Xưởng lắp ráp của Viettronics Thủ Đức trong cảnh vắng lặng.
Xưởng lắp ráp của Viettronics Thủ Đức trong cảnh vắng lặng.

"Ðịnh vị" ngành công nghiệp điện tử

Bài 1: Ðứng ngoài "cuộc chơi"

Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và có sự bứt phá ngoạn mục về xuất khẩu trong thời gian gần đây, nhưng ngành điện tử Việt Nam mới dừng lại ở mức gia công, lắp ráp mà chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Ðể ngành công nghiệp này phát triển, trở thành "mũi nhọn" thật sự, phải xác định rõ hướng đi, xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh cũng như cơ chế, chính sách và tầm nhìn chiến lược trong đầu tư, phát triển lĩnh vực này.

Bài 1: Ðứng ngoài "cuộc chơi"

Năm 2012, lần đầu điện tử trở thành ngành hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước (vượt cả dầu thô) với kim ngạch xuất khẩu lên tới hơn 22,9 tỷ USD, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Từ đó đến nay, điện tử là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực với tốc độ tăng trưởng hằng năm khá cao. Song, thành tích xuất khẩu này hầu hết nhờ đóng góp của doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), còn các DN trong nước gần như đứng ngoài cuộc.

Ðâu rồi thương hiệu Việt?

Những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, sản phẩm ti-vi "Made in Việt Nam" đã từng "làm mưa làm gió" trên thị trường. Thời điểm 1985-1986, người dân Việt Nam rất quen thuộc với ti-vi đen trắng của các DN điện tử nổi tiếng phía nam như Viettronics Tân Bình, Viettronics Thủ Ðức, Viettronics Biên Hòa. Không thua kém, các DN miền bắc cũng liên tiếp sản xuất, lắp ráp sản phẩm tương tự mang thương hiệu Hanel, Viettronics Ðống Ða,... Sau ti-vi đen trắng, các DN tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm ti-vi màu, đáp ứng nhu cầu của người dân lúc bấy giờ. Nhưng rồi vị trí thống lĩnh thị trường nội địa của các thương hiệu Việt dần mất đi, thay vào đó là tràn ngập các thương hiệu điện tử nổi tiếng trên thế giới như JVC, Sharp, Toshiba, LG, Panasonic, Sony, Samsung,...

Có mặt tại xưởng sản xuất, lắp ráp hàng điện tử của Công ty cổ phần Ðiện tử Thủ Ðức (Viettronics Thủ Ðức), chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh hoang lạnh của DN từng là "con chim đầu đàn" của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Toàn bộ hệ thống gồm hai dây chuyền lắp ráp chính và hệ thống dây chuyền phụ (phục vụ kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng sản phẩm hoàn tất) đang "đắp chiếu", ngừng hoạt động. Khu xưởng rộng chừng 700 m2 chỉ vỏn vẹn hai kỹ sư, công nhân đang âm thầm, lặng lẽ hoàn tất các chi tiết của bo mạch sản phẩm bóng hình. Quản đốc phân xưởng Hoàng Lê Tuấn giãi bày: Hiện phân xưởng chỉ còn 37 công nhân, lúc làm lúc nghỉ, công việc rất bập bõm. Thường phải tới cuối năm, khi có các đơn đặt hàng nhiều thì công nhân mới có việc để làm liên tục. Khách hàng của công ty chủ yếu là các DN đặt gia công sản phẩm điện tử dân dụng, vì thế, phần lớn thời gian còn lại, DN chỉ hoạt động cầm chừng. Không có việc làm đều, cuộc sống của người lao động ngày càng khó khăn. Giọng anh Tuấn chợt chùng xuống: Lĩnh vực điện tử trong nước đang bị các DN nước ngoài "bóp nghẹt", không thể cạnh tranh được.

Tổng Giám đốc Viettronics Thủ Ðức Nghiêm Xuân Vân cho biết, trước kia, công ty sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu sang các nước Ðông Âu. Sau khi Ðông Âu sụp đổ, thị trường xuất khẩu bị co hẹp. Cùng với đó là sự thay đổi quá nhanh về công nghệ cũng như khó khăn về vốn đầu tư, DN trong nước không bắt kịp nên bị mất thị trường. Mặt khác, để làm được một sản phẩm bóng hình hoàn chỉnh, công ty phải nhập khẩu khoảng 70% linh, phụ kiện từ nước ngoài khiến cho năng lực cạnh tranh của DN ngày càng giảm. Hiện công ty có 130 công nhân nhưng hoạt động bập bõm, chỉ duy trì việc làm và bảo đảm cuộc sống cho công nhân ở mức tằn tiện, chứ không mang lại hiệu quả kinh tế nào đáng kể.

