Du khách thưởng thức cà-phê của Khe Sanh, Quảng Trị.
Du khách thưởng thức cà-phê của Khe Sanh, Quảng Trị.

Thưởng thức đặc sản cà-phê hữu cơ vùng đất lửa Vĩnh Linh tại Hà Nội

Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, hướng về vùng đất lịch sử Quảng Trị, sự kiện "Coffee meat 2025-Vĩ tuyến cà-phê: Kể chuyện một vùng đất lửa" được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) sáng 27/7 như một hành trình kết nối ký ức chiến tranh với hơi thở của hiện tại thông qua hạt cà-phê đặc sản đến từ Khe Sanh.

Sự kiện do Công ty TNHH TMDV Tống Phúc Lâm (Cup’n’Care) tổ chức. Đây là một hoạt động trải nghiệm mang tính giáo dục, văn hóa và truyền cảm hứng, góp phần tôn vinh giá trị nông nghiệp-du lịch bền vững gắn liền với lịch sử kháng chiến.

Trên vùng đất lửa Quảng Trị, nơi đạn bom từng cày nát từng tấc đất, từng triền núi, ngày nay đã hồi sinh những nông trại cà-phê xanh mướt. Đó là thành quả của bàn tay, khối óc, và trái tim kiên trung của những người nông dân – đặc biệt là đồng bào Bru Vân Kiều ở Khe Sanh.

z6845804484090-06f31b9fca0be3c3a4aaaad393f6d462.jpg
Cà-phê Đồi Pun do chị Lương Thị Ngọc Trâm tạo dựng nhiều năm liền nằm trong top đầu cà-phê Việt Nam.

Với hành trình khởi nguồn từ năm 2019, Cup’n’Care đã đồng hành cùng người nông dân Quảng Trị từ những ngày đầu cải tạo đất, từ những vườn cà-phê nhỏ bé đầu tiên và đến nay đã có mặt trong các bộ sưu tập cà-phê đặc sản tiêu biểu của vành đai Thái Bình Dương như: Giải vô địch Đông Nam Á của Farm Madam Hương; top đầu cà-phê Việt Nam nhiều năm liền của Cà-phê Đồi Pun.

Sự kiện là dịp để giới trẻ Hà Nội, những người yêu cà-phê, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp-du lịch-lịch sử có cơ hội thưởng thức cà-phê đặc sản Khe Sanh được canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững; tham gia cupping (thử nếm) theo chuẩn quốc tế SCA cùng chuyên gia; giao lưu với những người trẻ đang “kể chuyện bản địa” bằng chính thương hiệu Việt.

z6845804473844-be652c2c8c6fbcad75409cfd82bb395b.jpg
Các thương hiệu cà-phê mời du khách nếm thử hương vị đặc trưng cà-phê Khe Sanh, Quảng Trị.

Là một đơn vị tham gia chương trình, chị Lương Thị Ngọc Trâm cho biết, viết lại truyền thống gia đình làm cà-phê, nhiều năm qua thương hiệu Cà-phê Đồi Pun liên kết và người nông dân, hỗ trợ họ thực hiện theo quy trình chăm sóc, canh tác, bón phân theo quy định với hướng đa dạng sinh học. Cà-phê Đồi Pun được chế biến đặc biệt để hạt cà-phê tự lên men, tạo ra hương vị đặc biệt. Cà-phê sau thu hoạch được Đồi Pun mua giá cao hơn so với thị trường.

Chị mong muốn thông qua các chương trình như thế này, nhiều người sẽ biết đến đặc sản cà-phê Khe Sanh, Quảng Trị để khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào con đường phát triển nông sản bền vững, tử tế, mang hồn cốt Việt Nam.

z6845804461169-15d63c77ed2f38b74868f825024e5e5d.jpg
Nhiều bạn trẻ thưởng thức và đưa ra nhận xét cho từng loại cà-phê trồng tại Khe Sanh, Quảng Trị.

Một bạn trẻ trải nghiệm tại chương trình cho biết, bạn nghe đến cà-phê ở Khe Sanh, Quảng Trị lâu nhưng đây là lần đầu tiên được tham dự chương trình. "Vị cà-phê khá đặc biệt, không phải là kiểu quen thuộc với giới trẻ hiện nay. Nhưng khi nghe chia sẻ về phương pháp canh tác, thưởng thức hương vị độc đáo của cà-phê vùng đất này, chúng em thấy trải nghiệm sáng nay rất đáng giá", bạn trẻ chia sẻ.

Đại diện đơn vị Cup’n’Care chia sẻ, sự kiện không chỉ đơn thuần là một buổi trưng bày và thử nếm cà-phê đặc sản, mà còn là một lời tri ân sâu sắc với thế hệ đi trước rằng: Con cháu vùng đất lửa vẫn luôn kiên cường, đoàn kết, dám ước mơ, dám vươn mình vươn tầm quốc tế, góp phần khẳng định giá trị nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Sự kiện này được tổ chức lần thứ 3 tại Hà Nội và sẽ sớm tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới để quảng bá nét văn hóa cà-phê độc đáo của vùng đất Khe Sanh, Quảng Trị đến người dân cả nước.

Xem thêm