ESG định hình thành phố carbon thấp
Tại Diễn đàn Thương mại Xanh 2025 diễn ra đầu tháng 7, Tập đoàn SCG đã giới thiệu mô hình Thành phố Carbon thấp Saraburi – sáng kiến tiêu biểu đầu tiên của Thái Lan trong xây dựng đô thị phát triển bền vững, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Được xem là thủ phủ công nghiệp của Thái Lan, Saraburi từng đối mặt với nhiều thách thức về môi trường do tốc độ công nghiệp hóa nhanh. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp và cộng đồng triển khai mô hình "sandbox" ESG với chiến lược “5+1”, tập trung vào các lĩnh vực: chuyển đổi năng lượng, tái chế chất thải, công nghiệp và sản phẩm xanh, nông nghiệp carbon thấp và phát triển không gian xanh. Yếu tố “+1” nhấn mạnh cơ chế phối hợp và trách nhiệm giữa ba bên: nhà nước – doanh nghiệp – cộng đồng.
Các sáng kiến đặt mục tiêu cắt giảm 5 triệu tấn khí thải carbon vào năm 2027, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050. Với tính thực tiễn cao và hiệu quả bước đầu rõ nét, mô hình Saraburi đang mở ra một gợi ý giá trị cho Việt Nam trong lộ trình phát triển đô thị theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững.

Từ chính sách đến thực tiễn
Từ một tỉnh công nghiệp đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, Saraburi đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành hình mẫu cho mô hình thành phố carbon thấp tại Thái Lan.
Đáng chú ý, ngành xi-măng – lĩnh vực kinh tế chủ lực, chiếm hơn 80% sản lượng toàn quốc – đã ghi nhận nhiều nỗ lực đáng chú ý trong quá trình chuyển đổi xanh.
Dưới định hướng ESG, chính quyền tỉnh Saraburi phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp triển khai hàng loạt giải pháp giảm phát thải, như chuyển đổi năng lượng, ứng dụng công nghệ thu hồi carbon, thay đổi nguyên liệu đầu vào và ưu tiên sử dụng vật liệu xanh. Đến nay, hơn 80% sản lượng xi-măng tại địa phương đã được chuyển sang sản xuất theo hướng carbon thấp – một kết quả ấn tượng, cho thấy sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống, dù chi phí đầu tư ban đầu không nhỏ.
Cộng đồng địa phương cũng đóng vai trò không thể thiếu trong hành trình này. Người dân tích cực tham gia các chương trình phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ vận hành hiệu quả hệ thống “ngân hàng rác thải” và mạng lưới thu gom thông minh. Bên cạnh đó, 45 khu rừng cộng đồng do người dân và chính quyền cùng quản lý đã trở thành mô hình sinh kế xanh thông qua du lịch sinh thái và phát triển tín chỉ carbon.
Thành công của Saraburi là minh chứng cho hiệu quả của mô hình hợp tác công – tư – cộng đồng trong thúc đẩy phát triển bền vững, từ đó mở ra những bài học thiết thực cho Việt Nam trên hành trình xanh hóa các đô thị công nghiệp.
Ông Charoenchai Chaliewkriengkrai, Giám đốc Kinh doanh mảng Kinh tế tuần hoàn sinh học, ngành Xi-măng và Giải pháp Xây dựng Xanh của SCG kiêm Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp tỉnh Saraburi, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng Việt Nam để xây dựng các giải pháp thực tiễn, hiệu quả và bao trùm. Với SCG, chuyển đổi xanh không đối lập với hiệu quả kinh doanh, mà chính là nền tảng để tạo ra giá trị bền vững.”
Từ kinh nghiệm tại Saraburi cùng định hướng ESG 4 Plus, SCG đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Tập đoàn là một trong những doanh nghiệp tiên phong đóng góp vào quá trình xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về Kinh tế tuần hoàn (NAPCE) từ năm 2022 đến nay
Trên thực địa, SCG triển khai nhiều sáng kiến thiết thực, tiêu biểu như dự án “Phân loại rác” tại các trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành vi phân loại rác tại nguồn ngay từ lứa tuổi học sinh.
Với khía cạnh sản xuất, SCG giới thiệu xi-măng Low Carbon giúp giảm 20% phát thải carbon so với xi-măng thông thường, vẫn bảo đảm chất lượng và độ bền. Đây là giải pháp chủ lực trong chiến lược bền vững, góp phần thúc đẩy ngành xây dựng chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Thông qua hợp tác đa phương, SCG đang phát triển các mô hình carbon thấp phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, đặt nền móng cho việc chuyển giao kinh nghiệm từ Thái Lan và cùng Việt Nam hướng tới xây dựng đô thị carbon thấp trong tương lai.