Toàn cảnh đại hội.
Toàn cảnh đại hội.

Vinatex tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030

Ngày 4/7, tại Hà Nội, Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030 với sự tham dự của lãnh đạo Đảng uỷ Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và 180 đại biểu đại diện cho hơn 1.500 đảng viên trong Đảng bộ Vinatex.

Phát biểu tại đại hội, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Vinatex đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng bộ Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, biến động.

Giai đoạn này diễn ra nhiều biến động sâu rộng trên toàn cầu về kinh tế, như đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị leo thang, các cuộc khủng hoảng năng lượng, chi phí sinh hoạt. Nền kinh tế toàn cầu bắt đầu suy giảm trong năm 2020, khiến lần đầu tiên tổng cầu dệt may thế giới suy giảm nghiêm trọng, toàn bộ các đơn hàng sản xuất bị đình trệ, không có nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất.

dm-21.jpg
Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường phát biểu tại đại hội.

Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường sau đại dịch, song do ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu và nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính giảm, xuất khẩu dệt may cũng lần đầu tiên ghi nhận mức suy giảm hơn 10% sau 30 năm mở cửa. Khi thị trường toàn cầu giảm lạm phát, từng bước khôi phục, ngành dệt may Việt Nam bứt tốc đạt 44 tỷ đô-la kim ngạch xuất khẩu, đồng thời, mở rộng xuất khẩu sang 104 thị trường, đa dạng hoá khách hàng và mặt hàng.

“Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu có sự tăng trưởng, ngành dệt may vẫn phải đối diện với nhiều thách thức trong chiến lược phát triển chung của toàn cầu, nổi bật là các tiêu chuẩn khắt khe tại thị trường lớn, cùng với đó là xu thế phát triển xanh, bền vững, số hoá,... Ngành dệt may còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác như Bangladesh, Campuchia,… có chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Các vấn đề về hạ tầng logistics, thiếu hụt và cạnh tranh lao động tại các trung tâm sản xuất, khu công nghiệp lớn gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất,…”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Đảng uỷ Vinatex Lê Tiến Trường, với sự nỗ lực của toàn hệ thống đã giúp tập đoàn hoàn thành và hoàn thành vượt mức 8/8 chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân hằng năm 5%; chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng bình quân hằng năm từ 12-15%; thu nhập bình quân của người lao động tăng hằng năm cao hơn CPI thực tế 2-3%; tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 90% (vượt 5% so với Nghị quyết đại hội), số tổ chức đảng trực thuộc đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt tỷ lệ tối đa theo quy định của cấp trên; kết nạp 415 đảng viên mới, vượt 3,5% so với Nghị quyết đại hội,…

Giai đoạn 2025-2030 tiếp tục là thời kỳ thế giới đối mặt với nhiều biến động và bất định. Trước bối cảnh đó, Vinatex phấn đấu doanh thu hợp nhất tăng hơn 5% và giá trị gia tăng trong doanh thu tăng hơn 8%; chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng bình quân hằng năm từ 12-15%; thu nhập bình quân của người lao động tăng hằng năm cao hơn CPI thực tế 2-3%; đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên, phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc năng lượng tái tạo; tỷ lệ doanh nghiệp đạt quy chuẩn về môi trường đạt 100%; giảm 9-10% lượng phát thải khí nhà kính,…

Về công tác xây dựng Đảng: Tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 85%, số tổ chức đảng trực thuộc đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt tỷ lệ tối đa theo quy định của cấp trên; hằng năm có 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt tỷ lệ tối đa theo quy định của cấp trên; tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm đạt từ 3-4% tổng số đảng viên,…

dm-31.jpg
Phó Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu trình bày báo cáo tại đại hội.

