Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực đã quy định rõ phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực.
Theo đó, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực đối với vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ được quy định như sau:
Tòa án nhân dân khu vực 2-Hà Nội có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 20 tỉnh, thành phố, bao gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Huế; các tỉnh: Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang và Quảng Trị.
Tòa án nhân dân khu vực 1-Thành phố Hồ Chí Minh có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 14 tỉnh, thành phố, bao gồm: thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tây Ninh, Quảng Ngãi và Vĩnh Long.
Từ ngày 1/7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Nghị quyết 81/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực chính thức có hiệu lực. Theo đó, trên cả nước sẽ có tổng cộng 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh (6 Tòa án nhân dân thành phố và 28 Tòa án nhân dân tỉnh). Đồng thời, thành lập 355 Tòa án nhân dân khu vực tại 34 tỉnh, thành phố.
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực được mở rộng hơn khi có quyền xét xử cả những vụ án/vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trước sáp nhập. Tòa án nhân dân khu vực cũng kế thừa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các Tòa án nhân dân cấp huyện cũ với phạm vi địa giới hành chính phụ trách.