Không đến nỗi trầm lắng như Viettronics Thủ Ðức, tại Công ty cổ phần Cơ khí Ðiện tử Phú Thọ Hòa (Viettronics Viemco), hoạt động sản xuất có vẻ tấp nập hơn. Gạt giọt mồ hôi lăn trên mặt, công nhân Phạm Minh Trường (quê Phú Thọ) chia sẻ: "Qua sáu năm gắn bó với công ty và làm ở bộ phận khuôn mẫu đột dập, tôi cũng như các anh em khác đều cố gắng, tận tụy hoàn thành công việc được giao. Mặc dù việc làm vất vả nhưng bù lại có thu nhập tương đối ổn định để nuôi sống vợ con, gia đình". Anh Ðỗ Hữu Phúc, cán bộ kinh doanh góp lời: "Tuy vậy, công ty vẫn chủ yếu gia công, làm thuê cho các DN nước ngoài nên thu nhập không thể cao như một số ngành nghề khác. Tất cả anh em ở đây làm việc vì yêu nghề, gắn bó từ lâu nên không nỡ bỏ. Bản thân tôi chưa xây dựng gia đình, nhà ở tại chỗ còn đỡ, nhưng người khác nếu đã có gia đình, con cái, với mức thu nhập vỏn vẹn khoảng sáu triệu đồng/tháng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi còn nhiều khoản chi phí như thuê nhà, sinh hoạt đắt đỏ hằng ngày".

Ðánh giá khái quát "bức tranh" DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực điện tử hiện tại, Chủ tịch HÐQT Công ty Viettronics Viemco Nguyễn Mạnh Khôi cho rằng, phần lớn DN đang hết sức khó khăn, chỉ đủ duy trì việc làm cho người lao động chứ lợi nhuận không đáng kể. Ðến nay, DN điện tử trong nước chưa sản xuất được một sản phẩm gì tiêu biểu, trong khi hoàn toàn phải phụ thuộc vào nước ngoài, từ linh, phụ kiện cho đến các sản phẩm hoàn chỉnh. Ðiều đáng nói là ngành điện tử Việt Nam vẫn loay hoay chưa tìm ra hướng đi, nhiều DN điện tử phải "sống dựa" vào kinh doanh cho thuê mặt bằng, nhà xưởng,...

"Thua đau" trên "sân nhà"

Giai đoạn 2000 - 2010, công nghiệp điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 20 - 30%. Ðến năm 2011, tốc độ tăng trưởng của ngành tăng lên tới hơn 96%. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là các DN FDI đóng góp gần như toàn bộ vào sự tăng trưởng "ngoạn mục" này. Những tên tuổi của các tập đoàn điện tử, công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như Intel, Canon, Samsung, Nokia,... đã xuất hiện ở nước ta những năm gần đây với những dự án đầu tư "khủng" lên tới hàng chục tỷ USD, đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu của cả nước, còn DN trong nước hoàn toàn mờ nhạt, nếu như không muốn nói là không có gì. Năm 2013, số thu từ xuất khẩu của lĩnh vực điện tử lên tới 34,6 tỷ USD, nhưng 98% là từ các DN FDI, các DN điện tử trong nước mới dừng lại ở sản xuất gia công và lắp ráp nên giá trị gia tăng do xuất khẩu đem lại rất thấp. Trong một thời gian dài, phần lớn các DN Việt Nam chỉ đủ năng lực cung cấp các nguyên, phụ liệu vỏ bọc, dây cáp,... giá trị gia tăng không quá 10%.

