Người dân giúp gia đình ông Nguyễn Viết Đôn ở thôn Đồng Kem, xã Đồng Yên, Tuyên Quang dọn vào nhà mới. (Ảnh: TRỊNH KHÁNH TOÀN)
Người dân giúp gia đình ông Nguyễn Viết Đôn ở thôn Đồng Kem, xã Đồng Yên, Tuyên Quang dọn vào nhà mới. (Ảnh: TRỊNH KHÁNH TOÀN)

Những mái ấm nghĩa tình

Nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, hàng chục nghìn ngôi nhà khang trang đã được xây mới, tôn tạo trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng.

Những căn nhà khang trang, kiên cố không chỉ là mái ấm của các gia đình, mà còn là biểu tượng sinh động của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, khẳng định sự tri ân sâu sắc, trách nhiệm lớn lao của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc.

Ông Mai Trung Liên ở thôn Nà Han, xã Ngọc Đường, tỉnh Tuyên Quang là thương binh hạng 4/4. Do sức khỏe yếu, gia đình lại đông người, nên bao năm nay, ông Liên chưa đủ tiền để xây nhà mới. Đầu năm 2025, gia đình ông được xã lựa chọn là hộ gia đình chính sách được hỗ trợ xóa nhà tạm. Ông Liên cho biết: “Trong quá trình xây dựng, cán bộ và người dân trong xã hỗ trợ gia đình tôi nhiều ngày công lao động. Nhờ đó, với số tiền hỗ trợ của Nhà nước là 60 triệu đồng, cộng với tiền tích cóp của gia đình, tôi đã hoàn thành ngôi nhà sàn mới trị giá 200 triệu đồng”.

Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, lồng ghép nhiều nguồn lực để xóa nhà tạm cho các gia đình chính sách, người có công, cựu chiến binh nghèo. Trong giai đoạn 2019-2022, tỉnh Hà Giang (cũ) đã triển khai chương trình xóa nhà tạm cho cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, người có công và hộ nghèo nơi biên giới. Điều đáng nói là toàn bộ kinh phí thực hiện chương trình được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa.

Chỉ trong ba năm (2019-2021), tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân được hơn 400 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 341 nghìn ngày công. Từ đó, các địa phương đã xây dựng mới 6.700 ngôi nhà, trong đó có 249 nhà cho các gia đình chính sách, 605 nhà cho các gia đình cựu chiến binh nghèo, 2.086 hộ nghèo ở xã biên giới và 3.760 hộ nghèo ở các xã khác.

Ngoài số tiền hỗ trợ mỗi hộ 60 triệu đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương huy động các lực lượng góp công, góp sức giúp các hộ có được những ngôi nhà xây mới bảo đảm chất lượng, phù hợp kiến trúc truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Tiếp nối thành công đó, khi triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang (cũ), nay là tỉnh Tuyên Quang (mới) đặt mục tiêu đến ngày 27/7/2025 hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công. Với phương châm thực hiện “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm, cộng đồng đồng hành”, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực để xây mái ấm cho người có công.

Ở nhiều xã, người dân không chỉ góp công, mà còn ủng hộ vật liệu xây dựng, thành lập các tổ thợ xây để hỗ trợ các gia đình xóa nhà tạm. Đến nay, Tuyên Quang đã hoàn thành xây mới và tu sửa nhà cũ cho 1.065 hộ người có công, đạt 100% kế hoạch.

Để đạt được kết quả nêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh cho biết, tỉnh đã thực hiện chương trình với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Trong triển khai thực hiện phải bảo đảm “6 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả) và “4 thật” (nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân thụ hưởng thật).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm của tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy, chính quyền, từng sở, ngành, đoàn thể phụ trách từng địa bàn để kịp thời đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, đồng thời xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong quá trình thực hiện.

Ở vùng Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Hưng Yên cũng là địa phương làm tốt công tác xóa nhà tạm cho hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ngày 21/6/2025, tỉnh Thái Bình (cũ) đã cùng lúc hoàn thành đề án hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ về nhà ở và đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, tỉnh hoàn thành vượt tiến độ 100 ngày so với kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 20/6, tỉnh có 3.007/3.008 hộ đã khởi công xây dựng và được cấp kinh phí hỗ trợ cải thiện nhà ở. Trong đó; tỉnh hỗ trợ nhà ở cho 898/899 hộ (đạt 99,89%) người có công, thân nhân liệt sĩ; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 2.109/2.109 hộ nghèo, hộ cận nghèo (đạt 100%).

