Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 18/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024; tăng 18,71% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024, dư nợ tín dụng tăng 3,87% so với tháng 12/2023). Đây là mức tăng trưởng tín dụng khá tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi và tăng tốc.
Đặc biệt, so với mức tăng của cùng kỳ năm 2024, đây là bước cải thiện rõ rệt về tốc độ và quy mô tín dụng, thể hiện nỗ lực chính sách đồng bộ và niềm tin ngày càng gia tăng vào triển vọng phục hồi kinh tế.
Tăng năng lực cung ứng vốn
Theo NHNN, tín dụng hiện đang chảy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng thiết yếu và một phần vào đầu tư hạ tầng, năng lượng xanh - những động lực trọng yếu của phát triển kinh tế. Việc tín dụng tăng mạnh trở lại là biểu hiện rõ nhất của niềm tin thị trường.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: Tăng trưởng tín dụng năm nay không chỉ phản ánh sự nới lỏng chính sách tiền tệ hợp lý của NHNN mà còn cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh tế đang được củng cố, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp.
Theo NHNN, tín dụng hiện đang chảy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng thiết yếu và một phần vào đầu tư hạ tầng, năng lượng xanh - những động lực trọng yếu của phát triển kinh tế. Việc tín dụng tăng mạnh trở lại là biểu hiện rõ nhất của niềm tin thị trường.
Bức tranh khả quan này cũng được phản ánh ở các khu vực kinh tế, các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ logistics; nông nghiệp công nghệ cao…, nơi các ngân hàng thương mại đang mạnh tay tung ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung từ 1-2%.
Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê-Ổn định tiền tệ, tài chính (NHNN) Nguyễn Phi Lân cho biết, hiện có 100 tổ chức tín dụng đã phát sinh dư nợ đối với khu vực kinh tế tư nhân, trong đó khoảng 209.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn tích cực thực hiện nhiều chương trình tín dụng như: chương trình tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chương trình 500.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng... Điều này khẳng định dòng vốn tín dụng đã lan tỏa rộng khắp các phân khúc doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế sau khi hỗ trợ VCBNeo ước tăng hơn 5,0% so với cuối năm 2024; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững.
“Giữ vai trò là ngân hàng chủ lực, chủ đạo trong việc thực thi các chính sách tiền tệ quốc gia, thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, Vietcombank đã và đang triển khai 22 chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh việc tài trợ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, Vietcombank cũng tài trợ vốn cho các ngành phát triển bền vững, các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, quy mô chiếm xấp xỉ 33% tổng dư nợ tín dụng”, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Cùng với Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của VietinBank cũng tăng trưởng tốt, ước đạt 10% so với cuối năm 2024. Đáng chú ý, một số ngân hàng thương mại cổ phần như PGBank, ABBank đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN phân bổ từ đầu năm và đang xin cấp thêm. Điều này minh chứng rõ nét cho sự phục hồi và bứt phá của tín dụng nhằm tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế.

Duy trì mặt bằng lãi suất thấp
Sự tăng tốc của tín dụng không thể tách rời môi trường lãi suất đang ngày càng dễ chịu hơn cho người vay. Theo báo cáo diễn biến lãi suất mới đây của NHNN, lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên vẫn giữ khoảng 3,9%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/ năm).
Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,6-8,9%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1-5,0%/năm.
Anh Đinh Công Vàng, chủ một trang trại dưa lưới ở tỉnh Khánh Hòa cho biết, gia đình anh hiện có 3 nhà lưới diện tích hơn 7.000m². Nhờ khoản vay 1,7 tỷ đồng từ Agribank với lãi suất thấp, anh đã đầu tư hệ thống điều hành thông minh có thể kiểm soát tưới tiêu, bón phân, giám sát cây trồng chỉ bằng một chiếc điện thoại.
“Làm nông nghiệp công nghệ cao bắt buộc phải đầu tư bài bản, mà điều này không thể thực hiện nếu không có nguồn vốn phù hợp. Vụ dưa gần nhất, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi hơn 300 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận không dễ đạt được nếu chỉ canh tác truyền thống đơn thuần”, anh Đinh Công Vàng chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, nhiều ngân hàng cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ để rút ngắn quy trình xét duyệt hồ sơ, nâng cao trải nghiệm khách hàng và giảm chi phí vận hành, từ đó có thêm dư địa giảm lãi suất.
“Đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chính là điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và nhất quán trong việc giảm lãi suất, nới hạn mức tín dụng có kiểm soát. Sự ổn định và hợp lý của mặt bằng lãi suất đã tạo ra dư địa tài chính lớn cho các doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ tiếp cận được nguồn vốn chi phí thấp để mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc, nhập nguyên liệu và phục hồi chuỗi cung ứng”, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh khu vực II Nguyễn Đức Lệnh nhìn nhận.
Như vậy, với mức tăng 7,14% tính đến tháng 6, dư địa để tín dụng cả năm 2025 có thể đạt từ 16% trở lên là hoàn toàn khả thi nếu các chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.
Theo dự báo từ Bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán VCB (VCBS Research), tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể đạt khoảng 16%; trong đó, riêng về lãi suất, NHNN được kỳ vọng tiếp tục điều hành lãi suất ổn định nhằm bảo đảm phù hợp với mặt bằng chung của nền kinh tế và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
Công ty chứng khoán MBS Research cũng cùng quan điểm khi đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ nằm trong khoảng 17%-18%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất, tiêu dùng nội địa và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn sẽ dao động quanh mức 5,5%-6% trong năm 2025.
Ngoài ra, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 3 năm 2025 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do NHNN vừa thực hiện cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng khởi sắc, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định trong quý 3.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng dự báo đến cuối năm 2025, mặt bằng lãi suất sẽ cơ bản ổn định, không thay đổi đáng kể so với cuối năm 2024. Điều này phản ánh nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm sự ổn định tài chính.
Các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4% trong quý 3 năm 2025, với mức tăng 4,4% đối với VND và 2,5% đối với ngoại tệ; dư nợ tín dụng được dự báo tăng 4,7%, trong đó VND và ngoại tệ lần lượt đạt 4,7% và 4,8%. Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh tăng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên 16,8%, vượt xa tốc độ tăng thực tế của năm 2024.