sự không công bằng trong ưu đãi đầu tư giữa các DN trong nước với các DN FDI. Điển hình là về chính sách thuế, giá thuê mặt bằng, cơ sở hạ tầng,... trở thành những lực cản khiến các DN điện tử trong nước "chậm lớn".

Trưởng Văn phòng đại diện phía nam Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam Nguyễn Thị Như Phương cho rằng, các DN điện tử trong nước hiện đang rất khó khăn bởi chi phí đầu vào cao khiến sức cạnh tranh giảm. Cụ thể, để có mặt bằng sản xuất, kinh doanh, DN trong nước phải bỏ chi phí rất cao thuê mặt bằng, đất đai, có hưởng ưu đãi "tột bậc" cũng chỉ năm năm lại điều chỉnh một lần khiến DN không thể hoạch định được chi phí đầu vào. Trong khi đó, các DN nước ngoài được ưu đãi với mức giá thuê đất thấp hơn hẳn, lại được trả một lần cho toàn bộ dự án. Từ sự ưu đãi đầu tư thiếu công bằng này, khiến năng lực cạnh tranh của DN trong nước đã yếu càng yếu hơn. Do vậy, các bộ, ngành liên quan cần rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách ưu đãi hợp lý, công bằng, tạo sân chơi bình đẳng cho cả DN trong nước và DN FDI.

Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam Lưu Hoàng Long cho biết, kể từ khi lĩnh vực điện tử được chuyển từ Bộ Công thương sang Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, hầu hết các chính sách về điện tử được nhập chung với chính sách CNTT, công nghiệp CNTT. Vô hình trung, chính sách về điện tử bị bỏ trống rất nhiều mảng, thí dụ như mảng thiết bị điện tử dân dụng, gia dụng có thị trường rất lớn nhưng không có chính sách khuyến khích nào. Chính vì vậy, để đẩy mạnh công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển, ông Long kiến nghị, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, đề ra các chính sách về phát triển công nghiệp điện tử một cách độc lập, riêng rẽ, không nhập chung vào chính sách phát triển công nghiệp CNTT nhằm bảo đảm tính đặc thù của ngành điện tử. Đồng thời, nghiên cứu thành lập một số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia để thử nghiệm, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm trong nước. Mặt khác, nên đưa một số sản phẩm điện tử vào danh sách các sản phẩm trọng điểm quốc gia, xây dựng chính sách đồng bộ để phát triển, hình thành danh mục các sản phẩm điện tử, CNTT ưu tiên để làm cơ sở cho DN định hướng đầu tư nghiên cứu sản xuất.

Theo TS Dương Đình Giám, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), ngành điện tử Việt Nam đang có những thuận lợi khi các DN của Hàn Quốc, Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam làm nơi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm điện tử ra toàn thế giới. Điều này cho thấy, chúng ta không chỉ dừng ở mức lắp ráp các sản phẩm mà có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặc dù vậy, DN trong nước hiện có những khó khăn như về vốn, công nghệ và nhân lực. Về nhân lực, các DN có thể cố gắng tự thân vận động nhưng về tiềm lực tài chính, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, từ thực tế ưu đãi đầu tư "mở" có phần thái quá thời gian qua, cần nghiêm túc nhìn nhận sâu hơn, để đưa ra cơ chế "khép" đối với các DN nước ngoài. Chẳng hạn, khi nhận được ưu đãi, DN nước ngoài cần phải thực hiện những điều kiện gì. Ngoài ra, các ngành chức năng cần phải tập hợp các nhà đầu tư nước ngoài, công khai sản phẩm cần được khuyến khích hoặc những sản phẩm mà DN trong nước có thể sản xuất để đầu tư, phát triển sản xuất. Nếu thực hiện được các định hướng đúng và có sự hỗ trợ cụ thể, sẽ tạo tiền đề quan trọng để các DN trong nước có cơ hội đứng vững và phát triển. Đồng thời, phải xây dựng được danh mục ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm cần chú trọng đầu tư chứ không thể đầu tư dàn trải. Mặt khác, DN cũng dựa vào đó để tập trung nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, dường như các cơ chế vẫn chưa "chạm" đến DN. Để phát triển ngành này một cách thực chất, đã đến lúc chúng ta cần tập trung ưu tiên sáu vấn đề mang tính chiến lược, gồm: phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển nguồn nhân lực; mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành công nghiệp điện tử; thu hút đầu tư các DN điện tử hàng đầu trên thế giới; phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành và hình thành các cụm công nghiệp điện tử (cluster). Trong đó, hướng đến sản xuất những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng lớn như điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin truyền thông, điện tử y tế, các linh kiện điện tử chủ yếu như chip bán dẫn, LED; thiết bị tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo,... Nếu "gỡ" được những "nút thắt" từ chủ trương, cơ chế đến định hướng cách làm cụ thể cho từng nhóm DN, mới thật sự tạo ra "lực đẩy" đủ mạnh thúc nền công nghiệp điện tử "đi nhanh hơn" và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế trong tương lai không xa.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 16-10-2014

Xem thêm