Thái Bình là một trong số ít địa phương có mức hỗ trợ cao nhất cả nước, trong đó hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ xây mới nhà, 50 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà. Ngoài tiền hỗ trợ từ ngân sách, tỉnh khai thác từ những nguồn vốn hợp pháp khác như: Vốn tự có của gia đình; vốn hỗ trợ của tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm; hỗ trợ của họ hàng, làng xóm; hỗ trợ ngày công lao động,… Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình chia sẻ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ từ 100 triệu đến 600 triệu đồng, giúp tỉnh có thêm nguồn lực hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, hoàn thành vượt tiến độ 100 ngày so với kế hoạch đề ra.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên khẳng định: Kết quả thực hiện hai đề án là minh chứng sinh động cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thể hiện vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp và tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân. Đây cũng là dấu ấn nổi bật của tỉnh Thái Bình (cũ) trước thời điểm hợp nhất với tỉnh Hưng Yên. Sau khi hoàn thành hai đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc của toàn xã hội để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, các hộ nghèo và người yếu thế.

Ở vùng đất miền trung nắng lửa Quảng Trị, ông Lê Công Hoan, một bệnh binh thời kỳ chống đế quốc Mỹ ở thôn Vĩnh Tuy 4, xã Quảng Ninh, rất xúc động khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở theo diện chính sách người có công với cách mạng. Nhiều năm nay, mặc dù siêng năng làm ăn, nhưng vợ chồng ông chưa có đủ điều kiện để xây dựng nhà mới. Cả gia đình sinh sống trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp. Ông Hoan chia sẻ, được Đảng, Chính phủ quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhà ở khang trang, ông rất cảm động. Đây là nguồn động viên lớn về vật chất lẫn tinh thần để những người có công với cách mạng như ông sớm ổn định cuộc sống.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình (cũ) đã quyết liệt triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, trong đó quan tâm ưu tiên các đối tượng có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, với nhiều cách làm linh hoạt, hiệu quả. Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng 80 triệu đồng/hộ có nhà xây mới và 40 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà.

Cùng nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỉnh hỗ trợ từ ngân sách địa phương 20 triệu đồng/hộ xây mới, 10 triệu đồng/hộ sửa chữa, cải tạo. Đến ngày 26/6, có 2.177/2.239 căn nhà được khởi công, trong đó có 473 nhà xây mới, tỉnh phấn đấu hoàn thành toàn bộ 100% căn nhà xây mới và sửa chữa trước ngày 27/7 năm nay. Tỉnh Quảng Trị (cũ) cũng tích cực triển khai đề án hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, phấn đấu hoàn thành trước ngày 27/7. Theo đó, tổng số nhà ở cần hỗ trợ theo đề án là 2.374 căn, trong đó có 342 căn xây mới với mức hỗ trợ tương đương tỉnh Quảng Bình (cũ).

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang cho biết, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình có công với cách mạng và thân nhân các liệt sĩ nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Ban Chỉ đạo và thành viên ban chỉ đạo các cấp đã tiến hành gần 100 đợt kiểm tra, tập trung kiểm tra những xã có nhiều nhà xây mới, sửa chữa, xã đặc biệt khó khăn nhằm bảo đảm chất lượng xây dựng, tiến độ hoàn thành. Qua kiểm tra cho thấy chương trình được triển khai nghiêm túc, bài bản, đúng đối tượng, đúng tiến độ, đạt hiệu quả thiết thực và tạo được sự lan tỏa lớn.

Đến thời điểm này, hàng nghìn hộ người có công ở Quảng Trị đã có được mái ấm mới, có nơi thờ tự ấm áp, linh thiêng; bớt lo âu trước mùa mưa bão. Thành công của chương trình không chỉ nằm ở những con số cụ thể, còn là kết tinh của sự tri ân, truyền thống cao đẹp của dân tộc.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc… tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho gia đình người có công, bảo đảm các gia đình cuộc sống bằng và hơn cuộc sống các gia đình trong khu dân cư. Các cơ quan, đơn vị tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ như: đào tạo nghề, tạo việc làm, vay vốn tín dụng chính sách, tiếp cận y tế, giáo dục... giúp các gia đình người có công có được sinh kế bền vững.

Xem thêm