Doanh nghiệp minh bạch thông tin về các sản phẩm xanh
Tại Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh" diễn ra ngày 2/7 tại Hà Nội, cụm từ “greenwashing” (tạm dịch là “giả xanh”) được nhiều đại biểu nói đến. Đây là hành vi đánh bóng thương hiệu hay nói cách khác là phóng đại lợi ích về môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Hành vi này nhằm thu hút những khách hàng có ý thức bảo vệ môi trường, sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó tạo lợi thế thị trường.
Thực tế này tạo nên tâm lý hoang mang, nghi ngờ đối với người tiêu dùng về mức độ “xanh”-thân thiện với môi trường của sản phẩm. Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn đang tràn lan, gây tổn hại lớn cho người tiêu dùng. Trong khi đó, mức độ minh bạch thông tin trên thị trường còn rất hạn chế”.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng này, các doanh nghiệp cần thể hiện cam kết thực chất thông qua sản phẩm cụ thể, bao bì minh bạch, có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Không thể chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu “xanh” trong truyền thông, doanh nghiệp phải thay đổi từ quy trình sản xuất đến cách tiếp cận thị trường.
Để việc “làm xanh” thực sự đi vào thực tiễn và được thị trường ghi nhận, người tiêu dùng cũng cần được trao thêm công cụ để kiểm chứng. Mã số, mã vạch hiện là một giải pháp được sử dụng rộng rãi, song phần lớn mới dừng lại ở mức cung cấp thông tin tổng quát. Việc nâng cấp hệ thống theo hướng cá thể hóa từng lô sản xuất sẽ giúp người tiêu dùng chủ động xác minh chất lượng sản phẩm, đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng kiểm soát hiệu quả hơn nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực phía bắc, cố vấn chiến lược cho công ty Talentnet cho biết: “Trước hết, doanh nghiệp phải chú trọng đến việc tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và định vị thương hiệu một cách rõ ràng và minh bạch với người tiêu dùng. Trong đó, bao bì là yếu tố không thể xem nhẹ bởi đây là nơi đầu tiên người tiêu dùng tiếp cận và đánh giá sản phẩm. Doanh nghiệp cần thiết kế bao bì dễ đọc, dễ hiểu, sử dụng màu sắc, biểu tượng hoặc các công cụ số hỗ trợ nghe, nhìn để đảm bảo mọi người tiêu dùng, kể cả người không đọc được chữ, đều có thể tiếp cận thông tin một cách minh bạch và thuận tiện”.
Thực tế, nhiều người tiêu dùng đã mất niềm tin vào doanh nghiệp vì trải nghiệm sản phẩm không đúng như những gì được quảng cáo. Theo số liệu được đưa ra tại diễn đàn, hai phần ba doanh nghiệp hiện nay có xu hướng thể hiện mình vượt quá khả năng thực tế, trong khi hơn 70% người tiêu dùng sẵn sàng tẩy chay những thương hiệu bị phát hiện “giả xanh”.
Do đó, yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp phải cung cấp thông tin chính xác, có kiểm chứng, đồng thời chỉ nên truyền thông những gì thực sự làm được. Định vị thương hiệu muốn bền vững cần dựa trên bằng chứng cụ thể, sản phẩm thật và giá trị thật.
Vai trò của người tiêu dùng trong việc đẩy lùi hàng “giả xanh”
Tuy nhiên, để những nỗ lực “làm xanh” từ phía doanh nghiệp thực sự được ghi nhận và lan tỏa trong thị trường, người tiêu dùng cũng cần đóng vai trò chủ động giám sát và lựa chọn thông minh. Một trong những công cụ hỗ trợ hiệu quả là mã số, mã vạch giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Hoàng Quốc Việt - đại diện Trung tâm mã số, mã vạch quốc gia, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học Công nghệ): Trên các nền tảng thương mại điện tử, như Shopee Mall, sản phẩm có gắn nhãn “Chính hãng” thường là hàng được ủy quyền. Trung tâm hiện cũng có ứng dụng kiểm tra mã số mã vạch, cho phép người tiêu dùng tra cứu bảy trường thông tin cơ bản như: nhà sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ,…

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng hệ thống này hiện vẫn còn thiếu những quy định ràng buộc cụ thể, đặc biệt với các ứng dụng số hỗ trợ truy xuất thông tin hàng hóa. Việc nâng cấp hệ thống mã vạch theo hướng cá thể hóa từng lô, từng mẻ sản xuất sẽ giúp người tiêu dùng có thể kiểm chứng chất lượng một cách cụ thể và rõ ràng hơn, đồng thời giúp cơ quan quản lý kiểm soát hiệu quả hơn tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Cùng quan điểm đó, ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh: “Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền và cần sử dụng các công cụ sẵn có để bảo vệ mình. Khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu giả mạo, không rõ nguồn gốc, cần gọi điện tới các đường dây nóng, gửi khiếu nại hoặc phản ánh với cơ quan chức năng.”
Từ góc độ chính sách, Tiến sĩ Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm xanh, đồng thời hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, pháp lý và chế tài xử lý các hành vi “giả xanh”, qua đó thúc đẩy sự phát triển thực chất của nền kinh tế tuần hoàn.
Không nằm ngoài vai trò chung, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng được kêu gọi đóng vai trò cầu nối, phổ biến kiến thức về tiêu dùng bền vững, đồng thời giám sát hoạt động truyền thông của doanh nghiệp, đặc biệt là các nội dung quảng cáo có dấu hiệu sai lệch hoặc gây hiểu lầm cho công chúng.
Chống “giả xanh” không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi người tiêu dùng tỉnh táo, có công cụ để kiểm chứng. Chỉ khi thông tin minh bạch, hành động nhất quán thì niềm tin mới được khôi phục và thị trường mới thực sự hướng tới phát triển bền vững.