Tổng Giám đốc Công ty CP Viettronics Tân Bình Vũ Dương Ngọc Duy cho biết, công ty đang sản xuất, lắp ráp các sản phẩm như ti-vi, dàn ka-ra-ô-kê; âm-pli, loa, tủ lạnh, tủ cấp đông,... dưới hình thức sản xuất SKD và CKD. Các linh kiện để lắp ráp hầu hết được nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc. Còn DN trong nước chỉ cung cấp được bao bì, các chi tiết in ấn, một số ít chi tiết nhựa, cơ khí,... Vấn đề lớn mà Viettronics Tân Bình gặp phải khi mua linh kiện vật tư trong nước là chất lượng kém, giá cả cao và thời gian giao hàng thường chậm, nên dĩ nhiên không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Một hạn chế khác của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam là cơ cấu sản phẩm mất cân đối khá nghiêm trọng giữa sản phẩm điện tử tiêu dùng và sản phẩm điện tử chuyên dụng (80/20). Sản phẩm hàng điện tử tiêu dùng chiếm tỷ lệ tới 80% trong cơ cấu sản phẩm ngành điện tử tại Việt Nam, trong khi công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển nên tỷ lệ nội địa hóa cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Các loại linh kiện của các DN điện tử tại Việt Nam hiện phải nhập khẩu tới 47%, trong đó 40% do DN FDI tại Việt Nam cung cấp. Ngoài ra, còn có sự mất cân đối đáng kể giữa số lượng DN lắp ráp sản phẩm và DN sản xuất phụ tùng linh kiện, vật liệu. Số DN sản xuất các phụ tùng linh kiện, vật liệu chỉ bằng 25% số DN lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt 20 - 30%, chủ yếu là bao bì, các chi tiết nhựa, cơ khí.

Trưởng văn phòng đại diện phía nam (Hiệp hội DN Ðiện tử Việt Nam) Nguyễn Thị Như Phương chia sẻ, mấy năm gần đây, các DN điện tử trong nước chỉ duy trì sản xuất và hòa vốn, thậm chí là thua lỗ vì đa số phải nhập khẩu linh, phụ kiện nên giá thành sản xuất cao. Tiếp đến, chi phí đầu vào quá cao, không có các chính sách ưu đãi công bằng, cộng với quy mô nhỏ, sản xuất thành phẩm ít,... cho nên DN điện tử Việt Nam đành phải chấp nhận thua thiệt ngay trên sân nhà. Chủ tịch HÐQT Viettronics Viemco Nguyễn Mạnh Khôi cho biết thêm, khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là thiếu chiến lược phát triển. Nhiều DN đến giờ này vẫn còn loay hoay không biết nên sản xuất sản phẩm gì, tiêu thụ ở thị trường nào. Chính vì không có chiến lược, nên DN không dám mạnh dạn đầu tư, thúc đẩy sản xuất. "Trong chính sách, Việt Nam luôn khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, mở rộng các cơ chế ưu đãi về đất đai, nhà xưởng... Ưu đãi là đúng, nhưng phải có những cam kết yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, bảo đảm vấn đề môi trường, tránh trường hợp biến Việt Nam trở thành "bãi rác" đồ điện tử độc hại..." - Chủ tịch HÐQT Nguyễn Mạnh Khôi nói.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ngành công nghiệp điện tử đã có hơn 100 DN lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng. Sản phẩm của ngành cơ bản thỏa mãn nhu cầu thị trường trong nước về các sản phẩm thông dụng như ti-vi, đầu đĩa, điện lạnh,... Tuy nhiên, hầu như các DN chỉ tập trung vào các sản phẩm, dự án được hưởng ưu đãi, không coi trọng khâu nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm mới. Ðối tượng được hưởng nhiều ưu đãi nhất lại không phải là DN trong nước mà phần lớn là các DN FDI (chiếm tới 70%). Do chỉ đi sâu, tập trung vào ngành điện tử dân dụng dẫn tới hầu như không có DN FDI nào đầu tư một cách thật sự cho công nghệ cao hoặc chuyển giao công nghệ. Vì thế, một thực tế khá chua xót là sau nhiều năm ưu đãi, phía Việt Nam chỉ "gặt hái" được một số thành quả "vô hình" về kinh nghiệm, hay tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng, còn kết quả "hữu hình" về giá trị gia tăng, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng, đào tạo nhân lực chất lượng cao,... của lĩnh vực này là hiệu quả thật sự lẽ ra phải có, thì chỉ là con số 0.

(Còn nữa)

Xem thêm