Nhận định về giai đoạn tới, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho rằng, giai đoạn 2025-2030 đánh dấu sự siết chặt thực thi các tiêu chuẩn phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất. Những yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc, tái chế nguyên vật liệu và giảm phát thải khí nhà kính sẽ trở thành điều kiện bắt buộc để hàng hóa có thể tiếp cận các thị trường lớn.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn 2025-2030 với quyết tâm cao độ nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đã đề ra tại Đại hội XIII và được cụ thể hóa trong các nghị quyết Trung ương, đó là phấn đấu đến năm 2030 đưa nước ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, nằm trong nhóm 30-35 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Chính phủ xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Các trụ cột phát triển bao gồm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số mạnh mẽ; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và hội nhập sâu rộng vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngành dệt may Việt Nam đứng trước những thách thức từ bối cảnh kinh tế-chính trị vĩ mô toàn cầu nhưng đồng thời là cơ hội để thúc đẩy đối mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Muốn làm được điều này, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng cần phát triển theo chiều sâu, tập trung nâng cao năng suất lao động quản lý và năng suất lao động sáng tạo, giảm sự phụ thuộc vào số lượng và tay nghề lao động cá nhân sang tận dụng lợi thế của công nghệ và máy móc thiết bị; chuyển dần trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển xanh, bền vững.

Đến năm 2030 sẽ chuyển sang phát triển hiệu quả, bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn và khẳng định chuỗi giá trị của ngành ở trong nước và trên thế giới; xây dựng thương hiệu và xuất khẩu hàng dệt may bằng chính thương hiệu của Việt Nam”, ông Cao Hữu Hiếu khẳng định.

dm-41.jpg
Phó Bí thư Đảng uỷ Chính phủ Lại Xuân Lâm phát biểu tại đại hội.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại đại hội, Phó Bí thư Đảng uỷ Chính phủ Lại Xuân Lâm đánh giá cao những thành quả Vinatex đạt được trong giai đoạn qua, đồng thời khẳng định: Bước sang nhiệm kỳ mới 2025–2030, đất nước ta đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh và bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trở thành trụ cột chiến lược. Đó là yêu cầu bắt buộc với mọi ngành, mọi doanh nghiệp, nhất là những ngành có tính thâm dụng lao động cao như dệt may.

Cùng lúc, các hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP,…) tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng áp lực cạnh tranh lớn từ các quốc gia có chi phí thấp và hạ tầng logistics tối ưu. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ Vinatex cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, giữ vững vai trò là doanh nghiệp đầu tàu ngành dệt may quốc gia.

Phó Bí thư Đảng uỷ Chính phủ Lại Xuân Lâm cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề rất quan trọng (số 57, 59, 66, 68-NQ/TW) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng những nghị quyết này chính là bộ tứ trụ cột về thể chế, tạo nền tảng, động lực mạnh mẽ để đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới. Đảng ủy Tập đoàn cần khẩn trương nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các nghị quyết trên vào chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành dệt may.

Đồng thời, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm vị thế doanh nghiệp nhà nước đầu ngành; tập trung hoàn thiện quá trình tái cấu trúc sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín: sợi-dệt-nhuộm-may-thương mại, từng bước làm chủ công nghệ cốt lõi và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong quản trị doanh nghiệp, logistics, quản lý năng suất lao động, tài chính và chăm sóc khách hàng; tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu và sản phẩm có truy xuất nguồn gốc để được hưởng ưu đãi thuế quan; quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển văn hóa doanh nghiệp, bảo đảm việc làm và đời sống người lao động; phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, gắn xây dựng Đảng với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh,…

Cùng ngày, Đại hội đại biểu Vinatex lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030 đã bầu 23 đồng chí vào Ban Chấp hành khóa mới.

Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành khóa IV, Ban Chấp hành đã bầu 7 đồng chí vào Ban Thường vụ Đảng ủy, tiếp tục tín nhiệm bầu đồng chí Lê Tiến Trường-giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy; đồng chí Cao Hữu Hiếu và đồng chí Nguyễn Song Hải giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.

Ban Chấp hành cũng tiến hành bầu Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tập đoàn gồm 6 đồng chí, bầu đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm-Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Vinatex khóa IV, nhiệm kỳ 2025-2030.

Xem thêm